Làm nghề

Truyện ngắn của Ngô Nữ Thùy Linh| 27/02/2022 05:51

(HNMCT) - Xoẹt! Một đường dài chừng mười xen ti mét trên mô hình phẫu thuật được rạch ra. Tôi tiến hành cuộc phẫu thuật. Cố gắng để đầu óc tỉnh táo, vận dụng kỹ năng mà bấy lâu nay mình bỏ quên.

Minh họa: Lê Trí Dũng.

Tôi đã không đụng tới dao kéo kể từ ngày cuộc phẫu thuật đó thất bại. Đó là một buổi sáng mùa đông ảm đạm. Một cú điện thoại từ nước ngoài gọi đến cho tôi:

- Anh Nam! Anh chịu trách nhiệm chính ca mổ sáng nay. Hy vọng anh thành công!

Tôi đặt ống nghe xuống, nghe tim mình đập loạn xạ. Tôi lập cập chạy vào phòng hội chẩn, huy động lực lượng bác sĩ gấp. Nhìn lên phác đồ điều trị, tôi thao thao bất tuyệt:

- Cấp trên chỉ đạo phẫu thuật gấp để cứu bệnh nhân. Tôi là bác sĩ mổ chính. Tôi sẽ trình bày ngắn gọn, sau đó chúng ta trao đổi thống nhất và tiến hành ngay lập tức.

Mười giây im lặng trôi qua. Không khí phòng hội chẩn trở nên ngột ngạt. Rồi bác sĩ Tiến ngập ngừng:

- Liệu chúng ta có thể thành công không?

Một luồng tự ái bốc lên đầu, tôi nhếch mép cười:

- Anh không tin tưởng tôi?

Bác sĩ Nhàn lên tiếng:

- Chúng tôi không có ý đó. Nhưng đây là trường hợp đặc biệt. Hiện bệnh viện ta chỉ có giáo sư Thanh mới có thể làm được những ca khó như thế này, nhưng anh ấy đang đi công tác nước ngoài. Theo tôi, ta nên dùng phương pháp kéo dài thêm chút thời gian để chờ anh ấy về.

Tôi đập bàn "rầm" một tiếng:

- Nhưng chỉ đạo của cấp trên là mổ ngay bây giờ!

Cả phòng hội chẩn im lặng. Không khí căng thẳng bao trùm.

Tôi nhìn y tá Lân, nói như ra lệnh:

- Cô đọc to tình trạng bệnh nhân lên!

Y tá Lân cầm bệnh án đọc một hơi:

- Bệnh nhân là nam, 17 tuổi. Lá lách lớn chiếm toàn bộ phần bụng bên trái, lớn gấp tám lần so với người bình thường. Các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có khối u lách. Các khối u lổm nhổm, không trơn láng. Cần được mổ ngay để tránh việc vỡ khối u. Chỉ cần một va chạm nhẹ vào phần bụng trái, khối u sẽ bị vỡ, chảy máu và bệnh nhân tử vong vì mất máu.

Khi y tá Lân vừa kết thúc, tôi hất hàm về phía đội ngũ đồng nghiệp, hướng ánh nhìn sắc lẹm sang phòng phẫu thuật. Kíp mổ tám người không ai nói thêm lời nào. Tất cả lẳng lặng mặc trang phục, đeo khẩu trang, găng tay và chuẩn bị dụng cụ mổ. Tôi nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, hít một hơi thật sâu. Ngoài hành lang, gia đình bệnh nhân hồi hộp chờ đợi. Người mẹ mồ hôi mướt mát, tay níu chặt lấy chồng, miệng không ngớt cầu trời khấn Phật.

Tôi bắt đầu thực hiện cuộc phẫu thuật. Chiếc kéo vừa chạm trên da thằng bé, một giọng nói nửa tỉnh nửa mê vang lên:

- Liệu... cháu... có thể sống không bác sĩ?

Y tá Lân trấn an:

- Cậu sẽ khỏe lại! Yên tâm ngủ một giấc, tỉnh dậy cậu sẽ thấy mình khỏe mạnh!

Tôi nhìn ê kíp rồi gật đầu ra hiệu bắt đầu. Cậu trai đã chìm vào giấc ngủ bởi thuốc gây mê. Khi chiếc kéo chạm tới bụng, đường rạch đầu tiên hiện ra. Một tia máu bắn mạnh lên vạt áo. Tôi trấn tĩnh, đưa hai tay trực tiếp vào lách. Trong giây phút nhìn thấy khối u, tôi hoàn toàn choáng, nó quá lớn so với dự tính của tôi. Phương pháp bóc tách khối u mà tôi đã được học cách đó hai mươi năm tự nhiên biến mất. 

Trong khoảng không gian u tối của phòng bệnh, đập vào mắt tôi là hình ảnh thằng Kha, đồng đội của tôi nằm trên cáng, miệng rên la xin thuốc giảm đau. Hôm đó, Kha bị mảnh pháo cắt cụt một bên chân, máu chảy bê bết. Bộ quân phục rách lỗ chỗ. Tôi đã cởi áo của mình băng bó vết thương, dùng hết sức kéo cậu ta về lán. Đêm đầu tiên, khi tỉnh lại Kha đau đớn gào lên khi biết chân của mình đã không còn một bên. Trong đêm tối ì ầm tiếng bom đạn, tôi ngồi bất động giữa rừng tràm. Đồng đội của tôi nằm lại đó, đứa cụt tay, đứa què chân, đứa sốt rét nằm rên hừ hừ. Sáng ra, cơn đau dịu lại thì ngồi giết kiến cho nhau. Cái thời chín đứa chung nhau cái hầm, nửa tháng không tắm, mặt mũi chân tay một màu như nhau, lúc đó lại chả bệnh tật gì. Chỉ có sốt rét rừng hành hạ dăm ba lần.

Con người ta thế mà hay, đôi khi lưng chừng giữa sự sống và cái chết, mơ mơ tỉnh tỉnh mới nhận ra vài thứ phi lý mà tự mình ràng buộc. Tôi ghét cái cảm giác bất lực khi đứng trước bệnh nhân của mình. Cũng như cảm giác bất lực trước sự hy sinh của đồng đội. Họ nằm ở đó, bất động, không một tiếng rên la kể từ thời điểm vĩnh viễn rời khỏi thế giới này...

Cái kiêu căng ngạo mạn tan biến, tôi bắt đầu luống cuống trong ca mổ. Bác sĩ Tú la lên hoảng hốt:

- Anh Nam, làm gì đi chứ? Khối u đã bị vỡ ra rồi kìa.

Đến giờ phút này tôi cứ ước giá như giây phút đó không diễn ra trong cuộc đời tôi. Nó ám ảnh tôi trong giấc ngủ. Kể từ ngày đó, ngoài giấc mơ về đồng đội, về bom đạn, tôi lại thấy mình lạc giữa những mạch máu, những khối u. Nó đập vào mặt tôi mỗi khi tôi cố nhắm mắt. Tiếng thằng Thà đồng đội cũ lại văng vẳng bên tai:

- Rồi một ngày mày sẽ chết bởi cái sự ngạo mạn của chính mình...

***

Đúng là tôi chết thật. Sau vụ đó, tôi bị cách chức và phải chuyển công tác đến một trạm y tế ở vùng cao. Ngày cả nhà dắt díu nhau đi, vợ tôi một nách bế thằng nhỏ, lưng cõng thằng lớn. Tôi một mình tay đùm tay nải mang vác hết những thứ còn lại trong ngôi nhà cũ. Mẹ tôi đứng ở mé cửa, dấm dúi cho tôi mấy đồng bạc rồi lặng lẽ vào nhà giấu những giọt nước mắt xót xa.

Chúng tôi đến xã vùng cao trong một ngày tháng tư, nắng trong veo, mây xanh trập trùng vờn núi. Tôi bắt đầu cuộc sống mới với việc sáng sáng đạp chiếc xe cọc cạch ra trạm xá, xem xét công việc rồi lại đi về, trồng rau, nuôi gà. Ít khi tôi ngồi lại trạm để nói chuyện với mấy cô y tá. Hồ sơ cũng chỉ ghi vỏn vẹn: "Vi phạm kỷ luật, chuyển công tác". Vậy nên suốt một năm ròng, mấy cô xì xầm chán rồi cũng thôi. Tuyệt không ai hỏi tôi về chuyện đã xảy ra. Nhưng nỗi ám ảnh đã khiến tôi sống thu mình lại. Lâu lâu mới có một vài trường hợp đặc biệt, nhưng cũng không nằm ngoài khả năng của tôi. Thường thì những khi đó trạm trưởng sẽ hỏi:

- Theo bác sĩ Nam, chúng ta chọn phương án nào?

Tôi nhẹ nhàng:

- Chị cứ làm giấy cho họ chuyển lên tuyến trên, gia đình họ sẽ an tâm.

Trạm trưởng nhiều lần nhìn tôi ái ngại. Có lẽ vì thế mà mặc nhiên trong đầu chị ta nghĩ, thực ra tôi cũng chẳng có khả năng gì đặc biệt, có lẽ vì thế mới phạm sai lầm và chuyển lên nơi khỉ ho cò gáy này.

Lại nói đến vợ tôi. Đang yên đang lành bị đẩy lên tận phương trời này, cô ấy không cam lòng. Hằng ngày, ngoài cái vẻ mặt nhăn nhó khó chịu mỗi khi nhìn thấy tôi, cô ấy thường quay ra mắng lũ trẻ. Sáng nào cô ấy cũng cho hai đứa con “ăn” một bài ca, xong đó thì tống cổ chúng đi học. Những bài ca thường đá xoáy vào lỗi lầm của tôi, trách móc, hờn giận đủ điều. Mỗi lúc như thế tôi thường im lặng, chui ra phía sau vườn ngồi nhổ cỏ. Lâu lâu lấy cái cuốc đào mấy con giun cho lũ gà. Đến khi vợ ca hết bài ca thì tôi mới lấy xe đạp lên trạm xá.

Nói đến chuyện gà, có nuôi thì cũng chủ yếu để thịt cho lũ nhóc ăn. Ấy vậy mà từ dạo đó, mỗi khi cầm cái dao định cứa vào cổ con gà là tay tôi lại run bần bật. Dao kéo đối với tôi chỉ là công cụ làm việc. Nhưng bây giờ, nó như những đồ vật xung quanh tôi, chỉ lăm le chực xông tới phập vào con người tệ hại của tôi. Bởi vậy ngay cả tiếng gà giãy chết cũng làm tôi ám ảnh. Mấy lần vợ kêu làm gà tôi đều từ chối, bảo mang ra chợ cho người ta làm, tốn kém bao nhiêu đâu mà kêu tôi xoay vật với nó. Xong cái nguýt dài đầy ma mãnh, vợ tôi đưa tay túm lấy cổ con gà, nó kêu đánh "oóc" một cái, cô ấy nhanh tay nhét nó vào bao tải rồi nhảy lên con xe 81 vù nhanh ra cổng.

***

Sự đời thế mà hay, tôi trở lại công việc dao kéo bằng một lần... đỡ đẻ. Hôm đó, vừa ăn cơm xong, đang ngồi rít thuốc lào thì cô nhân viên trạm xá hớt hải chạy xe đến:

- Bác... bác... Nam cứu... cứu...

Phản xạ tự nhiên, tôi đứng dậy:

- Cứu ai? Ai bị cái gì?

Cô y tá trẻ vừa nói vừa kéo tay tôi:

- Y tá trưởng có việc phía bên kia đồi, mưa lớn không về kịp. Có một ca sắp sinh nhưng chúng cháu mới làm nên không dám. Bác ra giúp chúng cháu với.

Nghe nói tới đỡ đẻ tôi giật mình. Cái việc xưa nay từ khi làm bác sĩ tới giờ tôi chưa bao giờ làm. Vì đó không phải là chuyên ngành tôi được học, hơn nữa tôi cũng chưa bao giờ có ý định làm công việc đó, ngay cả khi tôi chôn chân ru rú ở vùng đất này. Cô y tá lại hối thúc:

- Bác ra giúp chúng cháu đi. Lỡ sản phụ người ta chết mất.

Tôi đành chạy vào nhà choàng chiếc áo rồi đạp xe ra trạm. Tới nơi, tôi lao thẳng vào giường sản phụ nằm, miệng hét:

- Chuẩn bị kéo cắt, chỉ khâu, nước sôi, panh. Gấp gấp...

Đứa trẻ được lôi ra khỏi bụng mẹ. Miệng nó nín thinh, không một tiếng khóc. Tôi đưa tay phát vào mông nó một cái. Tiếng "oa oa" vang chói trạm xá. Ba cô y tá trực nhìn tôi đầy ngưỡng mộ. Bà mẹ trẻ người Dao mặt mày xanh lét nở một nụ cười mãn nguyện.

Buông cái kéo xuống cũng là lúc sợi chỉ cuối cùng gọn ghẽ. Y tá trưởng đội mưa đứng ngoài cửa há hốc miệng nhìn tôi.

Đến thời điểm này thì tôi đã tự tin để nói rằng tôi làm các cuộc tiểu phẫu một cách bình thường. Cách cầm kéo của tôi điệu nghệ, nhẹ nhàng và nhanh nhẹn, tôi không run cũng không hoảng sợ mỗi khi máu từ từ chảy ra ở bệnh nhân. Mỗi ngày ở nơi này khiến tôi cảm giác yêu nghề trở lại. Vì tôi biết rằng, mọi lỗi lầm đều có thể được thứ tha và lãng quên nếu như mình biết chuộc lỗi một cách chân thành. Và dù ở bệnh viện lớn hay trạm y tế cơ sở, tôi đều gắng làm tròn trách nhiệm của một bác sĩ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm nghề