Có một “Tết làng” trong “Tết phố”

Khánh Linh| 31/01/2022 10:14

(HNMCT) - Gọi là “Tết làng” bởi nó vẫn tồn tại vẹn nguyên những phong tục, lề lối của một cái Tết ở làng. Vẫn là tình làng nghĩa xóm thăm hỏi nhau dịp Tết, chung nhau “đụng” lợn, hàng xóm rủ nhau luộc chung nồi bánh chưng, rồi các lễ hội truyền thống, thậm chí vài thói quen “quê quê”... vẫn còn đó nơi phố phường nhộn nhịp. Hà Nội ôm những dấu tích thật thà, chân chất ấy thành một nét đặc trưng rồi thầm lặng chứng minh vẫn còn đó “Tết làng” trong cái Tết nơi phố thị.

Lấp lánh sắc Tết làng trong phố

Ông cử Phan Kế Bính từng viết về Tết Nguyên đán trong cuốn “Việt Nam phong tục” (1915) rằng, trước Tết nửa tháng nhà nào nhà nấy đã rộn rịp sắm Tết... Các thầy đồ nhà quê ra chợ viết câu đối bán. Những người đi buôn bán hoặc đi làm ăn xa đâu đâu cũng nghỉ việc về ăn Tết. Cách Tết vài hôm, ai nấy dọn dẹp nhà cửa, lau rửa đồ thờ phụng. Câu đối đỏ dán cửa, dán cột sáng choang, treo tranh, treo liễn lịch sự. Lại có nhiều nơi dựng cây nêu, rắc vôi bột trong sân ngoài ngõ. Đêm giao thừa ở thành phố thì cúng giữa sân, ở làng quê thì ra điếm sở, đánh trống, đốt pháo ầm ầm. Có người ra đường bẻ cành lá nhỏ hay ra giếng làng quảy một gánh nước... đều mang hàm ý lấy lộc...”.

Đó là ông nhắc đến một cái Tết đậm chất “làng”. Ngẫm lại có thể thấy, từ quá khứ đến hiện tại như một sợi dây nối dài xuyên suốt, đến xuân Nhâm Dần này, thể thức và tình cảm đối với Tết của dân tộc Việt không khác bao nhiêu. Dẫu không treo nhiều câu đối như thời trước nhưng ai cũng trang hoàng nhà cửa để đón xuân, “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ” vẫn hiện hữu trong đời sống đương đại.

Trong các thủ tục rườm rà mang tên “sắm Tết” vẫn còn đây cái màu nóng ấm của hồng đào, màu vàng no ấm của mai của quất. Phiên chợ ngày giáp Tết, ở một góc chợ vẫn có những bó mùi già tỏa hương thơm ngát để phục vụ nhu cầu, thói quen của người dân Thủ đô. Đặc biệt, dù cho việc ăn uống bây giờ phong phú hơn và nhu cầu cũng khác xưa nhưng mâm cỗ Tết của người phố thị ngày nay vẫn đậm đà sắc màu của mâm “cỗ quê” với gà, xôi, bánh chưng, giò, nem rán... Trước đó nhiều ngày, đôi ba nhà nơi phố thị rủ nhau gói chung nồi bánh chưng, “đụng” chung con lợn ăn Tết. Sự quây quần, sum tụ đông vui khi “đụng lợn” như khúc nhạc dạo đầu cho Tết bởi không khí tưng bừng và háo hức. Cũng ở đây, nét đặc trưng văn hóa làng xã thể hiện rất rõ. Nói như nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, đặc trưng văn hóa điển hình nhất của Tết Nguyên đán là sự cố kết cộng đồng.

Còn đây nữa, phố vẫn theo nếp dân gian trọng Tĩnh (sự thanh bình, không thay đổi), trọng Tình (trọng tình nghĩa)... Tết đến xuân về, tổ dân phố nào cũng có một buổi lễ mừng thọ những người cao tuổi, những người có kinh nghiệm, có uy tín và vô cùng quan trọng đối với cộng đồng. Tục du xuân, chúc Tết có nguồn gốc từ làng xã đến giờ vẫn là một nếp văn hóa đẹp của người Việt nói chung và của người Hà Nội nói riêng. “Mồng Một tết Cha, Mồng Hai tết Mẹ, Mồng Ba tết Thầy” cùng mong muốn sum vầy cùng cha mẹ, thể hiện đạo hiếu, uống nước nhớ nguồn vẫn luôn hiện hữu trong từng nếp nhà của người Hà Nội.

Đặc biệt là các lễ hội, các phiên chợ, nét đặc trưng văn hóa của làng vẫn còn tồn tại. Hội đền Hai Bà Trưng, hội Cổ Loa, hội gò Đống Đa, hội đền Gióng, hội chùa Hương, hội Võng La, hội đền bà Tấm... góp phần tô điểm thêm nét độc đáo của văn hóa Hà Nội. Rồi cả các chợ phiên, nét văn hóa đằm thắm của làng quê với ăm ắp sắc màu như trong câu thơ của nhà thơ Đoàn Văn Cừ: “Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ/ Tìm đến chỗ đông người ngồi giở bán/ Một thầy khóa gò lưng trên cánh phản/ Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân/ Cụ đồ nho đứng lại vuốt râu cằm/ Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ”... vẫn xuất hiện mỗi dịp xuân về. Anh Nguyễn Văn Hùng (phố Quan Nhân, Thanh Xuân) chia sẻ: “Hằng năm, cứ vào ngày 27 tháng Chạp, phiên chợ cuối năm của làng Mọc, Quan Nhân, lại diễn ra với những mặt hàng truyền thống đặc trưng của dịp Tết như mứt Tết, tò he, bánh giầy... Từ sáng sớm, mọi ngả đường dẫn về phố Quan Nhân, con phố chạy xuyên qua làng Mọc, về khu vực đình và chùa Quan Nhân đã đông kín người và ngập tràn màu sắc của hoa, bóng bay, đồ chơi và muôn màu những mặt hàng Tết. Trước đây, người ta đến chợ để trao đổi các loại hàng hóa Tết như lá dong, đỗ, gạo nếp... Ngày nay, khi các loại hàng Tết có thể mua được ở nhiều nơi, phiên chợ đã trở thành nơi vui chơi cho trẻ nhỏ và học sinh, sinh viên, với đủ loại đồ chơi, quà tặng, chủ yếu là đồ chơi hiện đại nhưng cũng không thiếu các món đồ chơi truyền thống như tò he... Đi chợ phiên, nhiều gia đình như được quay về với cái Tết ngày cũ mộc mạc mà thân thương. Từng nhóm trẻ em háo hức túm tụm quanh các nghệ nhân để xem cách làm bánh chưng, têm trầu, nặn tò he, viết thư pháp... khiến các bậc phụ huynh đi cùng cũng trào dâng hoài niệm về tuổi thơ gắn bó với Tết làng”.

Từ những phiên chợ này, giá trị văn hóa, tình cảm quê hương đã bám rễ trong tâm hồn mỗi con người để từ đó hướng về cội nguồn với sự tri ân, biết ơn các thế hệ đi trước, để giữ gìn phong tục tốt đẹp mỗi dịp Tết đến, xuân về. Và hơn cả là tình thân, tính thiện và sự lạc quan với niềm hy vọng về một năm mới tốt lành.

Vẹn nguyên truyền thống

Nhiều nhà nghiên cứu lâu đời về Hà Nội nhận xét rằng, chính cái tư duy cố hữu của những người Hà Nội không bị “đô thị hóa” mà Hà Nội hiện đại ngày nay, trong bóng phố vẫn thấp thoáng bóng làng. Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long khẳng định, cái hồn cốt của Tết xưa vẫn đang tồn tại trong mỗi gia đình. Đó là tình cảm của người với người mỗi dịp Tết đến xuân về, là suy nghĩ, cách đón Tết. Tết xưa và nay đều vậy. Chúng ta không thể có Tết nay giống hệt với Tết xưa, nhưng những nét xưa vẫn còn đó, trong tâm khảm mỗi con người”.

Còn Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng cho rằng, Tết ở mỗi gia đình nơi đô thị, tính cộng đồng có vẻ giảm đi nhưng tính cộng đồng với không gian lớn ngày càng mở rộng. Tết có xu hướng chuyển nhanh từ ăn Tết sang chơi Tết. Nhiều thú vui dân gian lúc còn, lúc mất nhưng dòng chảy của Tết vẫn chảy mãi...

Có lẽ cũng vì lẽ đó mà Tết xưa và Tết nay, Tết “làng” và Tết “phố” đã hòa quyện thành một nét riêng làm nên nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội, làng trong phố, phố trong làng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có một “Tết làng” trong “Tết phố”