Di tích chuyển mình cùng sáng tạo

Trúc Lâm| 23/04/2022 13:30

(HNMCT) - Di tích sẽ dần xa rời cuộc sống nếu chỉ là địa điểm tham quan hay nơi thực hành các nghi lễ tâm linh. Khả năng sáng tạo sẽ làm thay đổi điều đó, khiến các di tích gần gũi hơn với cộng đồng. Tuy rằng không dễ, nhất là khi di sản văn hóa thường được quan tâm nhiều hơn dưới góc nhìn bảo tồn, song hiện nay, bước đầu đã có những mô hình thành công, gợi mở cách tiếp cận mới mẻ trong việc đánh thức những di tích cổ kính.

Nghệ nhân Lê Đình Nghiên hướng dẫn thế hệ trẻ tìm hiểu tranh dân gian Hàng Trống tại đình Nam Hương. Ảnh: Thế Sơn

Từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Trong suốt thời gian dịch Covid-19 bùng phát, hầu hết các di tích đều đóng cửa, dừng hoạt động. Song, Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xem như một ngoại lệ. Các hoạt động tọa đàm về các vấn đề văn hóa, thông tin quảng bá về các nhân vật lịch sử, nét đẹp văn hóa truyền thống, nét đẹp hiếu học... vẫn diễn ra sôi động theo hình thức trực tuyến.

Một điều đặc biệt mới mẻ xuất hiện trong hoạt động của Văn Miếu - Quốc Tử Giám gần đây là tính tương tác với công chúng. Nếu như trước đây, việc tương tác với các diễn giả, các chuyên gia văn hóa là điều không dễ thấy thì giờ đây, bất kỳ ai cũng có thể đặt câu hỏi trong các cuộc mạn đàm. Tính tương tác còn được thể hiện qua các cuộc thi tìm hiểu, các minigame về văn hóa truyền thống. Phần lớn hoạt động này được thực hiện thông qua dự án “Không gian văn hóa Quốc Tử Giám”.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám gồm hai yếu tố cấu thành. Văn Miếu là nơi thờ các bậc tiên hiền, tiên thánh. Quốc Tử Giám là trường học xưa. Việc dạy/ học ở trường Giám đã hoàn toàn chấm dứt. Nhưng Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã “làm mới” các hoạt động dạy chữ, dạy người của Quốc Tử Giám bằng cách biến đây thành nơi giao lưu văn hóa, cung cấp thông tin về lịch sử Việt Nam, tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, các chương trình trò chuyện chia sẻ về giá trị và sức sống của giáo dục xưa...

Khi Hà Nội tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, câu hỏi làm thế nào để tham gia vào tiến trình xây dựng thành phố sáng tạo cũng được đặt ra đối với Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Di tích thường được “mặc định” gắn với việc bảo tồn. Làm thế nào để sáng tạo, phát huy giá trị di sản, đó không phải chuyện dễ. Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, Trung tâm luôn đặt mục tiêu giữ gìn những gì thuộc về truyền thống nhưng cố gắng “đánh thức” các giá trị truyền thống của di tích bằng những hình thức mới mẻ hơn.

Một trong những hoạt động nổi bật là cuộc thi ký họa Văn Miếu - Quốc Tử Giám được tổ chức vào cuối năm 2020. Ban tổ chức đã nhận được hàng trăm tác phẩm ký họa của sinh viên các trường đào tạo ngành kiến trúc, quy hoạch tại Hà Nội như Đại học Xây dựng, Đại học Kiến trúc, Viện Đại học Mở Hà Nội... Các tác phẩm đã ký họa lại những hạng mục kiến trúc nghệ thuật nổi bật của di tích như Khuê Văn Các, cổng Văn Miếu, cổng Đại Thành, nhà Bái Đường... Nhiều tác phẩm có góc nhìn thú vị về những kiến trúc, hiện vật như cây đa, linh vật, bia tiến sĩ. Các tác giả cũng sử dụng nhiều chất liệu khác nhau như bút chì, bút sắt, màu nước...

Trước đó không lâu, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức cuộc thi “Sáng tác về thầy giáo Chu Văn An” dành cho các em học sinh. Ban tổ chức đã rất ngạc nhiên khi thấy sức sáng tạo của các em học sinh qua những tranh vẽ, bài viết, truyện tranh, kể chuyện, kịch... Trong cách nhìn của các em, nhà giáo, Danh nhân văn hóa Chu Văn An không chỉ là một người thầy đức cao vọng trọng, mà còn là một thầy giáo hết sức gần gũi. Thông qua những sáng tạo như thế, giá trị đạo học, nét đẹp của Văn Miếu - Quốc Tử Giám được lan tỏa.

Dịch Covid-19 tạo ra thách thức nhưng cũng là cơ hội để Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tìm ra những cách thức mới, qua đó từng bước đưa Văn Miếu - Quốc Tử Giám thành không gian sáng tạo. Một trong số đó chính là dự án Không gian văn hóa Quốc Tử Giám, với sự hợp tác của Dự án phi lợi nhuận về văn hóa và giáo dục Gavisto Diplomat.

Học sinh tìm hiểu, tương tác với trưng bày chuyên đề về nhà giáo, Danh nhân văn hóa Chu Văn An tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Linh Tâm

Đến những dự án sáng tạo

Cuộc sống luôn vận động, thay đổi, di sản văn hóa luôn đứng trước nguy cơ xa rời cuộc sống nếu không có những dự án, chương trình hành động mang tính sáng tạo. Sáng tạo, đối với các di sản vật thể không phải là thay đổi kiến trúc, cách trang trí, mà là tổ chức những hoạt động mới phù hợp, có tính kế thừa, kết nối với quá khứ.

Nếu như trước đây đình Nam Hương (phố Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm) chỉ được biết đến là nơi thờ cúng đồng thời là một địa chỉ tham quan, thì thời gian gần đây đã trở thành một không gian sáng tạo giàu tính tương tác. Không lâu sau khi được trùng tu, các giảng viên và sinh viên khoa Hội họa (Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) đã “tích hợp” dự án nghệ thuật “Từ truyền thống đến truyền thống” vào không gian đình. Ngôi đình là nơi diễn ra sự gặp gỡ và thăng hoa giữa người nghệ nhân cuối cùng của một dòng tranh - nghệ nhân Lê Đình Nghiên với nhóm sinh viên, những nghệ sĩ trẻ. Từ sự tương tác này, hàng chục tác phẩm tranh lụa, tranh sơn mài đã ra đời nhờ khai thác những giá trị của tranh Hàng Trống. Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, người chủ trì dự án cho biết, hoạt động này chính là một hướng đi phát triển trong tương lai, khi nghệ thuật và không gian di sản của đô thị được cộng sinh, cùng tạo ra những giá trị sáng tạo mới đem lại sức sống cho một đô thị có bề dày lịch sử như Hà Nội. Sau khởi đầu ấy, đình Nam Hương là nơi diễn ra nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm nghệ thuật đương đại khác. Mới đây nhất, dự án “Từ truyền thống đến truyền thống" được nối tiếp bằng “Hổ dạo phố”.

Cuối năm 2021, Hội quán Quảng Đông (phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm) được khánh thành sau 3 năm tu bổ. Sự kiện đầu tiên diễn ra sau khi hội quán được đưa vào sử dụng là Tuần lễ “Khơi nguồn sáng tạo” - một cam kết của Hà Nội khi tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Hơn 20 sự kiện, bao gồm tổ chức không gian triển lãm và trình diễn thiết kế thời trang, nghệ thuật thư pháp, âm nhạc thử nghiệm, sắp đặt trình diễn video art, hòa nhạc video, trình diễn nghệ thuật sân khấu truyền thống thử nghiệm... đã diễn ra trong không gian này. Sự kiện đánh dấu một bước chuyển mới, khi ngày càng có thêm những di sản văn hóa vật thể “chuyển mình” thành những không gian sáng tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Di tích chuyển mình cùng sáng tạo