Sân khấu Thủ đô với công nghiệp văn hóa

An Nhi| 19/04/2022 12:39

(NSHN) - Đây là nội dung cuộc hội thảo do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức ngày 19-4, nhằm trao đổi, bàn thảo cách thức hoạt động sân khấu để đóng góp cho sự phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô.

Các đại biểu trao đổi, chia sẻ tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội cho rằng, đây là cuộc hội thảo cần thiết với sự phát triển của văn học, nghệ thuật Thủ đô nhằm đáp ứng với thời đại công nghiệp hóa - hiện đại hóa theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. 

Theo ông Trần Quốc Chiêm, nghệ thuật biểu diễn đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội và là một bộ phận cốt lõi của công nghiệp văn hóa. Phát triển công nghiệp sân khấu cần chú trọng cả 3 khu vực: Sáng tạo tác phẩm gồm tác giả, đạo diễn; công nghiệp sản xuất gồm tác phẩm, đội ngũ diễn viên, công nghệ kỹ thuật (ánh sáng, âm thanh, thiết kế mỹ thuật…); công nghiệp kinh doanh gồm tổ chức biểu diễn, marketing, phát triển thị trường... Ở Hà Nội còn nhiều đơn vị nghệ thuật lớn đang loay hoay với danh mục biểu diễn, sân khấu thưa vắng khán giả, nghệ sĩ phải làm 2-3 việc khác nhau để mưu sinh. Vì vậy, việc đóng góp phát triển công nghiệp văn hóa của sân khấu còn rất gian nan…

Tiến sĩ Trần Thị Minh Thu, Hội sân khấu Hà Nội cho rằng, công nghiệp sân khấu là một bộ phận của công nghiệp văn hóa. Công nghiệp sân khấu đang bước đầu phát triển ở Hà Nội, tuy nhiên mới chỉ xuất hiện ở doanh nghiệp, phạm vi nhỏ, chưa có ở các đơn vị biểu diễn công lập; tác phẩm còn cũ kỹ, khó thu hút khán giả. Nguyên nhân là thiếu hụt nguồn nhân lực trong ngành sáng tạo, sản xuất, phân phối, lưu thông sản phẩm nghệ thuật sân khấu; nguồn lực ở các đơn vị công lập còn thiếu và yếu về kỹ năng quản trị nghệ thuật, kinh doanh; cơ sở vật chất nghèo nàn, trang thiết bị lạc hậu; thiếu sự hợp tác giữa các đơn vị, doanh nghiệp liên quan đến nghệ thuật biểu diễn…

Do vậy, theo Tiến sĩ Trần Thị Minh Thu sân khấu Hà Nội phải đổi mới cả nội dung và phương thức hoạt động, trong đó, bên cạnh khâu sáng tạo, các đơn vị nghệ thuật phải làm tốt công tác truyền thông, quảng bá và xây dựng cho mình thương hiệu nghệ thuật, có thể cạnh tranh trên thị trường và gây ấn tượng trong tâm thức khán giả...

Nói về việc thu hút đầu tư và mở rộng giao lưu, hợp tác trong nước và quốc tế của sân khấu Thủ đô để đóng góp cho công nghiệp văn hóa, theo tác giả, đạo diễn Hoàng Thanh Du, sân khấu Hà Nội nên đẩy mạnh xã hội hóa. Các vở diễn phải được đầu tư về nội dung, công nghệ, đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả hiện nay thì mới “sáng đèn” thường xuyên. Hiện nay, Hà Nội có sân khấu xã hội hóa Lệ Ngọc dàn dựng mỗi năm 6-7 vở bằng kinh phí tư nhân, thực hiện kinh doanh biểu diễn với hàng trăm buổi diễn đều kín rạp. Không những biểu diễn ở Hà Nội mà sân khấu này còn đến thành phố Hồ Chí Minh, lưu diễn nước ngoài…, trở thành thương hiệu sân khấu nổi bật của Thủ đô. Đây là mô hình đáng nhân rộng.

Tại hội thảo, các nghệ sĩ, nhà hoạt động sân khấu cũng chia sẻ và đề ra những giải pháp về xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách; phát triển nhân lực cho từng lĩnh vực sân khấu; ứng dụng công nghệ thông tin; mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế để sân khấu Thủ đô đóng góp hiệu quả cho công nghiệp văn hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sân khấu Thủ đô với công nghiệp văn hóa