Con chó tây

Truyện ngắn của Vũ Đảm| 21/08/2022 06:20

(HNMCT) - Dễ đến hơn hai tháng nay tôi mới trở lại con đường này. Từ ngày cái quán bia hơi ở giữa phố sập tiệm, chẳng còn khách để đánh giày, tôi đành phải chuyển địa bàn làm ăn. Tôi tiếc cho một mối làm ăn đông khách bị mất và tiếc cho cả việc chẳng còn được nghe cụ Mẫn kể chuyện.

Minh họa: Lê Trí Dũng.

Cụ Mẫn ngoài 70 tuổi, lương hưu chẳng đủ sống, con cái nghèo, vợ lại hay ốm đau nên hằng ngày cụ phải ra đường bơm vá xe đạp để kiếm thêm đồng rau, đồng cháo. Cụ Mẫn hiền lành là thế nhưng có cả một kho chuyện ở trong đầu. Vào những lúc vắng khách, tôi hay la cà đến chỗ cụ, gạ gẫm cụ kể chuyện.

Cụ Mẫn đã chuyển địa điểm bơm vá xe sang bên kia con đường. Thay vì ở chỗ gốc cây xà cừ râm mát, nhiều khách mọi khi là một chỗ trống trơn đầy nắng. Ô hay, lẽ nào cụ ngồi ở ngoài nắng thì có lộc hơn ở trong bóng mát? Tôi rảo bước về phía cụ:

- Cháu chào cụ! Cụ có khỏe không?

Cụ Mẫn ngước đôi mắt đã bắt đầu đùng đục lên nhìn tôi. Cụ không nhận ra tôi ngay bằng mắt mà nhận ra bằng tai, cái tiếng khàn khàn của tôi có lẽ đã quá quen thuộc với cụ.

- Thằng Còm đấy à? Tao tưởng mày về quê với bố mẹ rồi. Thế ra vẫn còn lang thang ở đây hả?

Cụ Mẫn hỏi tôi, giọng cụ có vẻ vui khi gặp lại tôi. Tôi kể qua loa công việc đánh giày của mình cho cụ nghe. Thấy tôi bảo cũng kiếm được đủ sống, cụ gật gật đầu. Tôi hỏi cụ tại sao lại chuyển ra ngồi chỗ nắng? Khuôn mặt cụ đang tươi tỉnh bỗng trầm ngâm. Cụ kể, sau khi quán bia hơi sập tiệm, chủ quán bán nhà, một gia đình giàu có chuyển đến. Ngày hai lần, vào sáng sớm và xẩm tối, người vợ lại dắt con chó tây cao to ra gốc cây mà cụ vẫn ngồi bơm, vá xe để nó "đi vệ sinh". Cụ phản ứng thì bà ta bảo cái cây này không phải do cụ trồng nên cụ không có quyền ngăn cấm con Tô nhà bà!

- Thế sao cụ không báo phường? Tôi uất ức hỏi cụ.

- Báo rồi cháu ạ! Nhưng người ta chỉ hứa mà không làm. Họ sợ vì nghe đâu chồng bà ta uy quyền lắm.

Ôi, thật khốn khổ cho cụ Mẫn, cụ thường dạy bọn trẻ đánh giày chúng tôi dù nghèo nhưng phải sống có ý thức, biết vì cái chung của mọi người, ấy là người có văn hóa. Thế nên mỗi khi đi tiểu cụ lại phải mất hai nghìn đồng cho cái nhà vệ sinh công cộng bên kia đường. Ngày bốn lần, mất tám nghìn, xót tiền, cụ hãm bớt cái việc giải quyết "nỗi buồn" của mình bằng cách chỉ lúc nào quá khát thì mới mở chai nước đun sôi để nguội mang theo tợp một hai ngụm nhỏ. Thế mà người đàn bà giàu sang, được học hành đến cấp đại học kia lại đe nẹt cụ.

Không thể thế được, cụ Mẫn ơi! Cuộc đời lang thang không nhà cửa, đói khổ và cả nhục nhã nữa đã mang lại cho cháu quá nhiều cay đắng và nước mắt. Cháu hiểu tình người, ứng xử giữa con người với con người còn quý hơn cả tiền bạc. Cháu sẽ làm tất cả để cụ lại được về ngồi bơm vá xe dưới gốc cây xà cừ, kiếm ngày vài chục ngàn bù phụ cho cuộc sống vốn khốn khó của gia đình. Tôi thầm hứa với lòng mình rồi chia tay cụ Mẫn, đến bên gốc cây xà cừ quan sát. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Đúng là chó nhà giàu, được ăn sung ở sướng thành ra đống phân đã to mà lại còn thối đến kinh người. Tôi oẹ oẹ mấy cái, rảo bước về nhà trọ.

Sáng sớm hôm sau, trời còn tinh sương tôi đã xách hộp đồ nghề ra đi. Đường sá thưa thớt người xe, thỉnh thoảng mới gặp vài người chạy bộ tập thể dục. Tôi ngồi đợi ở bên này đường, chỉ mong sao cho nhanh gặp được người đàn bà độc ác kia dẫn chó ra. Sốt cả ruột, tôi đứng lên đi đi lại lại. Một chị cắp cái thúng bánh mỳ vừa đi vừa rao: "Ai mỳ nóng đây?". Tôi mua một cái, cố tình ăn thật chậm vậy mà kết thúc bữa sáng vẫn chưa thấy người đàn bà kia đâu. Không có nhẽ con chó sáng nay chịu nhịn? Hay là bà ta ốm? Ốm thì phải có người khác dẫn chó đi thay chứ? Tôi lẩm bà lẩm bẩm như kẻ thần kinh.

Kia rồi! Từ xa, một phụ nữ trung niên béo trắng, ăn mặc sang trọng đang dắt con chó màu đen cao lớn tiến về phía gốc cây xà cừ. Tôi nhao sang nói với bà ta:

- Cô ơi! Xin cô đừng cho con chó đái ỉa ở đây nữa để cụ Mẫn ngồi bơm vá xe cho mát. Cụ ấy nghèo lắm cô ơi!

- Thằng ranh con tránh ra không tao cho chó cắn chết bây giờ!

Người đàn bà có vẻ bực tức. Tôi tiếp tục van xin. Bà ta xẵng giọng:

- Tao nói cho mày biết, tuy có hôi thối một tý nhưng tao đã góp phần làm cho cây xà cừ thêm tươi tốt. Không có ăn, mày cũng chết huống chi là cây!

- Thế sao cô không để cho cái cây trước cửa nhà cô "ăn" mà lại mất công ra mãi đây?

Tôi vặn lại, người đàn bà đuối lý, làu bàu chửi tôi là hạng lang thang bụi đời. Một tay cầm dây xích dắt con chó, một tay cầm chùm chìa khóa, bà ta bước lại chỗ cây xà cừ. Tôi chạy vượt lên, thách thức:

- Nếu cô cho chó tiếp tục đái ỉa ở đây, cháu sẽ phang cho nó mấy nhát.

- Á à! Mày giỏi nhỉ! Con chó này tao thuê cả tiến sĩ y khoa, bác sĩ thú y đến chăm sóc, chưa ai dám động đến một cái lông của nó, mày lại dám đánh nó hả? Tô! Cắn chết nó cho tao!

Sợi xích được tháo ra, con chó tuân theo mệnh lệnh của bà chủ lao vào người tôi. Tôi giơ cái hộp đánh giày giáng thẳng vào người con chó. Bị một cú giáng, con chó trở nên hung hãn tợn. Thật không may, tôi giẫm vào đống phân chó tuột, thế là ngã vào gốc xà cừ. Rõ là một con chó tinh khôn, không bỏ lỡ cơ hội, nó nhảy bổ vào người tôi. Thật hú hồn hú vía, chỉ một tích tắc nếu tôi không kịp giơ hai tay bóp cổ con chó đẩy ra thì khuôn mặt tôi đã bị hàm răng sắc nhọn của nó cắm phập vào. Con chó rất khỏe, lại ở phía trên có nhiều lực, còn tôi nằm ở dưới, tựa đầu vào gốc cây nên lực đẩy yếu hơn. Nếu cứ tiếp tục thế này, tôi khó mà chống đỡ nổi. Chẳng lẽ nhiều người đã thua con chó, tôi lại thua tiếp ư? Và cụ Mẫn lại phải tiếp tục ngồi ngoài nắng sao? Không! Tôi dồn tất cả lòng căm phẫn của mình vào đôi tay rồi đập đầu con chó vào gốc cây. Đốp, đốp, đốp! Bị ba cái đập liên tiếp vào gốc cây xà cừ, con chó đau quá vùng thoát khỏi tay tôi lao đi. Người đàn bà lạch bạch chạy theo:

- Tô, Tô đứng lại!

Tôi ngồi dậy, bên vai trái đập vào gốc xà cừ đau nhói, quần áo dính đầy phân chó. Tôi trút bỏ bộ quần áo mặc ngoài vứt vào một thùng rác, chỉ mặc độc một chiếc quần đùi xách hộp đồ đánh giày quay về nhà trọ. Mấy thằng bạn cùng nhà trọ đã đi đánh giày hết. Tôi tắm gội xong, lại tiếp tục xách hộp đồ ra đi. Cả ngày, ngay cả những lúc đang đánh giày, người đàn bà và trận quyết chiến với con chó cứ nhấp nhổm trong đầu tôi. Tôi mong cho trời mau tối để trở lại chỗ ban sáng xem người đàn bà có còn dắt chó ra nữa không?

Trái với dự đoán của tôi, vào lúc đường phố bắt đầu lên đèn, người đàn bà lại dắt con chó ra. Cụ Mẫn đã dọn đồ nghề ra về. Tôi đứng nép vào một gốc cây hồi hộp theo dõi. Khi người đàn bà dắt con chó đến bên gốc cây xà cừ, nó không dám nghếch chân lên tè nữa. Nó đã sợ trận đòn chí tử của tôi. Không một chút do dự, nó quay đầu ra về. Tôi cứ tưởng người đàn bà sẽ mắng chửi con chó nhưng tuyệt nhiên không. Lộc tiền lộc bạc chảy vào nhà từ khi nuôi con chó có lẽ là thứ quyền lực to lớn làm cho người đàn bà sang trọng kia cũng phải chiều theo ý nó, dẫn nó đi đến bãi rác ở cuối con đường.

Người đàn bà và con chó vừa đi khuất, tôi sung sướng gọi to: “Cụ Mẫn ơi!”...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Con chó tây