Kiến tạo tương lai từ tài nguyên di sản: Kết nối truyền thống và hiện đại

Thuận An| 18/12/2021 06:47

(HNMCT) - Yếu tố truyền thống được khai thác trong nhiều nhóm ngành công nghiệp văn hóa như du lịch văn hóa, hội họa, điện ảnh, nhiếp ảnh..., nhưng đậm nét nhất, tác động trực tiếp nhất đến cuộc sống hằng ngày là trong các hoạt động thiết kế sáng tạo. Việc khai thác kho tài nguyên di sản, sẽ giúp chúng ta xây dựng một nền công nghiệp văn hóa mang đậm bản sắc. Song, chúng ta còn nhiều việc phải làm để “mở khóa” tài nguyên ấy.

Khách tham quan Không gian trưng bày các tác phẩm trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2021. Ảnh: Thuận An

Tiềm năng vô tận từ truyền thống

Trong quá trình chế tác sản phẩm gốm, có rất nhiều sản phẩm cong, vênh, vỡ... Thông thường chúng bị bỏ đi. Nhưng nhà thiết kế Lưu Như Ngọc lại coi đó là nguyên liệu cho sản phẩm. Những mảnh gốm Bát Tràng bỏ đi được nhà thiết kế dùng để ghép thành sản phẩm mới. Với tông màu chủ đạo là men trắng và men lam với nhiều sắc độ khác nhau, Lưu Như Ngọc đã tạo ra bộ tranh gốm lắp ghép, ở trên đó, có hình ảnh rùa đội bia đá, có họa tiết hoa sen. Đó đều là những hình ảnh đặc trưng và cũng rất đỗi thân thuộc của Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói chung, văn hóa Việt nói riêng. Bộ sản phẩm mang tên “Khứ hồi” thực sự đã đem lại cho người xem một hành trình về với truyền thống văn hiến nghìn năm, về với nét đặc sắc của làng nghề gốm Bát Tràng trứ danh của đất Thăng Long - Hà Nội. Việc ghép những mảnh gốm còn kế thừa kỹ thuật nề ngõa - kỹ thuật khảm trong trang trí gốm sứ của người Việt. Bộ sản phẩm “Khứ hồi” đã giành giải Nhất trong cuộc thi Thiết kế sản phẩm lưu niệm về Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Trong tương lai, “Khứ hồi” sẽ được triển khai để trở thành sản phẩm lưu niệm độc đáo dành cho khách tham quan khi đến với Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Hoạt động thiết kế bao trùm nhiều lĩnh vực của đời sống. Trên thế giới, có nhiều xu hướng, trường phái thiết kế khác nhau. Không thể phủ nhận rằng khi mở cửa ra với thế giới cách đây hơn ba thập niên, có những lúc chúng ta đã quá chú trọng "chạy theo" những trường trường phái, xu hướng của thế giới. Nhưng điều đó dẫn đến nguy cơ đánh mất bản sắc. Trong khi đó, với bề dày lịch sử, với sự đa dạng của văn hóa vùng miền, nước ta sẵn có một nguồn tài nguyên dường như vô tận. Câu hỏi bây giờ là làm thế nào để tích hợp chúng vào cuộc sống đương đại? Cuộc thi thiết kế “Đánh thức truyền thống” không chỉ mang lại những đáp án có tính thực tiễn, mà còn đưa ra nhiều gợi mở thú vị. Chúng ta biết rằng, trong quá khứ, các đồ dùng bằng tre gắn bó với cuộc sống hằng ngày. Chiếc chõng tre là vật dụng để ngồi hóng mát. Chiếc dần, sàng, thúng... để cất giữ hạt gạo ngon. Những chiếc rổ, rá, lồng bàn, đôi đũa... ở trên mâm cơm. Tre đã xa dần chúng ta trong cuộc sống ngày càng hiện đại. Nhưng nhà thiết kế Nguyễn Huỳnh Nam lại chứng minh tre hoàn toàn có thể trở thành vật liệu cho những thiết bị điện tử trong gia đình bằng chiếc quạt tre “không đụng hàng”. Anh sử dụng tre để làm toàn bộ một chiếc quạt cây công nghiệp, từ thân, cánh, lồng, công tắc... Chiếc quạt cây sắc nét trong từng chi tiết mà vẫn giữ được nét hồn hậu, mộc mạc của tre tự nhiên.

Một số tác phẩm tham gia Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2021 của các nhà thiết kế trẻ. Ảnh: Thúy Nga

Mặc dù yếu tố truyền thống còn được khai thác trong nhiều nhóm ngành công nghiệp văn hóa khác như du lịch văn hóa, hội họa, điện ảnh, nhiếp ảnh... nhưng đậm nét nhất, tác động trực tiếp nhất đến cuộc sống hằng ngày là trong các hoạt động thiết kế sáng tạo. Những mẫu sản phẩm trong cuộc thi Thiết kế sáng tạo với chủ đề Đánh thức truyền thống (trong khuôn khổ Tuần lễ sáng tạo Việt Nam, do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia phối hợp Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cùng các đơn vị tổ chức) cho thấy truyền thống có thể đi vào cuộc sống hiện đại bằng nhiều con đường khác nhau.

Thực tế, trước đó, cũng đã có nhiều thiết kế, nhiều sản phẩm từ truyền thống mang hơi thở đương đại. Điển hình như Zó Project với những cuốn lịch, sổ tay, quạt giấy... làm từ giấy dó; Hội quán Di sản với bộ sản phẩm quà tặng khai thác hình ảnh rồng, phượng, lá đề trong khai quật khảo cổ Hoàng thành Thăng Long; bộ họa tiết ứng dụng từ hình hoa sen trên gạch, ngói di tích Hoàng thành Thăng Long của Công ty Sáng tạo Van Hoa... Tiến sĩ Lư Thị Thanh Lê (Đại học Việt Nhật) cho rằng, văn hóa truyền thống có thể khai thác ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong công nghiệp văn hóa. Trong lĩnh vực thiết kế, các thiết kế sử dụng nhiều yếu tố màu sắc, hình khối, kỹ thuật, tính năng... của truyền thống để đem lại sức sống mới cho sản phẩm.

Thời gian qua, Việt Nam đã có sự nở rộ của thiết kế tái sinh truyền thống do bối cảnh thuận lợi. Điều này có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó, có yếu tố kinh tế thị trường cũng như nhu cầu khẳng định về bản sắc văn hóa khi hội nhập.

Sản phẩm quà tặng hình phượng trong lá đề, lấy cảm hứng từ lá đề bằng gạch đất nung trong trang trí Hoàng thành Thăng Long.

Làm gì để đánh thức truyền thống

Cuộc thi thiết kế với chủ đề “Đánh thức truyền thống” đã cho thấy sức sáng tạo của các nhà thiết kế, tiềm năng của yếu tố truyền thống trong cuộc sống đương đại. Các nhà thiết kế có tuổi đời dưới 30 chiếm ưu thế tuyệt đối trong 183 tác phẩm tham gia. Điều này có ý nghĩa rất lớn khi Việt Nam đang thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, tất cả những thiết kế này mới ở dạng ý tưởng. Để thương mại hóa, cần sự tham gia của các nhà đầu tư, sự hỗ trợ của chính quyền. Đó chính là mấu chốt của vấn đề.

Hà Nội có kho tàng di sản văn hóa đồ sộ. Đó là nguồn tài nguyên quan trọng để khai thác, ứng dụng trong đời sống. Thành phố cũng tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực thiết kế sáng tạo. Bởi vậy, việc “đánh thức truyền thống” của Hà Nội có vai trò như một hình mẫu để các địa phương khác tham khảo.

Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn truyền thông Lê cho rằng, cái gốc của vấn đề chính là cơ chế. Hà Nội cần thúc đẩy hợp tác công - tư, thu hút các đơn vị tư nhân đầu tư vào công trình phục vụ văn hóa, công nghiệp văn hóa. Hà Nội cũng cần có quy hoạch minh bạch, chi tiết các loại hình văn hóa muốn phát triển, định hướng tương lai cho các loại hình đó để nhà đầu tư nắm được thông tin, quyết định cho việc đầu tư. Đồng thời, thành phố cần Hà Nội cần có trung tâm sáng tạo quy mô lớn, ở đó có không gian giải trí, có các tiện ích, có nền tảng công nghệ để mọi người có thể hợp tác, chia sẻ sáng tạo, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác đầu tư. Trong khi chưa xây dựng được không gian sáng tạo lớn, thì cần thúc đẩy những không gian sáng tạo nhỏ. 

Lịch giấy dó do Zó Project thiết kế.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia cũng cho rằng, các sản phẩm công nghiệp văn hóa cần có sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại. Phó Giáo sư Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia Việt Nam cũng nhấn mạnh vấn đề hợp tác công - tư. Trong đó, về lâu dài, Nhà nước đóng vai trò tạo cơ chế và quản lý, các hoạt động dựa vào cộng đồng, dựa vào tư nhân để phát triển. Để các sản phẩm có tính truyền thống đi tiếp trong một hành trình mới, thì cần ứng dụng công nghệ một cách hợp lý chứ không đơn thuần là các hoạt động thủ công. Công nghệ vừa là bàn đạp, vừa tạo ra kho dữ liệu để cộng đồng có thể tiếp cận và ứng dụng.

Tuy nhiên, vấn đề của “đánh thức truyền thống” không chỉ gồm những tiếp cận trực tiếp mà cả gián tiếp. Đó là việc xây dựng ý thức về di sản trong cộng đồng. Theo Phó Giáo sư Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Lâu nay, giới trẻ chưa mặn mà với truyền thống, bởi chúng ta chưa làm cho truyền thống trở nên hấp dẫn. Cuộc thi thiết kế "Đánh thức truyền thống" bước đầu đã tạo nên một sân chơi hấp dẫn giới trẻ, kích thích sáng tạo trong giới trẻ. Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam Lê Thị Minh Lý nhấn mạnh, Hà Nội cần phát triển công nghiệp văn hóa trên nền di sản đồ sộ của mình. Về lâu dài, một lĩnh vực cần quan tâm là giáo dục di sản cho học sinh. Điều này không chỉ có ý nghĩa về nâng cao nhận thức, mà còn tạo ra những khách hàng, tạo ra thị trường tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp văn hóa trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiến tạo tương lai từ tài nguyên di sản: Kết nối truyền thống và hiện đại