Chùa Triệu Khánh

Thủy Hương| 17/07/2022 05:55

(HNMCT) - Chùa Triệu Khánh (Triệu Khánh tự) tọa lạc trên một vùng đất cổ có bề dày lịch sử hàng nghìn năm, thuộc địa bàn khu Thanh Lân (phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Chùa được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XVIII, là nơi thờ Phật, đồng thời phối thờ Thành hoàng làng.

Chùa Triệu Khánh có quy mô bề thế, được xây dựng trên một khu đất cao, mặt quay về hướng tây, bao gồm các công trình kiến trúc truyền thống như tam quan, chùa chính, nhà Tổ, nhà Mẫu; xung quanh được bao bọc bởi nhiều cây xanh và các tháp cổ tạo nên vẻ u tịch, uy nghiêm. Phía trước chùa là một khoảng sân rộng. Chùa chính được kết cấu theo kiểu chữ “đinh”, gồm tiền đường và thượng điện. 

Tiền đường gồm 7 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc. Mái lợp ngói vẩy hến, chính giữa bờ nóc đắp nổi phù điêu mặt trời lửa. Mái được đỡ bằng 6 hàng chân cột gỗ đặt trên chân đá tảng được chạm kiểu thắt cổ bồng. Các vì kèo có kết cấu kiểu chồng rường. Nền nhà lát gạch Bát Tràng. Đặc biệt, họa tiết trang trí trên các bức cốn mê, con rường mang phong cách thời Lê với nghệ thuật chạm bong kênh, chạm lộng vô cùng phóng khoáng, tinh xảo, thể hiện các đề tài quen thuộc như rồng nhả ngọc, rồng leo, rồng nhả ngọc đáp cua, thạch sùng cắn đuôi nhau... Đây là nơi thờ Thánh tăng và hai vị Thị giả (bên phải), bên trái là ban thờ Đức Ông, thánh Mẫu và Thành hoàng làng.

Thượng điện gồm 5 gian chạy dọc, nối với gian giữa nhà tiền đường. Các họa tiết trang trí trên kiến trúc ở đây đơn giản hơn so với tiền đường. Tại góc bên phải của Thượng điện có đặt ban thờ tượng Hậu. Tòa điện Phật gồm hệ thống 6 lớp tượng Phật được bài trí đầy đủ theo quy định của đạo Phật. 

Trong chùa Triệu Khánh hiện còn bảo quản, lưu giữ hệ thống di vật có giá trị gồm: 30 pho tượng tròn phủ sơn son thếp vàng mang giá trị nghệ thuật thế kỷ XVIII - XIX; 3 pho tượng Phật bằng đồng; 5 bức cửa võng; bát hương sứ, cây đèn...

Đặc biệt, chùa Triệu Khánh cũng là nơi lưu giữ hệ thống di văn Hán Nôm có niên đại từ thời Lê với hơn 40 đơn vị tài liệu, gồm: 9 văn bia, trong đó tấm bia có niên đại sớm nhất là Cảnh Thịnh 11 (1750); 1 quả chuông niên đại Cảnh Thịnh 2 (1794); 1 khánh đồng Ngũ nhạc Triệu Khánh tự đúc năm Thiệu Trị thứ 2 (1842); 1 cây hương đá dựng năm Bảo Thái 4 (1723); 1 sắc phong, 1 thần phả, 11 bức hoành phi và 20 cặp câu đối... Với những giá trị văn hóa - lịch sử được lưu giữ, chùa Triệu Khánh đã được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 1991.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chùa Triệu Khánh