Tết gọi trên đường

Tản văn của Nguyễn Quang Hưng| 30/01/2022 05:27

(HNMCT) - Còn nhớ rõ lắm, như vừa nghe bài quan họ vang ra từ dưới hiên ngôi nhà gạch kiểu cũ bên đường phố Lim, nhóm thanh niên ngập ngừng bước vào, khe khẽ chào đề nghị chủ nhà "xin phép cho chúng cháu nghe một lát"! Bà cô đậm người diện khăn áo liền chị nhiều màu sắc đồng ý ngay, đem nước chè và hạt hướng dương với đĩa táo mời các cháu, "cứ nghe thoải mái nhé".

Không biết tôi có nhớ nhầm với hình ảnh cô Lời người làng Lim ấy mặc đồ quan họ mấy năm sau không khi cùng bạn nhà báo theo người nghệ sĩ múa từ trên thành phố Bắc Ninh xuống nhà cô chơi hội, ăn cỗ bởi là chỗ thân thuộc. Và rồi xuân Tết hội hè thì có nhiều chốn để về chơi. Ăn cỗ ở nhà cô Lời hôm ấy xong, chúng tôi đi lên đồi chơi nghe hát. Đi qua đâu cũng tiếng ca vẳng ra mời mọc. Chỗ nào cũng muốn rẽ chân vào.

Minh họa: Hữu Tiệp.

Đấy có lẽ là cảm xúc chung của người đi trong ngày đầu xuân, thấy đâu cũng có lời mời mọc, đâu cũng như đang đón gọi mình. Nhập cuộc, và trải nghiệm hết lòng dạ, đấy là một lựa chọn đáng yêu của người ta trong buổi Tết xuân tinh mới. Cái ngày Tết hôm ấy của mình bỗng rộng thêm ra, tươi đầy hơn. Tôi nhớ đến hôm ăn cỗ đình ở Phụng Châu miền đất Chương Mỹ. Ngôi đình thôn Long Tiên mấy mùa hè trước vắng lặng, đất nâu quánh, nắng bạc xám mái ngói dày, ngày hội bỗng nhiên sôi nổi, tươi ấm màu vải đỏ buộc quanh giá chiêng, đỏ trên cờ hội, màu đỏ khăn xếp đội đầu các cụ. Mùng bốn tháng Giêng hội làng, chúng tôi đi về chùa cạnh đó thắp hương, tiện rẽ sang chơi, đứng ngắm cảnh trí chốn đình chung đã được trang hoàng, bỗng có các ông trong ban khánh tiết ra chào hỏi đôi lời không khí xuân Tết, rồi mời vào đình thụ lộc thánh, đã giữa trưa rồi.

Ngôi đình thờ Thánh Tản Viên và các vị phò tá của Người. Chúng tôi ngồi sàn gỗ nguyên hàng lan can nhỏ với những con tiện xinh xắn, đón mâm cỗ bánh chưng, xôi đậu, thịt lợn luộc, canh khoai tây cà chua nấu đặc, bát canh xu hào nấu nước xuýt luộc thịt... đầy hào hứng. Một hai ông ngồi tiếp, đôi chén rượu nhấm nháp, nâng lên đặt xuống, kể chuyện đình, chuyện làng. Thật không gì bỗng dưng được hưởng thức món ngon dân dã đầu năm như thế.

Mà nói thế, không hẳn cái gì là tự nhiên. Phải có điều gì vun vén, đong đầy vào rồi mới nên một câu chuyện mà mình chưa biết. Tôi có lang thang dọc triền đê thôn Tả Thanh Oai quê ngoại mình, lượn theo sông Nhuệ xuống thôn dưới Thượng Phúc. Quê ngoại từ nhỏ đã hay về nhưng chỉ nhong nhong chơi bời thì nào biết cái gì. Ngôi đền nhỏ nhô lên trong đê, hướng mặt ra sông, dưới những tán si bảng lảng mùi hương. Và một không khí quang quẻ, sạch sẽ đầu năm bỗng như gọi.

Ngày Tết, hơi xuân, cho ta được chút thoáng thưa lòng mình, chậm nhịp chân mà thấm thía khoảnh khắc hiếm suốt cả mấy trăm ngày khổ sai phục dịch chính những ham muốn chất chồng của bản thân. Chiều mùng Một Tết năm nọ, trên con đê qua đất Đồng Nhân miền Hoài Đức, nhìn xuống sân bãi rộng kề bên vườn nhãn um tùm của đền Quán Chảy, chúng tôi thấy đám trẻ hò reo đá bóng. Như ngày thường. Như không Tết. Mà lại như một chiều Tết thong dong không vướng bận của trẻ, của đất đai, vườn tược, của đền miếu và con đê, dòng sông đang chậm nhẹ dưới mái vòm mây gió vĩ đại. Tất cả cứ như phim quay chậm, có tiếng hò reo kia là nhanh nhanh, vang vang, lan xa. Về nhà, tôi cũng viết được mấy câu tươi tắn: “Mùa xuân nhảy nhót giữa trời/ Những bàn chân bé chạy chơi cỏ mềm/ Bạc đầu đất lại hoa niên/ Giọng cười theo gió lan biền biệt xa/ Như nghìn năm trước cỏ hoa/ Nghìn năm sau vẫn ập òa thinh không...”.

Xuân, Tết cứ gọi ta bên đường như thế. Lời cất lên ban cho tất cả mà mỗi ai nhận ra thì được hưởng. Như vô cùng vô tận những điều khác, lạ, bất ngờ, mà ngồi một chỗ đây, ta không thể nào, không bao giờ tưởng ra được. Cũng như cắm cúi đi một thôi con đường phía trước, không ngoảnh sang đôi bên, khó lòng chạm được đôi lời nhắn nhủ thong dong của mùa đang về, đang hiện ngự trên lối đi, cỏ ven đường, những hiên nhà không biết, những mái nhà bỗng nhiên thấy gần, và mặt người chưa quen đi ngang qua, bỗng nhiên muốn chào hỏi quá. Không hỏi chào, không biết đôi chút về những nhìn thấy mà chưa thành gặp gỡ ấy, rồi sau này nhớ lại, thấy thiếu một điều gì đó lẽ ra... Ngày chưa xuân, mà những cành đào nở sớm đã hửng nắng hai bên lối con dốc cao. Cổng đồn biên phòng ngả ngả một cành đào thắm bừng lên. Người lính biên phòng đưa chúng tôi theo quanh co dốc đá lên chân cột cờ Lũng Cú, theo những bậc thang trong lòng cột cờ bước lên tận đỉnh, ngay dưới lá cờ căng vào gió lộng ào ạt biên thùy. Đứng ở nơi cao vời vợi, nhìn xuống đất nâu khoáy từng vệt xen lẫn lúp xúp những vạt cây xanh làng bản, nhìn quanh mình gió hú hét và trông lên khuấy đảo mây nắng, mới cảm nhận rõ hơn về một tư thế đầu sóng ngọn gió của điều mà ta vẫn hay gọi là nhiệm vụ. Bỗng nhớ chuyện kể của người trước rằng cây cột cờ của nước Việt ta đã được thái úy Lý Thường Kiệt cho dựng lên từ năm xưa, ở nơi sơn cùng thủy tận này. Nhớ câu chuyện nhà thơ người Mông Hùng Đình Quý kể, hồi là Phó Chủ tịch huyện Đồng Văn, đã nảy ra ý tưởng và cùng chỉ huy việc dựng cột cờ Tổ quốc bằng thân một cây thông lớn trên đỉnh Lũng Cú này đầu năm 1978.

Ngôi nhà đất nện theo đúng kiến trúc nhà truyền thống dân tộc Mông của ông ở ven thành phố Hà Giang mà chúng tôi từng đến, thân mật đón người bằng những bức tường đất nâu rắn, dày và vững chãi. Khói thơm luẩn quẩn từ gian bếp ra phòng khách, nơi chủ nhân thân hình to lớn ngồi hồn hậu kể chuyện dựng cột cờ năm nào. Ngoài sân, cây đào nở tự nhiên trước mùa xuân.

Ngày Tết, mùa xuân khởi lên, gọi ta đi theo những con đường. Và dừng lại rẽ vào, để được nghe và nhận thêm, sống thêm. Tôi sẽ đi từ con đường phía trước nhà mình, nhiều lần dừng lại ở những ngả đường có tín hiệu mùa xuân thanh bình vẫy gọi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết gọi trên đường