Hiện thực hóa tầm nhìn ''Kinh đô sáng tạo''

Triều Dương| 31/01/2022 05:36

(HNM) - Trong cuộc kiến tạo mới của Kinh đô Rồng ở thời đại kinh tế tri thức dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hà Nội lấy sáng tạo làm nền tảng phát triển, với khát vọng xây dựng Thủ đô trở thành Thành phố sáng tạo, hướng tới là “Kinh đô sáng tạo” của khu vực Đông Nam Á. Với tầm nhìn “Kinh đô sáng tạo”, người Hà Nội đang nối dài dòng lịch sử của tinh thần Thăng Long.

Tái hiện không gian Tết truyền thống. Ảnh: Việt Phú

Kinh đô sáng tạo - điểm nhìn hội tụ

Thăng Long - Hà Nội - “Thành phố di sản” trở thành “Thành phố sáng tạo” và hướng tới là “Kinh đô sáng tạo” của khu vực Đông Nam Á là một lựa chọn tất yếu trên nền tảng hội tụ các yếu tố lịch sử và thời đại. Với tầm nhìn “Kinh đô sáng tạo”, tinh hoa “ngàn năm văn hiến” sẽ hòa vào dòng chảy thời đại để tạo nên sức mạnh mới cho Hà Nội.

Nhìn từ những dặm dài lịch sử, Thăng Long - Hà Nội luôn mang trong mình sứ mệnh hội tụ tri thức - kết tinh và sáng tạo những giá trị văn hóa. Và, nguồn lực văn hóa chính là “kho báu” của đất và người Thăng Long - Hà Nội.

Là nơi tỏa sáng tinh thần “Thăng Long” của con Lạc, cháu Hồng, là đất đế đô ngàn đời của nước Việt, Thăng Long - Hà Nội hội tụ nhân tài tứ xứ để rồi phát lộ tinh hoa… Chất chứa theo năm tháng, dấu ấn sáng tạo có ở bất cứ nơi đâu, từ phố phường Kẻ Chợ đến miền quê Xứ Đoài, từ nghệ thuật cung đình đến văn hóa dân gian… Chắt chiu từ sự lịch duyệt, tài hoa, các bậc tiền nhân đã để lại cho con cháu một khối lượng di sản khổng lồ với gần 6.000 di tích lịch sử - văn hóa, hơn 1,3 nghìn làng nghề, làng nghề truyền thống… Theo Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam Trần Đức Cường, những phố nghề - làng nghề, di sản lịch sử - văn hóa, những không gian đô thị và làng quê đều là sản phẩm văn hóa; đồng thời là chất liệu sáng tạo… Năng lực và chất liệu sáng tạo chính là vốn liếng, là “sức mạnh mềm” của Hà Nội mà không nơi nào có được. 

Nhìn từ dòng chảy thời đại, kinh tế sáng tạo đang định hình và tạo ra khả năng không giới hạn cho các nền kinh tế. Là “trái tim” của kinh tế sáng tạo, các loại hình công nghiệp sáng tạo (văn học - nghệ thuật, thiết kế - kiến trúc…) đang trỗi dậy mạnh mẽ tại nhiều quốc gia, như: Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản với tốc độ tăng trưởng “chóng mặt” so với nhiều ngành kinh tế truyền thống (khai thác mỏ, xây dựng…)… Mặt khác, công nghiệp sáng tạo nói riêng, kinh tế sáng tạo nói chung đã, đang làm cho văn hóa trở thành động lực phát triển, góp phần hình thành xã hội bao trùm, bền vững… Dịch vụ sáng tạo là động cơ để xây dựng lòng tin, sự hiểu biết và chấp nhận giữa các nền văn hóa.

Hòa dòng chảy “nghìn năm văn hiến” vào xu thế phát triển của thời đại, năm 2019, Hà Nội tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ở lĩnh vực thiết kế, với cam kết: Thúc đẩy “nguồn lực văn hóa” và “sáng tạo văn hóa” làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững… Đây là một lựa chọn mang tầm nhìn hội tụ của những giá trị lịch sử và thời đại.

Theo nguyên Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft, di sản văn hóa trù phú của Hà Nội là sự kế thừa của gia tài sáng tạo và đổi mới, là mảnh đất màu mỡ để phục hưng văn hóa trong thời đại mới… và ông cũng cho rằng: “Thành phố sáng tạo vừa là câu chuyện phát triển của thành phố, vừa là không gian hợp tác hướng về tầm nhìn “Kinh đô sáng tạo”…”.

Hiện thực hóa khát vọng Thăng Long

Hà Nội cần làm gì để hiện thực hóa tầm nhìn “Kinh đô sáng tạo”? Trước hết, “Kinh đô sáng tạo” là một trong những đích đến của khát vọng “Thăng Long”. Còn chặng đường từ Thành phố sáng tạo đến “Kinh đô sáng tạo” dài bao nhiêu, khó có thể đo đếm, bởi phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm kiến tạo của chính quyền cũng như năng lực sáng tạo của cư dân thành phố. Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang, Giám đốc Chương trình định cư con người của Liên hợp quốc tại Việt Nam, để Hà Nội trở thành “Kinh đô sáng tạo”, cần tạo ra một không gian kết nối cộng đồng, trải nghiệm văn hóa và phát huy năng lực sáng tạo…

Trong nỗ lực triển khai cam kết với UNESCO về việc xây dựng một thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế, thời gian vừa qua, Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động khơi nguồn sáng tạo trên lĩnh vực tái tạo đô thị và phát triển các không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật, thiết kế… Những “Tuần lễ sáng tạo Hà Nội”, “Cuộc thi thiết kế cột mốc Km0”, “Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội”… hay “Cuộc thi vẽ Hà Nội là”… đã để lại không ít ấn tượng về năng lực sáng tạo và tình yêu Hà Nội của giới trẻ hôm nay. Với những ý tưởng mới mẻ, táo bạo, kể những câu chuyện mới về mảnh đất “văn hiến ngàn đời” qua việc biến những cầu vượt, hầm chui đường bộ… thành tác phẩm nghệ thuật chất chứa tinh thần thời đại. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, ủy viên Thường trực ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, giới trẻ đã tạo ra cách nhìn khác, cập nhật hơn với thế giới, khiến cho một dự án hay cả đô thị trở nên hấp dẫn hơn và “Nếu chúng ta biết huy động sự quan tâm của giới trẻ vào các hoạt động sáng tạo, thì sẽ tạo ra sự tái sinh của văn hóa, động lực mới để thu hút người dân, du khách”.

Tuy nhiên, để tạo ra năng lượng sáng tạo cho những người trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên - chủ nhân tương lai của “ Kinh đô sáng tạo” vẫn là một câu chuyện dài. Với việc kết nối các không gian sáng tạo hiện có và kiến tạo các không gian thiết kế, sáng tạo mới, Hà Nội đã và đang tạo ra “sân chơi” ngày càng rộng hơn cho những con người giàu đam mê, giàu khát vọng. Từ những không gian sáng tạo, như Design 282, Vụn, Complex 01, Tò he…, nhiều sản phẩm mang lại giá trị kinh tế, thẩm mỹ cao, được công chúng đón nhận. Các nhà hoạch định, doanh nghiệp có thể tối ưu hóa các ý tưởng phát triển công nghiệp sáng tạo này để tạo nên những giá trị mới trong quỹ đạo của nền kinh tế sáng tạo.

Mặt khác, những sản phẩm sáng tạo là kết tinh của trí tuệ và tri thức. Do vậy, giáo dục sáng tạo phải là phương châm của các nhà trường để tạo nên những thế hệ người Hà Nội giàu đam mê và khát khao sáng tạo… Đây cũng là lời giải cho “bài toán” nguồn nhân lực sáng tạo trên các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, kiến trúc, đồ họa, thiết kế trực tuyến… Những con người sáng tạo chính là nền tảng của kinh tế sáng tạo và sẽ định hình “Kinh đô sáng tạo” trong tương lai. Cùng với đó, không thể không nói đến sự cần thiết của các chính sách mang tính động lực để thiết lập một môi trường mà ở đó những người trẻ có thể độc lập sáng tạo; đồng thời, ngăn chặn những hành vi phản sáng tạo hay hủy diệt sáng tạo.  

Hiện thực hóa tầm nhìn “Kinh đô sáng tạo”, Hà Nội đã làm được nhiều việc và còn nhiều việc phải làm. Những cánh én đang mang đến mùa xuân mới, tinh thần Thăng Long cho chúng ta niềm tin và hy vọng về một Hà Nội - thành phố văn hiến, thành phố di sản sẽ trở thành trung tâm sáng tạo hàng đầu của khu vực, một “điểm đến” của tri thức nhân loại trong tương lai không xa.

Để phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”, cần phát huy những tiềm năng, thế mạnh để thúc đẩy những cơ hội mà chúng ta đã, đang và sẽ có. Mục tiêu trở thành “Kinh đô sáng tạo” của Đông Nam Á là tầm nhìn phù hợp, có tính khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô và phù hợp với xu thế của thời đại ngày nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiện thực hóa tầm nhìn ''Kinh đô sáng tạo''