Xóm gầm cầu

Truyện ngắn của Nguyễn Hiếu| 22/01/2022 18:35

(HNMCT) - Cư dân “xóm gầm cầu” tựa những mảnh vỡ của đủ thứ bát đĩa, nhưng dù xa lạ đến đâu thì chỉ sau hai, ba giờ gặp nhau đã trở nên thân quen, hệt như những con chim sẻ hoang trên đồng.

Minh họa: Hữu Tiệp.

Cao niên nhất là cụ Thành. Tuổi già và những nỗi đau đã làm hằn sâu trên khuôn mặt phúc hậu những đường rãnh chằng chịt. Trước Tết cụ vẫn còn nhà, dù chỉ là hơn chục mét vuông trong ngõ. Trước nữa nhà cụ ở phố, mặt tiền tới tám mét nhưng vì thằng con mê cờ bạc nên phải bán đi. Sau mấy lần đổi nhà, cuối cùng đến căn phòng nhỏ cạnh hố xí công cộng cũng bị xiết nợ. Thằng con thì phát vãng, trốn nợ không thấy sủi tăm.

Người thứ hai là Thương, cô gái điếm 28 tuổi xinh đẹp, hiền lành. Nhà chồng Thương ở “phố Hàng”. Là con cầu tự nên Mạnh được nuông chiều từ bé, học hành nghề ngỗng chẳng vào đâu nhưng mê cờ bạc còn hơn thằng con cụ Thành. Mạnh có hẳn “lý luận” về môn đỏ đen. Gã bảo “cờ bạc không tự nhiên mà có, mà do những người có trình độ thâm hậu sáng tạo ra, nên nó là một thứ khoa học cao siêu, ai nắm được nó sẽ gặt hái vô kể”. Bố mẹ gã lần lượt quy tiên vì buồn chán thằng con “phá gia chi tử”. Căn nhà rộng gần 50 mét vuông chỉ còn cái xác rỗng khi đồ đạc lần lượt “đội nón ra đi”. Ngoài những lúc “bệt đít” trên chiếu bạc, Mạnh đi rình vợ xem có món tiền nào là lấy bằng được để “nghiên cứu khoa học”.

“Xóm gầm cầu” còn hai đứa trẻ độ tuổi “ra ràng”. Long “ruồi” quê Hà Nam có nốt ruồi to như hạt đỗ bên lông mày trái. Gần chục năm trước mẹ nó bỏ nhà đi đâu chẳng rõ. Bố nó chán đời, một tối uống rượu say bất ngờ ngã xuống ao chết. Long ở với ông chú cùng cha khác mẹ với bố nhưng ông chú dữ đòn nên nó bỏ đi. Thằng Tài “sứt” thì hôm đầu tiên đến “xóm gầm cầu” sau khi bị nhà chủ vu ăn cắp đồng hồ đã trượt chân, đập mặt vào mố cầu, thành ra có vết sẹo trên môi.

Người thứ năm ở “xóm gầm cầu” là Lịnh “xe ôm”. Ngoài ra còn thanh niên tên Linh mà Long “ruồi” và Tài “sứt” gọi là Linh “công tử”, vì bố nó là thứ trưởng. Linh bỏ nhà đi sau khi thi trượt đại học. Mặc dù ông thứ trưởng nói “bố sẽ bảo anh em bên Bộ Giáo dục điều chỉnh lại” nhưng Linh thấy ngượng với đám bạn cùng lứa. Và sâu thẳm bên trong thì nó chán. Nó từng thấy người ta đưa tiền phần trăm dự án cho bố. Từng nghe bố phát biểu ở chính cái công ty đã đưa tiền cho ông: “Người lao động cần phát huy quyền làm chủ, phấn đấu, quyết liệt vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng”... Trong lúc lục lọi đồ cũ, tình cờ nó vớ được cuốn nhật ký của mẹ, biết được con đường thăng tiến của bố bắt đầu bằng lừa gạt, vu khống bạn thân để lấy bằng được mẹ nó, vốn là con gái một vụ trưởng. Linh hỏi mẹ về chuyện này, mẹ nó buồn rầu bảo: “Số phận thì biết làm thế nào”. Thế là nó bỏ nhà ra ở gầm cầu, đến nay được gần một tuần.

***

Tối hôm đó, cụ Thành ngồi thẫn thờ nhìn mặt sông. Long “ruồi” đang gặm bắp ngô nướng, nhìn sang thấy bắp ngô nó đưa vẫn nằm im trên tay bà cụ bèn giục:

- Bà ăn đi cho nóng!

- Để nguội tí đã, không rụng hết răng.

Vừa lúc đó Tài “sứt” chạy về. Nhìn thấy mấy bắp ngô nó kêu toáng lên:

- Ô mày lừa cô ấy lấy thêm được bắp ngô đấy à?

Cụ Thành quay sang Long:

- Con mang bắp ngô trả người ta. Người nghèo nhặt từng xu sao lại nỡ làm thế.

- Thôi bà cứ ăn đi. Cô ấy về mất rồi. Mai cháu trả cô ấy tiền.

- Bà đưa mười nghìn đây. Hỏi xem bao nhiêu thì trả cho người ta khỏi tội nghiệp.

- Cháu nhớ rồi. Mai cháu sẽ trả.

Vừa lúc ấy Thương từ đâu chạy xồng xộc đến chỗ Linh “công tử” nằm rồi ôm chầm lấy nó, hổn hển bảo: “Ôm lấy chị đi, để chị rúc đầu vào nách mày cho thằng phải gió không tìm thấy”.

Thương vừa dứt lời thì có tiếng cười khành khạch:

- Không trốn được đâu! Thằng phải gió đây rồi! Có bao nhiêu đưa hết đây cho tao.

- Tôi không có đồng nào hết. Thương đáp chủng chẳng.

- Mày nói láo. Tao nhìn thấy hết rồi. Đưa ngay đây, không thì đừng trách tao.

Có tiếng loạt xoạt, rồi Linh “công tử” vừa nằm vừa đưa ra hai tờ polyme.

- Tiền đây được chưa?

- Á à! Oắt con mà đã biết gái gú hả?

Mạnh giật hai tờ tiền, gằn giọng: “Tạm thế đã. Cứ găm lại, khi nào tao xuống thì lại đưa. Nhớ chưa?”.

Linh nhìn theo, khi thấy Mạnh khật khưỡng cầm tiền đi ngược lên dốc bèn buông tay khỏi người Thương rồi làu bàu:

- Chị ở chỗ nào ông ấy cũng biết hay sao?

Thương ngồi dậy:

- Chị cố trốn mà có được đâu. Nhưng sao em đưa cho nó nhiều thế.

- Để nó đi cho nhanh, khỏi đánh chị.

Thấy Lịnh “xe ôm” uể oải dắt xe về, cụ Thành quay ra hỏi:

- Thế nào, thằng cu có đỡ không?

Mặt Lịnh “xe ôm” vàng kệch dưới ánh đèn:

- Bác sĩ bảo mổ bà ạ. Mất những ba chục triệu thì biết lấy tiền đâu. Khéo phải cho cháu về nằm chờ chết mất thôi.

Cụ Thành đang ngồi tựa lưng vào mố cầu liền nhổm lên:

- Đúng là số khổ. Thôi thế này nhé! Bà còn 95 nghìn, đứa nào còn bao nhiêu góp vào đây đỡ cho anh Lịnh.

Lịnh lắc đầu quầy quậy:

- Thôi bà ơi!

- Anh cứ mặc chúng tôi. Chẳng thấm tháp gì nhưng đỡ được đồng nào hay đồng ấy.

- Của con bảy trăm đây. Long “ruồi” đưa tiền cho cụ Thành.

- Của con tròn năm trăm. Biết thế sáng nay không gửi về quê cho con em...

Tài “sứt” than vãn rồi quay sang giục:

- Còn chị Thương và Linh “công tử”, tiền đâu?

- Đây đây. Cháu góp hai triệu.

- Cháu cũng còn triệu hai đây. Thương lại gần dúi tiền vào tay cụ Thành.

Cụ Thành nhấm nước bọt đếm tiền rồi nói to:

- Kém 5 nghìn là được 4 triệu rưỡi. Bèo bọt quá nhưng anh cứ cầm lấy gọi là tấm lòng của bà cháu tôi.

Lịnh “xe ôm” xua tay, rền rĩ:

- Con không cầm đâu... Bà con mình toàn đò nát cả.

- Đò nát mới đụng nhau. Cầm đi, rồi gặp đâu xin đấy, biết đâu có người hảo tâm.

Tài “sứt” láu táu:  

- Kể ra 5 triệu cũng mới là một phần sáu.

Long “ruồi” bỗng kêu lên:

- À Linh “công tử” đăng lên phây đi, bảo có đứa trẻ đang cần 30 triệu để mổ, không thì nó sẽ chết mất.

- Long! Không được nói gở mồm. - Cụ Thành vỗ khẽ vào vai Long.

Long nhoẻn cười: “Con xin lỗi. Linh đưa ngay lên phây búc đi, nói rõ địa chỉ chỗ này. May ra gặp người tốt.

Tài gật gù:

- Còn một cách nữa. Linh về xin bố mẹ đi. Bố mày là thứ trưởng kia mà...

***

Linh về nhà sau khi gọi điện cho mẹ và biết hôm nay bố đi công tác nên về muộn.

Sau khi bấm chuông ba lần, biết chắc chỉ có mẹ ở nhà Linh mới bước vào. Linh trấn an mẹ, đến khi mẹ nó ngớt hẳn tiếng thút thít thì nó xin 30 triệu để cho anh Lịnh “xe ôm” đóng tiền mổ cho con trai. Linh bảo “đưa tiền cho anh ấy xong con về nhà ngay”. Sau một lúc ngần ngừ, mẹ nó vào phòng ngủ lấy ra cái hộp đựng bánh kẹo và đưa nó 30 triệu. Bất ngờ đúng lúc đó bố Linh trở về. Nhìn tập tiền trên tay con trai, ông bĩu môi nói:

- Hết tiền thì lại về lấy chứ gì? Sao không đi hẳn?

Mẹ Linh cúi đầu nói nhỏ:

- Con nó biết nghĩ rồi. Xong vụ này là nó về ngay mà.

- Vụ này là vụ nào?

Ông bố trừng mắt. Mẹ Linh định trả lời thì ông gạt đi:

- Em đừng bao che cho nó nữa. Con nói đi! Làm gì mà cần những ngần ấy tiền?

- Con cần 30 triệu bố ạ! Đây là tiền riêng của mẹ chứ không phải trong két của bố.

- Dù tiền của ai trong nhà này cũng là tiền chung của bố mẹ. Con cần những 30 triệu để làm gì?

Linh “công tử” nhìn mẹ, khẽ hít mạnh một hơi rồi nói:

- Con cho anh xe ôm để anh ấy trả tiền mổ cho con anh ấy.

Ông bố nhếch mép:

- Con làm như bố mẹ là trẻ con không bằng. Về nhà lấy 30 triệu cho một tay xe ôm cha vơ chú váo. Con tưởng tiền là lá rụng đấy hả? Mà có đúng là đưa cho xe ôm để mổ cho con nó không, hay là con bịa ra thế?

- Con không nói dối.

- Đừng quát lên như thế. Tay xe ôm ấy có đúng là mổ cho con không, hay là con dùng vào việc gì? Nói thật ra để bố mẹ đỡ lo... Con nghiện rồi phải không?

- Kìa anh! Con nó đã nói rồi.

- Em để anh dạy con. Cũng may là hôm nay người ta báo hoãn vì dịch nên anh mới quay về nên bắt được sự gian dối này.

- Con không gian dối. Đó là sự thật.

Bố nó gật gù:

- Nhà mình không nghèo nhưng cũng chưa bằng ai đâu. 30 triệu là một số tiền không nhỏ. Kể cả đúng là tay xe ôm đó cần tiền để chữa chạy cho con thì con cũng chỉ nên góp một phần nào gọi là thôi chứ không thể phóng tay như thế.

Vừa nói ông vừa tiến lại giật lấy tập tiền trên tay con trai:

- Vì bố chưa tin nên bố lấy lại số tiền này. Và từ hôm nay con phải ở nhà, không được đi đâu nữa. Bố không muốn làm to chuyện vì sắp tới bổ nhiệm lại, nhỡ lộ ra chuyện này bố sẽ mang tiếng. Rồi nhỡ con lại nghiện hút nữa thì khả năng bố được tái bổ nhiệm rất khó.

- Con không nghiện. Bố không cho thì thôi!

Linh hét lên rồi lao ra cổng chạy thục mạng. Mẹ nó rền rĩ: “Anh lại làm nó đi mất rồi”. Ông thứ trưởng mím môi lầu bầu: “Chuyện này đến tai lãnh đạo bộ thì...”.

Đang chạy, Linh nghe thấy chuông điện thoại trong túi réo vang. Đứng nép vào góc tường, nó mở máy, cố ghìm nhịp thở hổn hển: “Tôi nghe đây...”. Đầu kia một giọng nữ thanh thanh nói: “Anh hiện có ở gầm cầu Long Biên không? Chúng tôi đại diện đoàn thanh niên trường đại học... đến để trao số tiền anh huy động giúp bệnh nhân cần mổ”.

Nghe thế, mặt Linh “công tử” giãn ra. Đúng lúc ấy một luồng gió mát từ ngoài sông bất ngờ ùa vào phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xóm gầm cầu