Chợ cũ

Truyện ngắn của Đặng Thùy Tiên| 10/04/2022 06:01

(HNMCT) - Hạnh ngồi sát vào mé tường ố vàng, rêu đã mọc lên cả những chỗ vôi vữa tróc ra. Trước mặt cô là một mẹt lạc luộc còn đầy ngọn. Cô chưa bán được bát nào. Bên cạnh, chị bán hoa luôn tay cắt và bó những bông hồng đỏ, những bông cúc màu vàng, màu trắng trong một tờ báo cũ. Bà bán đậu phụ không kịp đáp ứng cho những khách hàng đang đứng xếp hàng đợi. Chỉ có Hạnh là rảnh rỗi. Cô có thời gian để quan sát mọi người, một khung cảnh khá hay ho, ít nhất là với Hạnh vào thời điểm này.

Minh họa: Lê Trí Dũng.

Mai là ngày rằm. Như mọi tháng, Hạnh đã mua hoa quả, tiền vàng, chuẩn bị cho một buổi lên chùa đi lễ. Hạnh vừa tốt nghiệp, kết thúc những ngày tháng sinh viên với bao mơ ước tốt đẹp về tương lai. Hạnh không bao giờ nghĩ mình sẽ thay mẹ ngồi bán lạc ở một góc chợ như hiện tại. Cuộc sống luôn có nhiều bất ngờ. Những thanh âm gây ồn ào của buổi chợ phiên đã giảm dần. Những người bán hàng kế bên đã sắp sửa đồ để đi về. Hạnh nhìn mẹt lạc gần như còn nguyên vẹn của mình mà ngao ngán.

Hóa ra, việc buôn bán cũng không phải chuyện dễ dàng. Hạnh thoảng thấy mùi dưa xào của mẹ, Hạnh chê món ăn giản dị ấy, cô thường không động đũa. Mẹ đã phải chắt bóp tới mức thế nào để gửi tiền cho Hạnh ăn học. Hạnh thấy sống mũi mình cay cay. Mọi lần đi chợ, không bán được hàng chắc mẹ sốt ruột lắm. Những lo toan về ngày mai, về Hạnh đã làm cho đôi mắt mẹ mờ đi, tóc bạc thêm vài phần. Thế mà có lần mẹ chậm gửi tiền lên, Hạnh không muốn phải muối mặt đi vay bạn bè nên đã gọi điện về trách móc, thậm chí nói hỗn với mẹ. Chắc hẳn lúc ấy mẹ đau lòng lắm. Trong thâm tâm, một cảm giác hối hận ghê gớm choán lấy người Hạnh. Cô đã vô tâm với mẹ tới như thế ư.

Buổi bán hàng đầu tiên của Hạnh đã thất bại thảm hại. Mỗi lần nhớ lại, Hạnh lại thấy khi ấy mình ngây thơ quá. Cứ ngồi yên như thế và chờ vận may tới thì thất bại là điều đương nhiên. Nếu là Hạnh của bây giờ thì chỗ lạc ấy chỉ bán đi trong chớp mắt. Mọi người sẽ nói Hạnh của bây giờ điêu ngoa, gian xảo hơn Hạnh của ngày xưa. Nhưng Hạnh chả quan tâm. Hạnh đã có vốn liếng và chỗ đứng của mình trong công cuộc kinh doanh giữa chợ đời, mưa gió bão bùng có thể nghỉ mà không phải lo tới bữa mai ăn gì. Nghỉ bất kể mà không phải sợ hãi trông sắc mặt của ai hay thưa gửi người này người nọ. Theo đúng ước muốn của Hạnh ngày mới ra trường.

***

Để có Hạnh của bây giờ, Hạnh từ ngày đầu đã trải qua một quá trình bầm dập ghê lắm. Hạnh đã buồn nản, đã định dừng lại và có suy nghĩ tiêu cực. Nhưng sau tất cả, cô kiên định bước tới, để không sa ngã vào tệ nạn của xã hội. Năm năm không phải khoảng thời gian quá dài, nhưng cũng đủ để Hạnh nhìn rõ thói hư tật xấu ở đời. Có những thứ không chịu biến mất đi mà nó tiêm nhiễm vào Hạnh, Hạnh không thể chối bỏ nó, vậy là cô tìm cách sống chung. Hạnh vẫn tới chùa lễ bái hằng tháng cầu tài xin lộc. Hạnh vẫn uốn lưỡi mắng chửi người khác mất mặt mỗi khi gặp phải vị khách hàng dấm dớ, khi nhân viên của Hạnh phạm lỗi hoặc bất kể một ai đó làm trái với ý của cô. Hạnh vẫn buôn một bán mười mà chẳng sợ phạm phải tam quy ngũ giới.

Bây giờ nếu Hạnh cứ ngây thơ, cứ hiền lành và thật thà thì điều gì sẽ đến. Dĩ nhiên là Hạnh bị thiệt, ảnh hưởng tới kinh tế, bị đè nén... Trong suy nghĩ của Hạnh, kẻ có tiền là kẻ mạnh, lời thốt ra từ miệng người sang bao giờ cũng có trọng lượng, dù người đó có dẫm đạp kẻ ngu ngơ, hiền lành hơn mình để có nhà sang, xe đẹp. Chẳng hề hấn. Nhân quả ở đâu? Kiếp nào mới trả, chứ kiếp này họ vẫn nhơn nhơn sống tốt và được bao kẻ thấp hèn hơn ngưỡng mộ. Mặc dù đôi khi, chả biết vô tình hay do thói quen mà họ vẫn thường xuyên chửi thề, sừng sộ gây hấn với kẻ không hợp ý mình ngay cả trên mạng xã hội có hàng vạn người theo dõi. Có lẽ tính chất chợ búa bám vào nhân tâm người ta sẽ không rời bỏ được dù cho họ có đắp trên người thêm bao nhiêu trang sức quý giá.

Hạnh nhớ những buổi đầu khởi nghiệp đi bán món ăn truyền thống mà mình mới học được. Những ngày đầu thuận lợi vì Hạnh khéo tay, làm ngon nên kéo được hết khách về quán mình. Chính bởi thế mà những ngày sau đó, quán của Hạnh thường xuyên xuất hiện những “sự lạ”: Mùi khai khắm ở ngoài cửa; đôi khi là vài bọc rác có khuyến mại thêm con chuột đã chết cứng; cái bạt vừa mới mua đã bị rạch một vệt to tướng ở giữa... Nhiều hôm trầm mình dưới cơn mưa to, Hạnh vừa vuốt nước mưa ở mặt, vừa chán nản, tuyệt vọng vô cùng. Nhưng những sự việc đó cùng ánh mắt sắc lẻm của những “ma cũ” lại có tác dụng ngược lại với Hạnh. Cô chai lỳ hơn, trở nên đanh đá, thậm chí sẵn sàng chiến đấu bằng “võ mồm” với mọi loại đối tượng khiến cô thấy ngứa mắt. Hạnh đã thành công trong việc đánh bật các đối thủ của cô ra khỏi vùng đất kinh doanh màu mỡ nhờ sự đanh đá, khéo léo, thông minh sắc sảo của mình. Đôi khi có chạnh lòng về sự hành xử của mình với ai đó, Hạnh sẽ mau chóng lấy lại tinh thần rồi sau đấy cô lại thấy buồn cười về sự yếu đuối ấy. Không ăn người sẽ bị người ăn lại. Đó chính là quan điểm sống của Hạnh.

***

Hôm nay là ngày Hạnh ăn chay trường. Cô đóng cửa quán, cho nhân viên nghỉ và lái xe về nhà với mẹ. Hạnh dừng xe trước nhà. Cửa khóa. Không biết mẹ đã đi đâu. Hạnh đi bộ hỏi hàng xóm. Mọi người nói với cô chắc bà đi chợ chưa về. Hạnh vòng theo lối tắt đi ra chợ làng. Mẹ Hạnh đội chiếc nón đã cũ, bên cạnh là mẹt lạc đã vơi quá nửa. Hạnh ngạc nhiên lắm, từ lâu cô đều gửi tiền về cho mẹ chi tiêu, căn nhà cũ đã xây mới, trong nhà không thiếu một thứ gì. Nhìn thấy Hạnh, mẹ thoáng chút bối rối, bất ngờ và sau đó là mừng rỡ. Hạnh lại gần giúp mẹ thu dọn. Trên đường về, hai mẹ con vừa đi vừa nói chuyện vui vẻ. Mẹ bảo ở nhà buồn lắm, đi chợ gặp người nọ người kia nói chuyện vừa khỏe vừa vui. Hạnh nghe mà lòng như có kim châm nhói buốt.

Tối ấy, Hạnh nằm bên mẹ, nghe mẹ kể chuyện về hồi Hạnh còn thơ bé. Ngày cô bé Hạnh còn buộc hai bím tóc xinh xinh, mặc áo phông, quần đùi như con trai, theo mẹ đi chợ bán phở. Hai mẹ con nói chuyện tới tận khuya. Giọng mẹ đều đều đưa Hạnh vào giấc ngủ an lành. Hạnh đi vào giấc mơ tự nhiên như mở ra những câu chuyện kỷ niệm đã in sâu vào đầu óc non nớt của cô bé Hạnh năm nào.

Hạnh thấy mình đang đứng ở một góc chợ, nơi bà cụ Khuyên ngồi bán bánh rán vào buổi sáng, buổi chiều là nơi bọn trẻ con như Hạnh bày trò chơi. Chiều ấy, khi ánh nắng chiếu xuống chợ đã nhạt màu, một đám người ăn mặc và nói những thứ tiếng lạ lùng đến chợ. Họ đi khắp chợ và hướng ánh mắt dò xét vào đám trẻ đang chơi. Hạnh bị mẹ gọi về, cô bé ngồi ngoan ngoãn trên chiếc ghế gỗ dài, đặt sâu trong góc quán. Hạnh nhìn sang quán phở đối diện và thấy thằng Thanh đang bị mấy người kỳ lạ lúc nãy lôi đi sau khi đưa cho mẹ nó một xấp tiền. Chứng kiến cảnh ấy khiến Hạnh á khẩu. Cô bé sợ hãi co rúm người vào một góc. Cô Vui - mẹ Thanh sao có thể lạnh lùng và để mặc thằng Thanh van xin như thế. Hạnh lại nhìn thấy cảnh trước đó, thằng Thanh khóc, đòi theo mẹ đi chơi. Mặt cô Vui đỏ lựng, cô vừa chửi tục vừa cầm đôi guốc gỗ vả vào mặt Thanh trước sự sửng sốt của mọi người.

Hạnh sợ cô Vui lắm, Hạnh nghe mọi người nói cô Vui bán thằng Thanh đi rồi. Cả tuổi thơ của Hạnh bị ám ảnh bởi buổi chiều chứng kiến vụ mua bán ấy. Không biết Thanh bây giờ ra sao, chứ đời mẹ nó chẳng vui được như cái tên nữa. Mẹ nó lang bạt nay đây mai đó và bị mọi người khinh ghét. Cuộc sống khốn cùng liệu có làm cô Vui day dứt. Hạnh lại khóc từ trong mơ. “Hạnh ơiiii...”, có tiếng mẹ gọi. Hạnh choàng tỉnh, mắt cô vẫn ướt.

Hạnh ngồi dậy, mau chóng lấy lại tinh thần để mẹ không nhìn thấy sự yếu đuối của mình, không muốn mẹ cô phải bận lòng suy nghĩ về điều gì. Cả cuộc đời mẹ đã khổ vì thương cô quá nhiều. Người đàn ông phụ bạc đã bỏ rơi mẹ khi biết mẹ mang thai. Mẹ cắn răng chịu điều tiếng của người đời để sinh ra Hạnh. Mẹ chịu đựng sự cô độc vì không muốn chia sẻ tình yêu thương Hạnh với ai khác. Ngày cô Vui bán con, có người thấy mẹ Hạnh khó khăn quá, bảo mẹ bán Hạnh đi để lấy tiền xây dựng cuộc đời mới. Mẹ đã thảng thốt: “Con cháu đẻ ra, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, chứ cháu không đời nào bán con”. Bởi vậy mẹ mới gọi Hạnh về quán và không may chứng kiến cảnh thằng Thanh bị bán đi.

Ngay từ bé, Hạnh đã phải nghe nhiều lời đàm tiếu, người ta nói xấu mẹ đủ điều. Cô không tin, cô thương mẹ và tự bản thân Hạnh đã phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều, những mong mẹ được vui sướng, được hạnh phúc. Hạnh sẽ bù đắp những sự khổ sở mà mẹ, vì sinh ra Hạnh đã phải chịu đựng. Sau giấc mơ đêm qua, Hạnh suy nghĩ lại về những việc làm của mình. Cô cần một nơi để sám hối và tĩnh tâm suy nghĩ. Hạnh ngồi ăn sáng và nhìn mái tóc đã bạc của mẹ. Có lẽ điều mẹ cần nhất lúc này không phải là vật chất sang trọng mà chính là có Hạnh ở bên.

Hạnh thay bộ quần áo lam, sửa soạn hoa quả, cô chuẩn bị lên chùa...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chợ cũ