Đất lở

Truyện ngắn của Phạm Giai Quỳnh| 29/05/2022 06:02

(HNMCT) - Lại có thêm một tảng đất lớn lở ụp, trùm xuống ụ đất dày đã tràn kín mặt con đường lổn nhổn sỏi đá. Mưa xối ào ào như thác và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. "Đã gần một tuần rồi”, ông Việt lẩm nhẩm và lau nước mưa trên mặt, ngẩng lên nhìn vòm trời trắng xóa.

Ngọn nến lập lòe chiếu lên vách lán, nước dột gõ từng tiếng đanh gọn vào chậu nhôm làm đứa cháu gái đang nằm co ro ngủ bên cạnh hơi giật mình. Chợt có người đầu đội chiếc nón rách bươm, khoác áo tơi chạy ù vào, mưa to dội lên khuôn mặt khiến giọng thanh niên nhòe đi, giống như bị cảm:

Minh họa: Lê Trí Dũng.

- Bác Việt còn cái xẻng nào không? Cho cháu mượn với.

- Để mưa tạnh rồi hẵng làm tiếp.

Ông nói, tiện tay đưa cho cậu thanh niên cái khăn bông vắt trên thanh gỗ buộc ngang lán dùng để phơi quần áo, cho dù thời tiết như thế này quần áo cũng chẳng thể khô được, cứ ẩm mãi, cực chẳng đã ông đành phải đốt thêm đống lửa bên dưới, hong từ từ, lại phải ngồi canh phòng lửa bén vào quần áo và vách nứa.

- Be bé cái mồm thôi cho cháu tao ngủ.

Lĩnh lau mặt, hơ tay qua quít cho bớt giá rồi cười hì hì, bảo:

- Cháu cũng định thế, nhưng đất nó vùi mất cái đầu xe của cháu rồi, cháu không vào trong để lùi lại được. Bác còn rượu không? Buốt quá!

Ông Việt chỉ vào cái bao dứa nằm trong góc nhà:

- Đấy, còn một ít đấy, mấy đứa mày uống gần hết cả rượu của tao rồi. Mà bây giờ có đào thì đất càng lở, không sợ chết à?

Tuy miệng nói thế nhưng ông vẫn đứng lên lấy cái xẻng mà chiếc cán đã gãy mất một phần ba. Nghe đâu cái xẻng đó bị gãy cán trong lần ông vần nhau với con hổ ba chân khi vào rừng tìm nấm linh chi để bán cho dân miền xuôi. Cũng nghe đâu ông làm gãy nó từ cái thuở trai tráng đi đào hồng ngọc ở Yên Bái. Lần đó bị một đám người vây đánh, ông ôm ngọc trốn vào rừng rồi đi tuốt một mạch về Hòa Bình. Chẳng ai biết rõ được về những gì ông Việt đã trải qua, cũng chẳng ai quan tâm tới sự mâu thuẫn về thời gian, không gian trong những câu chuyện ông kể, trong ấn tượng của dân buôn dọc từ xuôi lên núi, ông chỉ là một cái tên, cái tên mà hễ nhắc tới sẽ khiến người ta phải nể đôi phần. Điều ấy trái ngược với vẻ ngoài gầy guộc, khắc khổ của ông.

Mấy năm trước, người ta đã cho xây ở trên núi một khu chợ với những ki ốt san sát nhau, chia ô ra buôn bán, dựng thành nơi vừa có thể ở vừa có thể bán hàng. Dân tứ xứ túa lên, Phú Thọ, Hòa Bình, Nam Định, Thái Bình... thảy đều có, đạo lương sống xen với nhau, sáng sáng có thể nghe cả tiếng đọc giáo lý từ một nhà nào đó. Nhiều người từng sống ở phố Bờ cũng đi lên đó. Thành thử, việc kinh doanh nhu yếu phẩm, bán hàng xén, đồ đạc vận chuyển từ dưới xuôi lên thành một miếng bánh ngon cho những người đang kiếm kế sinh nhai trong cái buổi chuyển giao sang thế kỷ mới đầy khó khăn này.

- Ôi bây giờ mà không xúc hết đất ra, nó chảy vào thêm thì có khi phải vứt cả xe hàng đấy ạ! Lĩnh vừa nói vừa hớp một ngụm rượu ngô, mặt nhăn lại vì hơi rượu cay sốc lên tận óc.

- Còn người thì còn của. Cùng lắm thì tao cho mày vay.

Lĩnh lại cười rồi quơ nón đội lên đầu, cầm cái xẻng chạy ù ra ngoài. Mưa vẫn rơi rát mặt người. Hay là mưa nhiều quá nên người ta đã quen, đã tưởng rằng mưa ngớt rồi chăng? Ông Việt lắc đầu, xỏ chân vào đôi dép cao su đi từ hồi còn ở chiến trường, chụm thêm củi vào cái bếp được tạo bởi ba hòn đá lùm lùm ám khói đen sì.

Đêm. Mưa nhòe trên kính xe, tràn cả vào giấc ngủ. Ông Việt chốc chốc lại dậy thêm củi, thổi bễ cho lửa khỏi tắt. Nhìn đám thanh niên trải chiếu nằm trên nền khô, đong đưa trên võng, ông bất giác thở dài, nếu ốm đau trong hoàn cảnh này thì lại khốn khổ khốn nạn ra. Mấy ngày đầu, ai cũng kháo nhau rằng rồi đường sẽ được thông sớm thôi, ngờ đâu cơn mưa này cứ sụt sùi mãi, dầm hẳn vào đất, tựa như có một con dao vô hình nhân khi không ai chú ý đã hạ những vết cắt ngầm, bửa nửa quả đồi xuống. Ngủ mãi trong buồng lái cũng chẳng phải là cách hay, có thể chịu được một hai hôm nhưng nếu cứ kéo dài thế này đâm ra xương cốt ai cũng rệu rã cả. Thế là cái lán mà ông Việt dựng sẵn trên đường để nghỉ chân mỗi khi đánh xe lên miền ngược trở thành nơi ở tạm. Lán khá rộng rãi, nền bên dưới là đất thịt cứng chắc, đằng sau rộng thoáng, phóng tầm mắt có thể thấy được dòng suối uốn quanh với những bụi lau ken dày, thấy được cả rừng tre rừng luồng đằng xa.

Đứa cháu gái thiếu hơi ông thành ra trằn trọc. Nó tỉnh dậy, lò dò leo xuống rồi ngồi sát lại cạnh ông. Nhìn cháu, ông Việt thở dài một hơi, chẳng biết đang nghĩ gì. Mẹ nó vẫn đang theo học đại học ở thành phố, thảng hoặc mới về một lần. Cháu sống với nhà ngoại, cứ thế mà bôn ba theo chân ông. Hiện giờ nó còn nhỏ nên cũng đỡ, ông vẫn có thể dạy nó một vài chữ, kể cho nó nghe dăm ba câu chuyện, nhưng dẫu sao vẫn không phải là kế lâu dài. Muốn an ổn thì phải tìm nơi cắm rễ, làm ăn, rồi tìm cho nó một ngôi trường tử tế. Nghe đâu sắp có dự án thí điểm chương trình học mới cho trường cấp một dưới thị trấn, song cũng phải vài năm nữa, thôi thì đợi thêm vài năm nữa vậy.

Nước rỏ trên mái nghe lộp độp. Ông Việt mở cái lon sữa Ông Thọ ra, bên trong có mấy con sâu măng còn sống, bèn kẹp vào trong cái gắp sắt nướng chúng trên than. Chịu nóng rát, đám sâu ngọ nguậy một lúc mới thôi, kèm theo đó là mùi hương hơi ngái khét tỏa ra. Ông lấy con dao cạo bớt lớp than xém bên ngoài rồi đưa cả gắp sắt cho cháu, để nó ngồi tự gỡ ăn. Tiện có than, ông vùi thêm mấy củ khoai, củ sắn đang nằm lăn lóc bên cạnh bếp vào trong đống tro nóng. Với lấy cái đài, vặn nút, chỉ nghe tiếng rè rè, ông ghé sát tai vào bên loa, tìm mãi mới được một kênh có tiếng nói. Đến giờ kể chuyện, hôm nay là hồi tiếp theo của “Thủy Hử”. Điều chỉnh cho tiếng nhỏ xuống, ông để nó lên thanh gỗ chìa ra từ trong gầm phản, đây là súc củi khô cuối cùng, nếu đường còn không thông được thì chắc có lẽ phải dùng tới cả củi ướt.

Đang suy nghĩ miên man, chợt có tiếng loạt soạt sau lưng ông. Lĩnh trở mình ngồi dậy, liếc nhìn ra cửa, thoáng yên tâm vì mưa bắt đầu ngớt và nói:

- Mai phải cố làm cho xong bác ạ! Nếu không thì phải quay đầu, có mấy xe đi sau cháu quay đầu rồi.

- Mới có tý khó khăn thế mà đã không chịu nổi, rồi sau này làm ăn gì được!

Lời thì khắc nghiệt nhưng ý thì mang tính chòng ghẹo. Biết rõ tính ông, Lĩnh chỉ nhe răng cười, rồi bông phèng:

- Hay bác gả con gái cho cháu đi, cháu ở rể nhà bác, sau này còn có cái ghi trên giấy khai sinh của con bé.

Ông Việt liếc cậu thanh niên vừa ngồi xuống cạnh mình một cái:

- Tao cho cháu tao nhập họ ngoại rồi. Cũng không tới lượt mấy đứa chúng mày đâu.

Nói rồi ông im lặng. Lĩnh cũng trầm ngâm theo. Sự im lặng lấp đầy cả khoảng trống do âm thanh lách tách của tàn đóm bắn tung lên để lại. Ông đã tính cả rồi, mấy hôm nữa là sang năm mới, ông sẽ đưa cháu mình về quê một chuyến - cái mảnh đất đã xa vời như truyện cổ tích - sau đó nhập họ cho nó về họ của mình. Như vậy, sau này mẹ nó có kết hôn với ai thì cũng không sợ những việc nhiêu khê, phiền toái.

Lấy sợi lông gà giắt trên vách, Lĩnh thông cái nõ điếu rồi vê một mồi thuốc nhồi vào. Sau tiếng điếu rít lên se sẽ, anh than:

- Thuốc này khét quá, khéo bị nước vào rồi.

- Thời tiết thế này thì tránh làm sao được. Đến người còn ẩm mục, huống chi là thuốc. Có mà hút là tốt lắm rồi.

Ông Việt hấp háy mắt nhớ về mấy cánh đồng trồng thuốc lào mà mình từng ngang qua, nhưng ông không nghiện thuốc lào, chỉ duy không bỏ được thuốc lá. Hồi còn ở chiến trường, ông vẫn nhặt những tóp thuốc mà cánh lính tráng bỏ lại để hút sái. Đứa cháu gái ăn hết mấy con sâu măng béo mầm thì gối đầu lên đùi ông nằm ngủ, nom như con mèo con. Có lẽ nó đang nghĩ tới dòng suối bên dưới, nếu lội xuống, chắc sẽ xúc được cả một rổ hến đầy.

Ngọn nến leo lét chực tắt, mà mưa ngoài kia cuối cùng cũng đã ngừng rồi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đất lở