Đền Voi Phục

Kim Thanh| 10/03/2022 10:08

(HNMCT) - Đền Voi Phục tọa lạc ở 251 Thụy Khuê (phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ). Theo sách "Tây Hồ chí" thì khu vực đền Thụy Khuê “thời Trần vốn là điện Thụy Chương đã dựng làm cung Khánh Hạ. Trước điện là đình Yết Vân. Họ Hồ dỡ ra lấy gỗ và gạch ngói, đem về Tây Đô. Khoảng Tiền Lê, nhân đền cũ dựng đền thờ Linh Lang Đại vương. Niên hiệu Hồng Đức, nhân điện mà đặt tên phường”.

Như vậy, đền Voi Phục vốn thuộc phường Thụy Chương, có từ thời Trần. Năm 1847, do kiêng tên húy của vua Thiệu Trị nên đổi thành phường Thụy Khuê. Đầu thế kỷ XX, người Pháp mở phố Thụy Khuê nên đền nằm trên phố. Đền thờ Linh Lang Đại vương đã có hơn 600 năm và được trùng tu nhiều lần. Tấm bia cổ nhất hiện còn trong đền, dựng năm 1621, khắc rằng: “Đền trước đó nguy nga có tiếng là thiêng, vua nhân cầu đảo thấy ứng nghiệm, cho quan đến tu sửa và cấp cho 20 mẫu ruộng...”.

Sang thời Nguyễn, văn bia lập tại đền ngày 9-9-1860 (năm Canh Thân), hiện còn lưu giữ, ghi rõ rằng: Dưới triều Lê, đền làm theo hướng quay lưng ra hồ, mặt chính của đền quay về phía sông Tô, phía trước sông là đường thành cao sừng sững. Sau đó, Án sát sứ Hà Nội là Tiến sĩ Nguyễn Hầu, tự là Như Cát, xin ý kiến các bậc kỳ lão, xây dựng lại đền với mặt trước quay về hướng đông bắc thay vì hướng tây nam như trước đây.  

Kiến trúc đền còn lưu giữ dấu ấn của kiến trúc thời Nguyễn, được dựng theo hình chữ “đinh”, gồm 3 gian hậu cung, 3 gian trung đường, 5 gian tiền tế. Tòa tiền tế làm kiểu chồng rường giá chiêng. Trên các bức cốn, đầu dư được chạm khắc họa tiết rồng, mây, hoa lá... tinh xảo. Gian chính giữa treo bức đại tự “Vạn cổ anh linh”, hai bên treo câu đối: “Đông cung nhất dạ long đằng do truyền thắng tích/ Tây trấn thiên thu tượng phục vĩnh ngật thần từ”. Dịch nghĩa: “Đông cung phút chốc cưỡi rồng bay, vẫn đây truyền thắng tích/ Trấn Tây mãi mãi có Voi Phục, muôn thuở vững miếu thờ”.

Chính giữa hậu cung là long ngai, bài vị có dòng chữ: “Linh Lang Đại vương thượng đẳng thần”. Trong đền còn bát hương đá, sáu tấm bia đá, long ngai, bài vị, cửa võng, bát bửu, kiệu... mang phong cách nghệ thuật thời Lê, Nguyễn. Năm 1986, đền Voi Phục được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Lệ hội đền Voi Phục diễn ra vào mồng 10 tháng Hai hằng năm. Trong lễ hội, thú vị nhất là màn rước kiệu từ các làng kết chạ Thụy Chương, Thủ Lệ. Do hội đền Voi Phục là hội chung của nhiều làng trong các ngày Vạn Phúc (ngày 9), Thủ Lệ (ngày 10), Thụy Chương (ngày 12), Hào Nam (ngày 13) nên hằng năm, dân các làng thờ thánh Linh Lang mở hội lệ, 5 năm mở hội lớn. Hàng tổng vô cùng đông vui, cộng đồng được cố kết, khơi lên niềm tự hào dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đền Voi Phục