Về Đàn Viên xem đèn kéo quân

Bài và ảnh: Bảo Khánh| 23/09/2021 10:58

(HNMCT) - Làng Đàn Viên (xã Cao Viên, huyện Thanh Oai) nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 23km. Nơi đây vốn là một vùng đất cổ thuộc tổng Đồng Dương (huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng). Đàn Viên xưa có 2 nghề truyền thống nổi tiếng là làm pháo và đèn kéo quân. Hiện, làng chỉ còn duy nhất nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền vẫn đau đáu giữ nghề làm đèn cho trẻ em mỗi dịp Trung thu. Cùng với đó, ngôi làng cổ vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống và là một trong những địa chỉ du lịch của huyện Thanh Oai.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Quyền - người cuối cùng giữ nghề làm đèn kéo quân ở làng Đàn Viên.

Dấu vết làng cổ

Theo các nguồn sử liệu, làng Đàn Viên thuộc xã Cao Viên, vốn là vùng đất thuộc khúc sông nơi sông Đáy đổi dòng. Ngày nay, dấu vết còn lại của vùng đất cổ chỉ là một dãy hồ, đầm hình móng ngựa nằm ở phía tây xã Cao Viên và một phần thuộc địa bàn huyện Chương Mỹ. Nhờ có dòng sông Đáy chảy qua nên đất đai ở đây khá màu mỡ. Xưa kia, người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề nông và hai nghề truyền thống là làm pháo và đèn kéo quân. Đàn Viên cùng với làng Bình Đà (xã Bình Minh) từng nổi tiếng với nghề làm pháo, chuyên cung cấp cho các tỉnh, thành trên cả nước mỗi dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, từ khi Nhà nước quy định cấm đốt pháo (năm 1995), hai làng nghề này chỉ còn tồn tại trong ký ức.

Làng quê Đàn Viên hôm nay đã đổi mới với cơ sở hạ tầng đáp ứng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhưng những dấu tích của ngôi làng cổ vẫn ẩn hiện sau những cánh đồng, ngõ xóm và nếp nhà cổ... Mặc dù tổng diện tích của làng chỉ hơn 7km2, nhưng xưa kia có tới 2 đình, 2 quán, 4 ngôi chùa, phần lớn đều có niên đại từ thế kỷ XVII. Hiện nay, do sự phân chia lại ranh giới giữa các làng nên Đàn Viên chỉ còn chùa Già, chùa Dấu, quán Trên, đình Soi, đình Đàn Viên... Những di tích này là nơi sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng quan trọng của người dân Đàn Viên.

Nghệ nhân cuối cùng của làng nghề đèn kéo quân 

Nghề làm đèn kéo quân ở thôn Đàn Viên có từ lâu đời nhưng người làng không ai còn nhớ chính xác nghề có từ bao giờ. Trước kia ở Đàn Viên có khoảng hơn chục hộ theo nghề, tuy nhiên do những thăng trầm thời cuộc nên hiện nay làng chỉ còn duy nhất Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Quyền (83 tuổi) còn giữ nghề. Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền là “người quen” của Bảo tàng Dân tộc học. Từ hơn 10 năm trước, ông đã thường xuyên có mặt tại bảo tàng để dạy các em nhỏ làm đèn kéo quân và các loại đồ chơi dân gian vào mỗi dịp Trung thu. Với ông, việc dạy trẻ em làm đồ chơi Trung thu vừa là cách để ông giữ gìn ký ức của mình, vừa để gieo cho các em tình yêu với trò chơi truyền thống và nguồn cội văn hóa của dân tộc.

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, cứ mỗi dịp Tết Trung thu, căn nhà nhỏ của gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền lại xếp đầy đồ chơi dân gian như đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn con cá... Các thành viên trong gia đình, từ người lớn đến trẻ nhỏ đều hỗ trợ ông làm các loại đèn theo đơn đặt hàng của các tổ chức, cá nhân. Trung bình mỗi mùa Trung thu, gia đình ông làm 500 - 700 chiếc đèn lồng các loại. Nhưng năm nay do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nên số lượng đơn hàng giảm đáng kể. Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền ngậm ngùi: “Năm nay do tình hình dịch căng thẳng, Thành phố thực hiện giãn cách xã hội nên gia đình tôi chỉ làm hơn 100 chiếc đèn. Thu nhập tuy không nhiều, nhưng mỗi năm còn được làm đèn và dạy các cháu nhỏ cách làm đồ chơi dân gian là niềm hạnh phúc của tôi. Tôi chỉ mong có người nối nghiệp để di sản văn hóa của cha ông không bị mai một trong cuộc sống hiện đại”.

Những năm trước, đồng hành với nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền trong việc giữ gìn nghề làm đèn kéo quân truyền thống còn có nghệ nhân Vũ Văn Sinh. Nhưng 3 năm trở lại đây, do điều kiện sức khỏe nên ông Sinh đã không còn làm nghề. Vậy là Đàn Viên chỉ còn duy nhất nghệ nhân cao tuổi Nguyễn Văn Quyền đau đáu với nghề truyền thống. Bên cạnh đó, người nghệ nhân ấy còn luôn nỗ lực để kết nối du khách đến với làng quê của mình.

Không ít lần, gia đình ông Quyền đã đón các đoàn khách “nhí” ở các trường mẫu giáo, tiểu học của Hà Nội về tham quan, lưu trú theo mô hình du lịch cộng đồng. Tại đây, chính ông là người kể cho các em nghe sự tích về cây đèn kéo quân, dạy các em cách làm đèn, qua đó, giáo dục cho các em về lòng yêu nước, tình cảm gia đình hay truyền thống hiếu học cùng những phong tục tập quán truyền thống. Đây là những gợi mở cho việc kết nối tour tuyến đến các làng nghề để huyện Thanh Oai bổ sung, đa dạng hóa sản phẩm du lịch trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về Đàn Viên xem đèn kéo quân