Bu Dịu

Truyện ngắn của Nguyễn Trọng Văn| 04/09/2022 06:08

(HNMCT) - Mới sáng sớm mà các ngả đường đến chùa Thạch đã nhộn nhịp tiếng chân người. Hôm nay là đám giỗ ni sư Đàm Dịu. Ông Tuyên là người đến sớm nhất. Làm trưởng ban khánh tiết nên đến sớm để lo liệu công việc cũng là lẽ thường, nhưng hôm nay ông còn đến sớm nhất bởi suốt đêm qua không hề chợp mắt.

Minh họa: Lê Trí Dũng.

Nằm trằn trọc mãi trên giường đến ê ẩm cả người, lúc gà gáy canh đầu ông đã rón rén ra khỏi màn. “Bà ấy lo sắp lễ ngoài chùa đến đêm muộn mới về đặt lưng”. Nghĩ vậy nên ông khẽ khàng mở cửa. “Ông nhớ đem theo ba lô đấy nhưng để đâu cho kín đáo. Đừng cứ đeo khư khư sau lưng dân làng cười cho” - vợ ông cất tiếng dù vẫn nằm không động đậy. Ông quay lại, thì thầm: “Biết rồi! Nó là “báu vật” thì tôi phải giữ khư khư bên mình chứ”.

Nhà ông Tuyên cách chùa có mấy bước chân. Ông sinh ra và lớn lên ở đó. Từ thuở còn bé xíu đã lấy sân chùa, vườn chùa làm chỗ chơi nên ngôi chùa không chỗ nào không có dấu chân ông. Thuở trước chùa còn vắng vẻ và thanh tịch. Thằng Tuyên gầy gò thấp bé, mũi thò lò, cặp mắt như hai con ốc nhồi nên chẳng đứa nào chịu chơi với nó. Có lẽ vì thế mà nó hay đến chùa để chơi. Thấy thằng bé cứ tha thẩn một mình ngày này qua ngày khác nên ni sư Đàm Dịu hay gọi nó lại, bữa thì cho quả chuối chín, hôm thì trái oản.

Đó là năm 1952. Năm ấy ni sư Đàm Dịu chừng ngoài bốn mươi tuổi. Dân làng chỉ nghe phong phanh quê bà ở mạn Hà Nam gì đó. Chẳng biết có phải vì lỡ dở tình duyên hay gia cảnh gặp tai bay vạ gió mà bà đến nương nhờ cửa Phật ở chùa Thạch từ khi mới hăm mươi, hăm mốt. Hai chục năm sau đó dân làng chẳng bao giờ thấy bà về quê hay có người ở quê tới tìm bà. Thực tình dân làng ai cũng quý mến bà. Gương mặt thanh tao, tính tình nhu hiền, nói năng nhẹ nhàng. Nghe đâu bà vốn là con nhà quan, được ăn học tử tế nên mọi chuyện trong làng người ta đều hỏi ý kiến ni sư và được phân giải thấu tình đạt lý. Người làng Thạch cứ thế mà tự nhiên coi bà là người trong làng, trong họ.

***

Năm đó thằng Tuyên mới bốn tuổi. Buổi trưa hôm ấy nắng chang chang. Ve kêu nhức óc. Đang tha thẩn một mình trước cổng chùa thì nó thấy ni sư đi chợ Đường về. Mọi lần đi chợ về bà đều gọi nó lại cho quà. Lần này, bà không cho quà ngay mà chỉ vào một thằng bé đang khép nép đứng bên cạnh. Trạc tuổi thằng Tuyên nhưng nom nó tong teo hơn, ánh mắt mệt mỏi. Tuyên hơi ngơ ngác vì chưa hiểu ở đâu ra thằng bé có bộ dạng như ma đói ấy. Ni sư một tay vẫn nắm tay thằng bé, một tay vời vời Tuyên lại rồi bà cúi xuống nói nhỏ: “Con chơi với bạn này nhé. Từ giờ bạn ấy sẽ ở trong chùa cùng... cùng bu”.

Đó là lần đầu tiên thằng Tuyên nghe ni sư Đàm Dịu xưng "bu" với mình. Nó mở to đôi mắt nhìn phân vân. Như không thấy ánh nhìn kỳ cục của nó, ni sư lại cúi xuống, nhỏ nhẹ: “Bạn này tên là Bình An. Từ nay Bình An là con của ta. Con chơi với Bình An nhé”.

Thằng Tuyên chỉ biết đến thế và từ đó nó cũng hồn nhiên cùng thằng Bình An gọi ni sư Đàm Dịu là “bu Dịu”. Mãi sau này nó mới nghe người lớn nói đại khái ni sư bắt gặp thằng bé đang ngồi ôm bụng, đói lả bên gốc gạo gần cổng chợ Đường. Ni sư nhìn trước ngó sau nhưng chẳng thấy ai. Nom bộ dạng ấy chắc là một mình lang thang xin ăn. Thấy có người dừng bước, nó chắp tay, lắp bắp van lơn. Ni sư động lòng xót thương, bà đưa nó chiếc bánh tẻ vừa mua định mang về cho thằng Tuyên. Hỏi tên gì, nhà ở đâu nó chỉ lắc đầu. Hỏi đến cha mẹ thì nó òa khóc. Thế là ni sư dắt nó về chùa. Bà nhận nó là con và đặt tên là Bình An, mang họ Đàm của nhà chùa.

Năm hai thằng cùng vào học vỡ lòng, chính ni sư Đàm Dịu dắt chúng đến lớp. Đó là lớp vỡ lòng đầu tiên được mở ở làng Thạch. Ban đầu Tuyên không chịu đi học. Nó thích chơi ở vườn chùa hơn. Ni sư kéo nó lại, đặt tay nó vào tay Bình An rồi nói: “Hai con cùng đi học với nhau. Có đi học thì sau này mới đỡ khổ”. Nghe thấy “học để sau này đỡ khổ”, mắt Bình An sáng rực lên. Bộ dạng của nó làm thằng Tuyên chuyển ý: “Tao sẽ đi học cùng mày”.

Bình An được ni sư cho ngủ ở căn phòng xép kế bên trai phòng. Tối tối ni sư cúi đầu đi qua ô cửa thấp để sang rém màn cho nó. Sáng sáng bà lại cúi đầu đi qua ô cửa để gọi thằng bé dậy. Nhưng từ sau hôm được đi học Bình An thay đổi hẳn. Nó đã biết tự rém màn và hễ nghe thấy tiếng chuông chùa là nó trở dậy, mắt nhắm mắt mở đi theo “bu Dịu”. Đứng bên quả chuông treo ở bên trái chính điện, bà thong thả thỉnh mấy tiếng chuông. Thỉnh xong bà lại trước chính điện, thong thả ngồi xuống chiếu rồi cũng với phong thái ấy đọc hết bài kinh. Bình An rón rén ngồi sau lưng ni sư, lẩm nhẩm khấn theo. Thằng bé quả là sáng dạ. Chỉ năm, sáu buổi đọc theo ni sư nó đã thuộc làu làu. Nghe Bình An đọc khấn thông thạo ni sư vừa vui lại vừa buồn. Vui vì nó “có căn” với nhà chùa. Buồn vì bà muốn nó học lên cho đỡ khổ.

Dường như Bình An cũng đoán biết được ý ni sư nhưng nó vẫn không nói không rằng, sáng nào cũng ngồi đọc bài khấn sau lưng “bu Dịu”. Hết cấp 2 nó dứt khoát không chịu đi học nữa. Sau mấy năm ở chùa, được ăn ngủ tử tế và chịu khó cuốc đất trồng rau trong vườn, trồng lúa ngoài mảnh ruộng chùa nên nó phổng phao, chững chạc hẳn lên. Có những lần ni sư đi lễ xa vài hôm nhưng việc thỉnh chuông, tụng kinh hằng ngày rồi vườn tược rau dưa nó làm đâu ra đấy.

***

Chưa tới giờ làm lễ mà bà con đã đến đông đủ, ngồi kín những hàng ghế nhựa xếp ở sân chùa. Mấy vị lãnh đạo huyện, lãnh đạo xã cũng đã tề tựu, trò chuyện rôm rả. Chùa mới được nâng cấp, mái ngói đỏ tươi, cửa giả thơm mùi gỗ. Lễ khánh thành đúng ngày giỗ “bu Dịu”. Ông Tuyên đứng trước tấm phông lớn màu đỏ treo chính giữa sân chùa, lẩm nhẩm đọc dòng chữ màu vàng trên đó: “Lễ khánh thành nâng cấp chùa Thạch và kỷ niệm 35 năm ngày mất của ni sư Đàm Dịu”. Chợt ông thấy cay cay nơi khóe mắt.

Phía trước tấm phông là chiếc bàn cao và rộng, chính giữa đặt bộ đỉnh đồng mới đánh sáng choang, khói hương trầm từ đó thong thả lan tỏa. Hai bên mâm ngũ quả là hai bình huệ trắng thoang thoảng hương thơm. Thấp hơn bàn lễ một chút là một chiếc bàn được phủ khăn đỏ phẳng phiu nhưng chưa thấy bày biện gì. Sau hồi chuông thỉnh vọng vang, buổi lễ bắt đầu. Mọi người cùng đứng dậy. Ông Tuyên trịnh trọng bước lên bục phát biểu. Ông quay người về phía bàn lễ, vái ba vái xong quay lại chắp tay cúi chào mọi người. Rồi ông tuyên bố lý do, giới thiệu quan khách... Từng làm trợ lý tuyên huấn trung đoàn nên ông Tuyên điều hành buổi lễ khá bài bản. Sau lời khai mạc, ông trịnh trọng mời Chủ tịch huyện lên phát biểu.

Chủ tịch huyện nói ngắn gọn: “Chùa Thạch được nâng cấp là sự mừng cho tất cả mọi người. Hôm nay tôi muốn thông báo với bà con thêm một điều mừng nữa. Mừng cho huyện ta, mừng cho xã ta và mừng cho chùa Thạch của chúng ta”. Nói rồi ông đưa tay ra hiệu. Từ ngoài cổng một đội nghi lễ do các cựu chiến binh quân phục trắng tinh sắp thành hai hàng tề chỉnh tiến vào trong tiếng trống giục giã. Ông Tuyên tròn mắt, không hiểu chuyện gì đang đến, cũng không rõ trên huyện đã chuẩn bị từ khi nào mà không thông báo với ông.

Đội nghi lễ đứng thành hai hàng ngang trước tấm phông đỏ. Chủ tịch huyện mời mọi người đứng dậy. Ông tiến lại dãy ghế đầu, cúi đầu chắp tay “A di đà phật” rồi trịnh trọng mời ni sư Đàm Nga - người kế tục trông coi chùa Thạch từ sau khi ni sư Đàm Dịu mất - tiến lên phía trước. Rồi Chủ tịch huyện ra hiệu mời ông Tuyên lại gần. Khi mọi người đã đứng nghiêm trang chờ đợi thì 2 cựu chiến binh trịnh trọng nâng một tấm bằng được lồng trong khung kính. Chủ tịch huyện đỡ lấy một góc, khéo léo đặt góc kia vào tay ni sư Đàm Nga. Sự việc không có trong chương trình làm ông Tuyên vô cùng bất ngờ. Ông chăm chú nhìn vào tấm bằng, lẩm nhẩm đọc: “Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Ni sư Đàm Dịu, chùa Thạch, xã..., huyện... Đã có một con độc nhất hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc”.

Tiếng vỗ tay vang lên không ngớt. Ông Tuyên đợi tiếng vỗ tay lắng xuống mới gỡ chiếc ba lô nãy giờ vẫn đeo sau lưng. Ông run run lấy trong ba lô ra một cuốn sổ cũ, lật lật mấy trang rồi dừng ở trang giữa có dán tấm ảnh nhỏ. Ông Tuyên nghẹn ngào nói: “Đây là bức ảnh bu Dịu mà liệt sĩ Đàm Bình An luôn để trong túi ngực từ khi ông ấy tạm biệt chùa Thạch đi bộ đội. Và đây là...” - ông lại cúi xuống ba lô lấy ra một gói phẳng phiu tựa như quyển vở học trò, rồi ngẩng nhìn mọi người đang yên lặng theo dõi hành động của mình và nói bằng giọng rưng rưng: “Đây là bộ quần áo nhà chùa mà liệt sĩ Đàm Bình An đã cởi ra để khoác lên mình bộ quân phục. Sáng ấy ở ngay sân kho hợp tác xã. Tôi đã mang những di vật này về làng sau khi ông An hy sinh. Hôm nay tôi xin trao lại cho nhà chùa”.

Sáng nay là ngày lập thu, không gian khoáng đạt. Gió thoảng đưa mùi hương ngọc lan dìu dịu từ vườn chùa vào. Ông Tuyên đặt ngay ngắn tấm ảnh ni sư Đàm Dịu vào góc trái tấm bằng “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” rồi cẩn thận để bộ quần áo nhà chùa mà chú tiểu Bình An đã cất gọn trong đáy ba lô lên chiếc bàn phủ khăn màu đỏ. Đội nhạc nghi lễ tấu lên một khúc quân hành. Tất cả cùng im lặng rồi sau đó nổi lên tràng pháo tay giòn giã.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bu Dịu