Bài ca ''Người Hà Nội'' 75 mùa xuân

Cảnh Linh| 23/01/2022 05:38

(HNMCT) - Nhiều người yêu thích bài hát “Người Hà Nội” của cố nhạc sĩ, nhà văn Nguyễn Đình Thi (1924 - 2003). Ở đó, hình ảnh Hà Nội hiện lên hào hùng: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây/ Đây lắng hồn núi sông ngàn năm...”.

Sinh thời, Nguyễn Đình Thi kể sáng tác này như một sự thôi thúc từ đáy lòng ông trong cuộc chiến của quân và dân Thủ đô theo "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19-12-1946. Khi đó nhà văn Nguyễn Đình Thi được phân công làm báo Cứu Quốc. Ông lên đường đi kháng chiến, để lại sau lưng một Hà Nội rực lửa trong cuộc chiến đấu chống giặc Pháp. Tiếng súng, khói lửa đạn bom theo bước chân hành quân của nhà văn. Trong lòng ông sục sôi tâm trạng rạo rực cùng tinh thần kiên cường của những chàng trai, cô gái Hà Nội. Đoàn dừng chân tạm nghỉ tại làng Khúc Thụy thuộc xã Cự Khê, Thanh Oai. Bên chiếc piano cũ trong ngôi nhà sơ tán, giai điệu bừng lên trong lòng nhạc sĩ: “Hà Nội cháy! Khói lửa ngợp trời/ Hà Nội ầm ầm rung/ Hà Nội vùng đứng lên...”.

Bài hát “Người Hà Nội” đã được in trên báo Cứu Quốc, số Tết 1947. Giai điệu cùng lời ca “Người Hà Nội” lan truyền nhanh chóng qua mặt trận Liên khu I. Lời ca hào sảng khích lệ tinh thần chiến đấu của Trung đoàn Thủ đô: “Xác thù rơi dưới gót giày/ Ầm ầm cười tiếng súng vui thay/ Vang ngày mai sáng láng”. Và, trong đêm 30 Tết (1947), nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi đã cùng hát với các nghệ sĩ tại Đài Tiếng nói Việt Nam (sơ tán ở chùa Trầm - Chương Mỹ) để thu âm trong hang đá. Ông kể, trong buổi thu thanh hôm đó, một số hàng binh người Pháp biết đánh đàn đã đệm cùng ban nhạc của đài. Không khí thật rạo rực. Đến đúng thời khắc giao thừa, sau lời chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bài hát “Người Hà Nội” vang lên trên làn sóng phát thanh. Đây quả là niềm vinh dự lớn đối với nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi.

Sau đó, bài hát được nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi viết bổ sung cho hoàn chỉnh ý tưởng và hình tượng âm nhạc. Đó là cảm xúc của ngày chiến thắng trở về, là dự cảm lạc quan với câu ca mở đầu: “Một ngày thu non sông chiến khu về/ Đường vang tiếng hát cuốn dòng người...”. Cuối cùng là cảm xúc chiến thắng dâng trào: “Mắt Người sáng láng vầng sao thắm tươi, trán Người mái tóc bạc thêm/ Bóng cờ bát ngát ngày vui nước non reo cười, trên môi Người cười/ Tiếng cười ngày về chiến thắng”. Vậy là từ đó, “Người Hà Nội” trở thành khúc tráng ca bay bổng, mang tính khái quát cao về công cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ để tiến tới chiến thắng. Bài hát đã được dàn dựng công phu cho dàn nhạc giao hưởng biểu diễn chính thức vào năm 1948 tại Đại Từ, Thái Nguyên, do nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát chỉ huy.

Ba năm sau, bài hát “Người Hà Nội” đã được Nhà nước chọn đưa đi dự Liên hoan Thanh niên sinh viên thế giới tại Berlin cùng với “Trường ca Sông Lô” và “Làng tôi” của nhạc sĩ Văn Cao. Đây là những bài ca cách mạng đầu tiên của nước ta được giới thiệu với bạn bè thế giới. Tính đến nay, “Người Hà Nội” đã ngân vang suốt 75 mùa xuân. Giai điệu trữ tình và hào hùng của “Người Hà Nội” đã trở thành nhạc hiệu của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, trở thành “nhạc hiệu” trong trái tim mỗi người dân Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài ca ''Người Hà Nội'' 75 mùa xuân