Trăng Long Thành

Truyện ngắn của Nguyễn Trọng Văn| 19/06/2022 05:58

(HNMCT) - “Trai Tiên Điền tinh anh Hồng Lĩnh/Gái Kinh Bắc thanh sắc Tiêu Tương” Trăng mười sáu tròn vành vạnh. Cùng với ánh trăng, một mùi hương ngạt ngào tràn vào thư phòng. Tể tướng Nguyễn Nghiễm đứng dậy bước tới cửa sổ, đưa tay đẩy cánh cửa cho rộng ra. Ngài đứng rất lâu, lòng chợt thư thái, cuốn sách đọc dở vẫn cầm trên tay, dường như ngài muốn nhờ ánh sáng của trăng soi từng con chữ.

Minh họa: Lê Trí Dũng.

Quan Tể tướng lại cúi đầu chăm chú đọc. Là quan đầu triều nên chẳng có thì giờ an nhàn, vì thế mà tối nay ngài tự thưởng cho mình cái thú đọc sách. Gió đêm nhè nhẹ, các loài hoa trong vườn như được ánh trăng khơi gợi mà đua nhau tỏa hương. "Sàng tiền minh nguyệt quang/ Nghi thị địa thượng sương/ Cử đầu vọng minh nguyệt/ Đê đầu tư cố hương”. Quan Tể tướng ngâm nga, dường như hồn thơ Lý Bạch đang xâm nhập cõi lòng ngài.

Chợt từ đâu đó vọng lại câu hát. Câu hát khe khẽ nhưng trong một đêm trăng gợi lòng như thế này lại chất chứa tâm tình. Đưa mắt nhìn kỹ vào khu vườn trước cửa sổ, Nguyễn Nghiễm vẫn không thể xác định được câu hát vọng lại từ hướng nào. “Trăm i khúc ớ sông đổ dồn về một ơ bến i/ Anh chẳng ớ yêu nàng/ Anh chẳng ớ yêu nàng/ Anh đến mà chi ơ đây/ Hỡi nàng nàng ơi/ Hỡi nàng nàng ơi/ Anh chẳng ớ yêu nàng, anh đến mà chi ớ đây”. Câu hát dịu dàng, êm ái, thoảng xa thoảng gần. Nguyễn Nghiễm dường như bị câu hát hút hồn, ngài quyết định rời thư phòng bước ra vườn phủ. Thực tình ngài chỉ muốn được tỏ câu hát đến từ hướng nào chứ không có ý định tìm ra người hát.

Đó hẳn là một cô gái còn rất trẻ. Cái giọng nữ thanh thanh, hơi chút nũng nịu mà chất chứa tình ấy chỉ có ở những người con gái đang tuổi xuân thì. Bước chậm rãi và nhẹ nhàng, ngài cuối cùng cũng phát hiện được hướng vọng lại câu hát. Ngài dừng chân, lòng dùng dằng giữa hai ý nghĩ. Một là lại gần xem sao và hai là dừng chân để không làm phiền người hát. “Cứ để cho người ấy hát tự nhiên”, ngài thầm nghĩ và dừng chân trước một khóm bạch trà. Dưới ánh trăng, những bông hoa màu trắng như thêm trắng.

Quan Tể tướng lơ đễnh chạm tay vào bông hoa gần nhất, ngài giật mình rút tay lại khi câu hát lại cất lên: “Kết ớ nhân ớ duyên i sợ chàng mà lắm ơ lắm i/ Em sợ lòng chàng, em sợ lòng chàng, chưa thắm mà đã ơ phai”. Không hiểu vô tình hay hữu ý mà câu hát lại mang thầm ý trách móc. Ngài ngước mắt nhìn trời như để chiêm nghiệm. Bao nhiêu năm sống ở chốn kinh thành nên hình như ngài đã bỏ quên, hay nói cách khác là ngài đã vô tình mà bỏ quên những gì chân thật, hồn nhiên nhất. Lòng ngài lại dấy lên nỗi nhớ quê nhà Tiên Điền.

Những đêm trăng sáng như đêm nay, cậu học trò Nguyễn Nghiễm tạm gấp sách lại rồi bước ra ngoài đón gió. Từ mảnh sân trước nhà, chỉ cần nhắm mắt, nghiêng tai đã có thể nghe tiếng sóng biển ì ầm. Chỉ cần nhắm mắt lại và hơi ngửa đầu lên là đã thấy khắp người mát rượi như được ai đó đang phe phẩy quạt ru. Nghĩ đến đó quan Tể tướng chợt thấy buồn buồn. Nhất lại là đêm trăng tròn sáng như đêm nay ngài được nghe câu hát nhiều hàm ý. Câu hát đâu chỉ đơn thuần nói chuyện gái trai, mà đâu đó còn là lời bày tỏ của những người dân quê.

Chạnh lòng nghĩ lại, Nguyễn Nghiễm thấy ánh trăng đêm nay có nhiều tâm sự. Bầu trời đêm nơi kinh thành Thăng Long lâu nay vẫn thế mà sao đêm nay lại chất chứa nỗi niềm?  “Người đang cất lên những câu hát kia chắc hẳn phải là một người có tấm lòng nhân hậu? Hẳn phải là người có tâm hồn đồng cảm?”. Nghĩ vậy nên quan Tể tướng thay đổi suy nghĩ ban đầu. Ngài quyết định tìm đến tận nơi câu hát kia.

Qua ánh trăng soi, Nguyễn Nghiễm nhận ra cô gái trẻ đang hồn nhiên dạo bước một mình trong vườn. Dáng người nhỏ nhắn, chiếc áo cánh màu nâu, tóc vấn đuôi gà, cô vừa bước đi nhẹ nhàng vừa xoay người theo điệu hát. Mỗi lần như vậy chiếc váy đen lại như một vành sóng lượn trong trăng. Quan Tể tướng vội đánh mắt đi hướng khác. Ngài thấy có gì không phải khi cảm nhận như vậy. Cô gái vẫn vừa đi vừa khẽ hát, không hay biết có một người đàn ông luống tuổi đang quan sát mình.

“Cô gái” - Nguyễn Nghiễm đánh tiếng, sau khi cố tình làm tán cây phát ra tiếng động lòa xòa. Giọng ngài trầm ấm: “Cô là ai?”.

Cô gái thoáng giật mình nhưng không tỏ ra sợ sệt hay bối rối. Cô dừng hát, đôi mắt mở to nhìn người đàn ông bất ngờ xuất hiện. Rồi cô cúi người:

- Thưa đại quan! Đại quan dạo chơi vườn trăng ạ?!

Câu chào hỏi của cô gái cho biết cô đã nhận ra người hiện diện trước mặt mình là ai. Nguyễn Nghiễm hơi bất ngờ, bởi cô gái lạ khá chủ động, tinh tế và bản lĩnh, không giống những người khác mỗi khi gặp quan Tể tướng là cúi rạp người xuống, lí nhí câu chào: “Bẩm quan lớn”, nghe sợ hãi hơn là cung kính. Cô gái này chỉ qua câu chào hỏi có thể đoán được là người được giáo dục chu đáo. Tự dưng quan Tể tướng thấy có cảm tình với cô.

- Cô là ai và từ đâu tới?

- Dạ thưa đại quan! Cháu là con của ông Trần Ôn ạ.

- Cô là con gái của Câu kê(*) trong phủ ta à? Cô tên là gì?

- Thưa đại quan! Cháu là Trần Thị Tần ạ.

Cô gái cúi đầu đáp lời rồi nép người bên khóm hoa ra ý nhường đường. Nhưng quan Tể tướng đâu có ý đi qua, ngài bật cười khiến cô gái ngạc nhiên hỏi:

- Tên của cháu nghe xấu lắm ạ?

- Không, không! Ta cười vì nhớ ra Câu kê có con gái năm nay vừa tuổi trăng tròn. Thì ra đây là con gái rượu của ông Trần Ôn. Vậy cô đến chơi phủ ta khi nào mà giờ ta mới biết?

Không đợi câu trả lời, Nguyễn Nghiễm thầm nói với chính mình: “Trần Ôn là người làng Hoa Thiều, mạn Đông Ngàn xứ Kinh Bắc, làm Câu kê trong phủ đã lâu. Ông ấy là tâm phúc của ta, tính cách cẩn trọng và có học. Chắc cô gái này được cha truyền dạy những đức tính đó”.

- Dạ! Thưa đại quan! Cháu tới khi chiều ạ - rồi cô thật thà - cha cháu có dặn không được làm gì kinh động đến ngài. Cháu thật có lỗi.

- Ồ không - Quan Tể tướng xua tay - cô không làm ta kinh động mà đã làm ta... làm ta rất hài lòng. Ta nghe thấy tiếng hát trong vườn trăng nên cứ ngỡ đêm nay Ngọc Hoàng phái tiên nữ xuống hạ giới kia đấy.

Nói xong, Nguyễn Nghiễm tự trách mình tuổi đã cao rồi còn buông những lời ỡm ờ. Ngài chợt thấy luống cuống, muốn quay lui.

- Thưa đại quan! Đó là những câu hát dân dã ở quê cháu mọi người thường hát vào dịp xuân về. Xin ngài thứ lỗi nếu câu hát làm ngài phiền lòng.

- Ta muốn nghe cô hát nữa. Đêm trăng sáng thế này, câu hát của cô làm lòng ta thanh nhẹ.

Cô gái đã thôi không cúi đầu e lệ nữa, cô ưỡn ngực như để lấy hơi rồi cất lên tiếng hát. Tiếng hát nho nhỏ chừng chỉ đủ cho cô và quan Tể tướng nghe được mà thôi: “Gặp nhau đây í i mời người mà xơi i nước i/ Xơi nước ớ xơi trầu, xơi nước ớ xơi trầu, sau kết mà ơ nhân duyên/ Hỡi nàng nàng ơi, hỡi nàng nàng ơi/ Xơi nước ớ xơi trầu, sau kết mà nhân duyên”.

Cô gái ngừng câu hát. Quan Tể tướng vẫn chăm chú lắng nghe, lòng rộn lên những cảm xúc khó tả. Tuy là lời hát thường tình trong chốn dân gian nhưng dường như ẩn chứa nỗi lòng. Quan Tể tướng với tay định ngắt bông hoa gần nhất để thưởng cho cô gái.

- Đừng, đừng, thưa đại quan! Xin ngài đừng ngắt hoa.

- Sao vậy?

- Dạ thưa! Thứ nhất là đại quan đang đội mũ quan, đang mặc áo quan. Nếu đại quan ngắt hoa thì đó là ngài dùng uy quyền để ngắt hoa chứ không phải ngài thực lòng muốn ban thưởng.

- Còn thứ hai?

- Dạ! Thứ hai là khi bông hoa còn ở trên cây thì hương của nó còn bền và sẽ có nhiều người được thưởng lãm. Còn khi bông hoa đã ngắt thì hương sẽ mau tàn và... và chỉ có một người được hưởng mà thôi.

“Ồ ồ!” - Nguyễn Nghiễm thốt nhẹ trong cổ. Không ngờ cô gái còn rất trẻ này lại là người có dũng khí, dám cất lời can ngăn một đại quan đương triều, điều mà hầu như ngài chưa bao giờ chứng kiến. Hơn nữa, cô còn rất trẻ mà đã có những suy nghĩ thấu đáo. “Đúng là một người mình đang tìm” - ngài thầm nghĩ rồi nói:

- Cô nói phải lắm. Người làm quan như ta đúng là phải biết làm những điều hay cho mọi người.

Cô gái mỉm cười, chuyển hướng câu chuyện:

- Dạ, nếu đêm nay đại quan không bận thì cũng nên ngắm trăng đi ạ! Đêm trăng sáng đẹp như thế này không dạo ngắm cũng hơi uổng.

- Ta đang thư thả. Nghe những câu hát của cô làm ta thấy rất vui.

- Nếu đại quan thích, mời ngài dịp xuân tới về quê cháu nghe hát. Hội quan họ đông vui lắm. Ai ai cũng hát. Hát thâu đêm, thâu những mấy đêm liền.

- Hay quá! Ta sẽ về quê cô nghe hát - Quan Tể tướng ngừng lời, tự nhiên trong thâm tâm ngài có điều gì đấy rất lạ lùng - ta nhất định sẽ về quê cô nghe hát. Còn bây giờ cô quay về đi. Đêm cũng muộn rồi. Đứng ngoài trời đêm lâu không tốt.

Nói rồi ngài bước qua cô gái trẻ đang cúi người, nép sát vào khóm bạch trà, tay phải đặt sau lưng, tay trái giữ vạt áo. Dưới ánh trăng vằng vặc, câu hát khẽ xa khẽ gần: “I hỡi chàng chàng ơi/ Hỡi chàng chàng ơi, em sợ lòng chàng, chưa thắm mà đã ớ phai/ Thắm í với phai í i nào ai mà có biết i/ Cái ngãi đá vàng, cái ngãi đá vàng, ta quyết mà yêu ơ nhau/ Hỡi nàng nàng ơi, hỡi nàng nàng ơi/ Cái ngãi đá vàng, ta quyết mà yêu ớ nhau”.

***

Ngày 23 tháng Một năm Ất Dậu, tức ngày mùng 3 tháng 1 năm 1766, khi 25 tuổi, cô Trần Thị Tần, vợ thứ ba của Tể tướng Nguyễn Nghiễm, đã sinh hạ một người con trai. Cậu bé chào đời đã đem lại niềm vui ngập tràn trong phủ. Phu nhân Trần Thị Tần không chỉ sinh cho dòng họ Nguyễn Tiên Điền một người con trai nối dõi tông đường, không chỉ sinh cho dòng họ Trần Kim Thiều một người cháu ngoại khôi ngô, mà thực sự bà đã sinh cho nước Việt một nhân tài rực rỡ - đó là Đại thi hào Nguyễn Du!

---------------
(*) Câu kê: Người làm công việc kế toán.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trăng Long Thành