Đình Thượng Cung

Quỳnh Ngọc| 16/07/2021 05:34

(HNMCT) - Làng Thượng Cung (xã Tiền Phong, huyện Thường Tín) xưa có tên nôm là Kẻ Hống. Trong làng hiện còn nhiều công trình tôn giáo, tín ngưỡng lâu đời, trong đó có đình Thượng Cung - nơi thờ tam vị thành hoàng là 3 vị tướng thời nhà Lý đã có công giúp vua dẹp giặc.

Được khởi dựng vào năm Dương Hòa thứ 3 (1637), đình Thượng Cung mang đậm dấu ấn nghệ thuật kiến trúc thời Lê. Sau nhiều lần tu bổ, sửa chữa, đình có dáng dấp như hiện nay với quy mô lớn và lối kiến trúc hình chữ “công”. Tòa đại bái và hậu cung nối với nhau bằng gian ống muống. Đại bái gồm 3 gian 2 chái, bốn mái chảy dài với các góc đao cong. Các bộ vì chính có kết cấu 4 hàng chân, gồm các cột bằng gỗ lim, đường kính từ 40 - 50cm đặt trên các chân tảng bằng đá xanh. Các bộ vì được dựng kiểu “thượng thu, hạ thách” đặc trưng của thế kỷ XVII. Hậu cung gồm 1 gian 2 dĩ, được làm theo kiểu tường hồi bít đốc. Hai bộ vì có kết cấu kiểu “thượng chồng rường, nhị hạ kẻ”. 

Đặc sắc nhất trong phong cách kiến trúc của đình Thượng Cung là nghệ thuật chạm khắc mang dấu ấn của nhiều thời kỳ khác nhau. Trên các bộ vì nách ở hàng bẩy hiên và cốn là các mảng hoa văn trang trí mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII, với đề tài chủ yếu là rồng, phượng và cảnh sinh hoạt của con người...

Ngoài những con rường được chạm khắc hình rồng mang phong cách nghệ thuật của thế kỷ XVIII còn có các mảng chạm hình rồng mang phong cách đặc trưng của thế kỷ XIX, tạo nên sự đa dạng, độc đáo trong nghệ thuật trang trí của đình. Bên cạnh hình tượng rồng là đề tài về sinh hoạt của con người như tiên nữ cưỡi rồng, đấu vật, cưỡi ngựa, chăn voi... hay những mảng chạm mang đậm phong cách thời Nguyễn với tứ linh, tứ quý được thể hiện một cách cầu kỳ, chi tiết.

Trong đình Thượng Cung hiện còn lưu giữ nhiều cổ vật quý, gồm thần phả, sắc phong, long ngai, bài vị, kiệu bát cống, hoành phi, câu đối... Đặc biệt là bộ cửa võng ở tòa đại bái được làm bằng gỗ lớn, mang phong cách nghệ thuật thời Lê Trung hưng. Phía trên cửa võng là hình lưỡng long chầu nguyệt cùng 4 chữ “Thánh cung vạn tuế”.

Trải qua nhiều thế kỷ, đình Thượng Cung tuy có nhiều thay đổi nhưng về cơ bản vẫn giữ được phong cách kiến trúc đặc trưng của thế kỷ XVII. Năm 1991, đình được xếp hạng Di tích lịch sử - nghệ thuật kiến trúc cấp quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đình Thượng Cung