Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Ánh: ''Làm sao để giữ được cốt cách riêng của chiếu chèo xứ Đoài''

26/12/2021 06:10

(HNMCT) - Hơn 35 năm gắn bó với sân khấu chèo, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Ngọc Ánh ghi dấu ấn qua hàng chục vai diễn trong các vở chèo từ dân gian đến hiện đại. Không chỉ trau chuốt cho giọng hát, cách diễn, với chị, thành công trong sự nghiệp còn là truyền được tình yêu nghề cho lớp trẻ và làm sao giữ được cốt cách riêng của chiếu chèo xứ Đoài.

- Thưa NSƯT Ngọc Ánh, thấm thoắt đã 36 năm kể từ ngày bén duyên với chèo, chị nghĩ gì khi nhìn lại chặng đường đã qua?

- Ngay từ buổi đầu tiên vào nghề, tôi vô cùng may mắn được các thầy, cô là những bậc tiền bối: Cố Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Dịu Hương, NSND Diễm Lộc, NSƯT Mai Khanh, NSND Khắc Tư, NSƯT Phương Toàn, nghệ sĩ Hương Thách và các nghệ sĩ trong Đoàn Chèo Hà Tây cũ tận tâm chỉ dạy. Chính nhờ đó mà con đường hoạt động nghệ thuật của tôi, dù là nghệ sĩ biểu diễn hay trong vai trò trưởng đoàn đều có những thành công nhất định. Tôi tự nhận thấy mình là người tâm huyết, yêu nghề, đam mê nghệ thuật chèo truyền thống. Hầu hết vai chính trong các kịch mục biểu diễn của Đoàn 3 là do tôi đảm nhận. Tôi luôn cháy hết mình, tìm tòi, sáng tạo, luôn đau đáu làm sao để lột tả được tính cách nhân vật một cách sâu sắc.

- Đoàn Chèo Hà Tây và Nhà hát Chèo Hà Nội "về một nhà" vào năm 2008 là một “bước ngoặt” với chị cũng như các anh chị em trong đoàn. “Bước ngoặt” đó có ý nghĩa như thế nào đối với chị?

- Vào nghề từ năm 1986, mấy chục năm gắn bó ở Đoàn Chèo Hà Tây nên khi hợp cùng Nhà hát Chèo Hà Nội, tôi và anh chị em có không ít lo lắng. Nhưng nhìn lại chặng đường đã qua, có được Đoàn 3 vững chãi, tâm huyết làm nghề như ngày hôm nay, tôi phải cảm ơn NSND Thúy Mùi, người mà tôi vẫn thân thương gọi là chị cả. Là Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội khi đó, chị đã đứng mũi chịu sào, đón nhận nồng hậu, quý mến, không phân biệt và “truyền lửa” đến anh chị em nghệ sĩ. Cảm nhận được điều đó, chúng tôi đã đoàn kết cùng nhau xây dựng thương hiệu nhà hát. Duy trì những gì chị để lại, thế hệ kế cận như chúng tôi tự thấy cần có trách nhiệm để hun đúc trong anh em nghệ sĩ những gì cần, nhất là khi sân khấu gặp nhiều khó khăn, khán giả đến với nghệ thuật truyền thống thưa vắng dần. Tôi vẫn nói với thế hệ sau rằng, là nghệ sĩ thì phải thực sự tâm huyết, yêu nghề, say nghề thì khán giả mới đến với mình.

- Về với Hà Nội nhiều năm rồi nhưng Đoàn 3 vẫn giữ được phong cách riêng, đậm chất chèo xứ Đoài. Là Trưởng đoàn 3 từ năm 2008 đến nay, chị làm thế nào để đưa Đoàn 3 hòa nhập mà vẫn giữ được phong cách riêng?

- Tôi luôn tâm niệm mình hòa nhập với phong cách Nhà hát Chèo Hà Nội nhưng vẫn phải giữ chất xứ Đoài. Chúng tôi có thể bắt nhịp luôn để dựng ngay những vở về đề tài Hà Nội, đề tài lịch sử, đề tài hiện đại, nhưng cốt cách truyền thống của các cụ phải giữ, đó là trách nhiệm của chúng tôi. Đặc trưng của chất xứ Đoài là lối diễn rất mộc mạc, đúng chất chiếu chèo sân đình các cụ truyền lại, diễn chân thành, cơ bản từ hát đến vũ đạo, không pha tạp. Còn chất của chèo Hà Nội là chất Hà thành, mới hơn một chút, mang hơi thở đương đại hơn.

Để giữ được chất riêng trong cái chung, nhất là trong cơ chế thị trường hiện nay thực ra là rất khó khăn, nhưng chúng tôi bảo nhau phải cố gắng. Muốn anh em giữ được lửa nghề thì phải tạo điều kiện cho họ “ấm cái bụng” trước đã, nhất là trong cơ chế thị trường khắc nghiệt như hiện nay, cơ hội cho nghệ sĩ truyền thống không có nhiều. Tôi luôn tạo điều kiện tối đa cho anh em phát huy khả năng ở bên ngoài, nhưng lúc nào nhà hát cần, đoàn cần thì phải tập trung hết sức. Anh em trong đoàn rất năng động, nhà hát cũng làm các chương trình sự kiện để tăng thu nhập, từ đó nuôi dưỡng tình yêu thuần khiết với chèo.

- Được biết đoàn của chị vừa hoàn thành vở diễn “Người mẹ Hà thành” được Hội đồng Nghệ thuật Thành phố đánh giá cao. Chị có thể chia sẻ thêm về vở diễn?

- “Người mẹ Hà thành” là một vở diễn rất hay mà nhà hát giao cho Đoàn 3 thực hiện. Vở diễn nói về người mẹ kháng chiến do NSƯT Lê Tuấn đạo diễn, tôi làm trợ lý đạo diễn và tham gia vai người mẹ. Lê Tuấn là đạo diễn trẻ, xuất thân từ Đoàn Chèo Hà Tây, sau năm 2008 anh được phân công là trưởng phòng nghệ thuật và đi học đạo diễn. Vở đầu tay của Lê Tuấn là “Tình sử Thăng Long” đã đoạt Huy chương Bạc tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2020, vở đó tôi cũng tham gia với vai trò trợ lý. Sự ăn ý trong dàn dựng của ê kíp đã giúp chúng tôi tự tin làm vở “Người mẹ Hà thành”, và vở diễn đã nhận được nhiều lời khen trong đêm tổng duyệt vừa qua.

Song song với việc dựng vở, đoàn cũng tích cực tham gia dàn dựng chương trình để phát online, phục vụ các sự kiện chính trị lớn của Thủ đô từ nay đến cuối năm. Chúng tôi luôn động viên anh chị em nghệ sĩ vượt lên những khó khăn do dịch bệnh, cho họ môi trường để làm nghề và mang thông điệp tích cực đến với người xem.

- Cảm ơn chị đã chia sẻ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Ánh: ''Làm sao để giữ được cốt cách riêng của chiếu chèo xứ Đoài''