Váy đỏ

Truyện ngắn của Bùi Việt Phương| 14/11/2021 15:59

(HNMCT) - Hồi lớp 9, Thái từng ngã từ trên cây cắm đầu xuống đất. Người ta bảo cây gạo sau khu tập thể văn công có ông thần ra tay phù trợ nên Thái mới giữ được mạng sống. Chỉ Thái là biết rõ, lúc cắm đầu lao xuống, may có cái tải quần áo vứt đi của mấy chị văn công như tấm đệm êm giúp cậu bình an. Trong đám “phụ tùng” rách thải loại ấy, có chiếc váy hai dây màu đỏ của chị Thảo. Chiếc váy mà một lần trèo cây bắt tổ chim, cậu đã lén thấy nó phấp phới trong phòng với những mảng da thịt trắng ngần, căng mẩy, làm thân thể thằng con trai mới lớn như ngộp thở.

Minh họa: Lê Trí Dũng.

Không biết có phải trời hành không mà hết lớp 12, Thái thi đâu trượt đấy. Cuối cùng ông bác xin cho vào làm bảo vệ ở đoàn văn công. Ở cái nơi nghèo xơ xác này, bọn trộm cắp chưa mò tới. Thành thử việc chính của Thái là để mắt xem lúc nào chị Thảo đi qua để ngắm. Ở tuổi này chị Thảo vốn đã cao lớn lại tăng cân. Vốn là dân múa nên có mập lên thì càng đầy đặn, khúc nào vẫn ra khúc nấy. Có điều không thấy Thảo mặc váy đỏ nữa.

Một đêm cuối năm, Thái tranh thủ về nhà làm bát cơm cho ấm bụng. Nhìn nồi bánh chưng trước sân nhà đang cháy bập bùng, bỗng Thái nhận ra dưới đáy nồi, ngoài vỏ bào, mùn cưa, đầu mẩu gỗ có cả con búp bê bằng gỗ. Con búp bê của con bé Lam cháu anh. Anh lôi vội nó ra. Con búp bê cũng mặc một chiếc váy đỏ, đôi mắt của nó như đang sợ hãi, nhìn đến tội. Nhận lại con búp bê, con Lam kể hôm nó lang thang sang khu tập thể văn công chơi, “được một cô tiên váy đỏ ở phòng số 13 cho”.

Đêm hôm sau, nhân lúc vắng vẻ, Thái lén lấy hai cái bánh chưng bảo con Lam mang sang “phòng số 13” đưa cho “cô tiên váy đỏ”. Thảo biết ai xui con bé. Từ hôm ấy, mỗi lần chạm mặt chỗ đông người Thái và Thảo đều lặng thinh. Thái vừa thấy sợ, lại vừa thích thú như người muốn liều lĩnh hái một thứ quả trong vườn nhà hàng xóm.

Một hôm, ông Lương phó đoàn phụ trách cơ sở vật chất gọi Thái lên phòng làm việc. Nhìn mặt ông ta có vẻ hệ trọng:

- Mấy hôm nữa đoàn đi diễn chương trình lớn. Tôi thấy cậu dạo này máu văn nghệ, có tư chất. Được. Trẻ có cái táo bạo của trẻ. Tin trẻ thì trẻ mới tự tin...

Thái không tin nổi vào tai mình. Lâu nay dù chỉ mong được đi khuân vác loa đài nhưng chưa bao giờ anh được bước chân lên cái xe cũ nát của đoàn. Đang lâng lâng cảm xúc thì ông Lương bồi tiếp:

- Vì thế, chuyến này tôi sẽ cho cậu đi phụ nấu cơm cho đoàn.

Hai từ “nấu cơm” như gáo nước lạnh dội vào đầu Thái. Nhưng thôi, miễn được đi cùng đoàn, được cảm nhận ánh đèn sân khấu còn hơn mang tiếng làm ở đây gần ba năm, chỉ toàn xem lúc họ bếp núc, tập tành, đổ rác, uống rượu...

***

Cơn mưa núi bất chợt kéo đến phủ kín cả một vùng quê. Đám nhạc công, ca sĩ ngồi túm tụm trong một cái nhà kho cũ để ăn cơm tối và đợi mưa. Mưa của trời sụt sùi bao nhiêu than thở, rượu của người rót ra tràn trề cả nụ cười và nước mắt. Rót ra lần nào cũng nâng, cũng cạn. Anh Quảng ghi ta điện mặt đỏ bừng kể chuyện vợ chồng quan hệ kiểu cắn răng trong những căn nhà chật chội ở phố cổ. Một nhà nhưng có đến mấy cặp vợ chồng như chuồng bồ câu. Anh từ Hà Nội về đây, như con chim thoát khỏi lồng. Cậu Hải phụ trách tăng âm loa đài kể chuyện thằng bạn chưa vợ làm bác sĩ đỡ đẻ... Một mớ hổ lốn những câu chuyện thật thật, giả giả, thấm đẫm đau buồn.

Đến khi Thái tắt bếp, vào mâm thì mọi người bắt đầu lè nhè. Giờ ai diễn cho ai xem? Ai hát cho ai nghe? Lặn lội bao nhiêu đèo dốc, suối khe vào đến đây, sân khấu đã thiết kế mất cả buổi chiều thì trời không cho diễn... Thái nhìn mãi mới thấy Thảo ngồi ở một góc, bụng bắt đầu có ngấn, mặt đỏ, mắt buồn như lắng men rượu tuổi bốn mươi. Ở phía bên này, Thái cũng dần chìm vào men rượu, lần đầu tiên say ở một nơi vắng vẻ, anh hôm nay như được hòa vào cánh nghệ sĩ trong dàn đồng ca nghêu ngao trong men rượu và mưa.

Khuya, mưa bỗng tạnh và không gian trở nên yên ắng. Mỗi người một góc ngáy như kéo gỗ. Tuy họ hay bỡn cợt, tếu táo là thế nhưng bao năm nay gắn bó, sẻ chia nên thương và trân trọng nhau lắm. Thái thấy cổ khát khô. Chỗ này thì lấy đâu ra chai nước lạnh mà tu cho đỡ khát. Bỗng ở đâu vang lên tiếng nôn ọe, tiếng nôn như tháo ruột. Trong bóng trăng rừng sau mưa loãng toẹt bên hiên nhà kho, anh nhận ra tấm lưng nần nẫn của Thảo. Không thể tin nổi, anh đỡ bờ vai tròn mẩy mà thấy người mình nóng bừng như từng thớ thịt đang căng nứt. Nhưng nhìn vào ánh mắt Thảo, anh lại thấy chị đang run rẩy đáng sợ. Thảo như đang nôn hết cả ruột gan, hết những uất ức và đau đớn. Mùi tanh lợm không làm Thái ghê sợ mà chỉ thấy có gì đó thương mến trong lòng. Như thể chẳng bận tâm người đang đỡ mình là ai, Thảo thều thào:

- Đêm nay là đêm diễn cuối cùng chị được đi. Nhưng mà, mưa, ướt hết em ạ, hết rồi!

Thảo ngừng giây lát, như thể chẳng còn bận tâm đến tấm thân đang nằm gọn trong vòng tay Thái. Rồi thì thào nhỏ hơn:

- Đời chị, chả còn cái gì, bọn đàn ông lấy đi hết rồi, nhưng vẫn còn khối ra đấy. Chị vẫn muốn được múa. Múa, để lấy tiền đi cho người ta. Em hiểu chưa?

Cho ai, ai cho mà cần gì cho nữa. 

Cả hai cùng như cuốn vào tiếng mưa. Khi người ta chán nản và liều lĩnh, họ hòa vào nhau nồng nàn, mù mịt và ngu ngốc...

***

Sau chuyến đi diễn ấy, Thái nghe tin Thảo bị đưa xuống làm văn thư. Lại thấy có người bảo Thảo sắp lấy chồng nên mới cố gắng ăn diện để mồi chài đàn ông. Là đàn bà, dù xấu xí hay lộng lẫy, dù đoan trang hay lăng loàn rồi cũng phải tìm một bến đỗ. Không con thuyền nào lênh đênh mãi được. Giờ mỗi lần gặp Thái, Thảo lại thêm lạnh nhạt. Ông Lương phó đoàn bắt đầu ra tay bằng những chiêu trò vặn vẹo, hạch sách Thảo. Mặc kệ, Thảo vẫn như ngọn đuốc cháy phừng phừng. Nước càng xối, lửa càng cháy mạnh. Đám đàn ông có tuổi ở đoàn như đống củi mục vừa thèm khát vừa bạt vía. Có cầu ắt có cung, rồi một gã bán vàng ở thị xã tìm vào. Hắn đi một chiếc xe phân khối lớn. Thảo ngày ngày ngồi vắt vẻo phía sau hắn, cặp chân dài dạng sang hai bên, ngực ưỡn, mắt sắc lạnh lùng không thèm nhìn ai.

Một đêm trực, Thái thức xem bóng đá bằng cái ti vi tậm tịt ở phòng bảo vệ. Sáng ra, anh choàng tỉnh dậy bởi sự ồn ào, nhốn nháo của mọi người trong đoàn. Sau một cú va chạm mạnh, Thảo bay ra khỏi chiếc xe phân khối lớn, chấn thương đầu và tắt thở. Gã bán vàng chỉ bị thương nặng, nằm trên xe cấp cứu với những cái ống thở như con bạch tuộc bị mắc cạn trên cát. Thái đứng nhìn xác Thảo, cái váy hai dây mới màu đỏ lẫn với màu máu. Cái váy hai dây màu đỏ, giống hệt cái váy đã từng làm anh nghẹt thở, từng cứu thoát anh khỏi bàn tay tử thần, giờ đã theo Thảo về cõi vĩnh hằng bằng một cách đau đớn. Nghe bảo lão bán vàng đưa Thảo đi diễn một show rất đặc biệt.

Thái trở về “phòng số 13”. Phía sau cánh cửa gỗ dán đầy bức hình các cô gái sexy của thập niên 90 đang nhìn anh như oán trách. “Sao mày không giành giật để chị ấy được ở lại với thế giới này?”, “Mày có biết chị ấy kiều diễm, cao ngạo nhưng cũng cô đơn lắm không?”... Trong ngăn kéo bàn, Thái nhặt được một bức ảnh cắt từ trang báo. Dưới bức hình em bé mồ côi cha mẹ có một dòng chữ ghi địa chỉ để nhận sự ủng hộ, giúp đỡ. Thái bàng hoàng, chỗ ấy cách nơi Thảo bị tai nạn không xa. Thảo kiếm được tiền ở những đâu? Nhưng tiền đi đâu hết trong cuộc đời của chị? Sao lại cứ phải là chiếc váy đỏ ấy?

Đám tang không có nổi một người chít khăn trắng. Thảo không có họ hàng, thân thích. Giờ Thái mới hiểu trong chị là một khoảng trống vắng như thế nào. Chị lặng lẽ nằm xuống dưới ba thước đất. Một đời xướng ca như bông hoa đỏ lấp lánh rồi rớt xuống nát nhàu. Tất cả mọi người trong đoàn đều đang khóc. Có thể ai cũng đều tiếc rằng mình không kịp làm một điều gì đó ân cần, quan tâm đến Thảo thì chị đã đi rồi. Không ai nhìn thấy Thái đang quay mặt đi về một phía khác của nghĩa trang. Hai tay Thái ôm ngực trái. Phía sau lưng anh, mặt trời cũng một màu đỏ rực đang lặn xuống. Màu đỏ hiện lên như một phép màu nhưng cũng là sự mất mát. Sau lưng anh, người ta đang hì hục lấp đất chôn cả mặt trời và một mối tình còn nguyên hơi ấm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Váy đỏ