Chương trình nghệ thuật phục vụ du lịch: Mô hình nào cho Hà Nội?

Trà Giang| 09/10/2021 15:01

(HNMCT) - Trong cuộc hội thảo về công nghiệp văn hóa Thủ đô mới đây, nhạc sĩ Quốc Trung trăn trở: “Hà Nội vẫn chưa thực sự thu hút du khách do thiếu những hoạt động văn hóa nổi bật”. Quả thật, trong khi nhiều nước đã biến nghệ thuật biểu diễn trở thành “đặc sản” du lịch, mang đến nguồn thu lớn thì Hà Nội vẫn đang loay hoay thử nghiệm, tìm mô hình thích hợp...

Cảnh trong show diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”.

"Trông người..."

Với những người yêu thích du lịch, khám phá văn hóa thì danh sách những “Chương trình phải xem” (Must-see show) luôn là điều ưu tiên tìm hiểu khi khám phá một điểm đến mới. Vì đơn giản, một show diễn nằm trong danh sách này không chỉ mang đến trải nghiệm nghệ thuật mới lạ, mà còn là cách dễ dàng nhất, xúc cảm nhất để nắm bắt “hồn cốt” văn hóa của từng đất nước, từng vùng miền.

Chẳng hạn, du khách đến với Thái Lan sẽ không thể bỏ qua show diễn nổi tiếng Siam Niramit, biểu diễn hằng đêm tại Nhà hát Ratchada. Trong thời điểm du lịch đất nước này chưa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, show diễn này lúc nào cũng kín người xem dù sức chứa của nhà hát lên tới 2.000 người.

Chỉ trong 80 phút xem show, du khách sẽ được trải nghiệm một hành trình lịch sử, văn hóa kéo dài hơn 700 năm, từ khi dựng nước cho đến Thái Lan hiện tại. Sân khấu Siam Niramit được Tổ chức kỷ lục thế giới Guiness công nhận là sân khấu có kích thước cao nhất thế giới, lên tới 11,95m, nơi "thu nhỏ cả đất nước Thái Lan", tái hiện sinh động lịch sử quốc gia này trong một không gian hoành tráng, có sự tham gia của 100 vũ công biến hóa với hơn 500 bộ trang phục.

Nổi tiếng khắp thế giới và được coi là đỉnh cao của nghệ thuật thực cảnh, không thể không nhắc tới 2 show diễn công phu của đạo diễn Trương Nghệ Mưu là “Tống Thành thiên cổ tình” và “Ấn tượng chị Ba Lưu”. Cả hai vở diễn này đều chinh phục người xem bởi mức độ hoành tráng của cảnh trí, hiệu ứng sân khấu, số lượng diễn viên lên tới hàng trăm người. Nhưng, điều thực sự lôi cuốn khán giả qua nhiều năm đó chính là chiều sâu văn hóa trong từng vở diễn.

“Tống Thành thiên cổ tình” là câu chuyện lịch sử Trung Quốc với những truyền thuyết vừa quen vừa lạ, mê hoặc lòng người. Nhạc kịch “Ấn tượng chị Ba Lưu” với sân khấu được dựng ngay trên mặt nước dòng sông Ly ở Quế Lâm, với nội dung lấy cảm hứng từ một truyền thuyết địa phương, do chính những người dân địa phương tham gia biểu diễn, đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao.

Nghĩ đến mô hình cho Hà Nội

Với sự nhanh nhạy vốn có, Hà Nội từ lâu đã đưa nghệ thuật trở thành một phần trong các tour du lịch. Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Múa rối Thăng Long, thậm chí cả Nhà hát Kịch Hà Nội đều từng có show diễn riêng phục vụ du khách. Nhà hát Cải lương Hà Nội còn áp dụng cả mô hình sân khấu song ngữ, chuyển dịch nhiều trích đoạn cải lương sang tiếng Anh... Với mô hình sân khấu trong nhà, Hà Nội từng có một số show diễn gây được tiếng vang như: “Ionah” với sự kết hợp hài hòa giữa các loại hình nghệ thuật xiếc, múa, kịch... trên nền sân khấu có hiệu ứng bắt mắt, diễn ra tại nhà hát Galaxy Láng Hạ; vở xiếc “Làng tôi” ở Nhà hát Lớn...

Với mô hình sân khấu thực cảnh, vở “Tinh hoa Bắc Bộ” cũng tạo được tiếng vang lớn với nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả. Tuy nhiên, chính những người làm du lịch cũng cảm thấy “thực đơn” đó chưa đủ sức hấp dẫn so với tiềm năng văn hóa quá lớn của Thủ đô, nhiều vở diễn có tuổi đời ngắn. Câu cửa miệng của khách du lịch “sáng rối, tối phở” cũng phản ánh phần nào điều đó.

Từ kinh nghiệm của thế giới cũng như kinh nghiệm của bản thân trong việc xây dựng thành công các chương trình phục vụ du lịch tại nhiều địa phương, đạo diễn Vạn Nguyễn cho rằng: “Hà Nội đã có một số chương trình thử nghiệm phục vụ du khách cả trong nhà lẫn ngoài trời. Ở góc độ nào đó, các chương trình đã đưa ra được một số chất liệu văn hóa của Hà Nội, hiện đại có, truyền thống có, ở trung tâm có, ở vùng ven có... nhưng nhìn chung chưa đáp ứng được một cách tốt nhất nhu cầu thưởng thức của du khách”.

Theo đạo diễn này, Hà Nội có quá nhiều chất liệu văn hóa để có thể tạo ra những sản phẩm nghệ thuật hoành tráng, tái hiện được lịch sử, con người, bản sắc văn hóa đất kinh kỳ và đây chính là yếu tố “mấu chốt” để tạo nên một show diễn “Must-see show” của Hà Nội. Không gian để thực hiện cũng rất nhiều, phù hợp với nhiều mô hình khác nhau, từ đặc biệt lớn đến những sân khấu nhỏ như tận dụng không gian trên cao là sân thượng của các tòa cao ốc... Tuy nhiên, không gian thực hiện phải đảm bảo yếu tố thuận tiện cho du khách, nếu lựa chọn các khu vực xa trung tâm thì phải kết hợp với các tuyến du lịch sao cho đảm bảo tiết kiệm thời gian, dễ di chuyển và đem lại nhiều trải nghiệm nhất có thể.

Ngoài yếu tố về nội dung, địa điểm, theo nhạc sĩ Quốc Trung: “Một dự án nghệ thuật đỉnh cao muốn thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước thì cần được đầu tư về mọi mặt, cần có tuổi đời hoạt động từ 5 - 10 năm. Việc tuổi đời các dự án nghệ thuật thường rất ngắn khiến giá thành sản xuất rất cao, nếu đầu tư về mọi mặt không đủ thì chương trình sẽ rơi vào cảnh qua loa, yếu ớt”. Thực tế, với một show diễn thực cảnh của nước ngoài, người ta thường tính tới tuổi đời từ 10 - 20 năm bởi mức độ đầu tư cải tạo cảnh quan, tạo dựng sân khấu là rất lớn...

Nhạc sĩ đề xuất: “Thành phố nên cởi mở hơn và xóa bỏ ranh giới giữa các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài nhà nước để tận dụng được nguồn lực xã hội hóa, đồng thời tạo nên sự cạnh tranh, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của toàn thành phố. Nên mạnh dạn giao các dự án của thành phố Hà Nội cho các đơn vị tư nhân có uy tín và năng lực; xây dựng chế độ quản lý chất lượng, chế độ ngân sách tài chính hợp lý để các đơn vị ngoài công lập được quyền tham gia và sử dụng ngân sách của Thành phố”.

Kinh nghiệm đã có, ý tưởng từ các nghệ sĩ cũng nhiều vô cùng, đó là những tiền đề quan trọng để Thủ đô có thêm quyết tâm đầu tư xây dựng những chương trình nghệ thuật xứng tầm, xứng đáng nằm trong danh mục “Must-see show” của bất cứ du khách nào khi đặt chân tới Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương trình nghệ thuật phục vụ du lịch: Mô hình nào cho Hà Nội?