Để nếp sống văn hóa ''ăn sâu, bén rễ''

26/06/2021 12:07

(HNMCT) - Nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng là thiết chế văn hóa phổ biến, mang hơi thở đời sống nhân dân. Đóng vai trò vừa là nơi hội họp vừa là nơi vui chơi, giao lưu, gắn kết tình cảm của người dân, tuy nhiên, ở nhiều nơi, nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng vẫn chưa phát huy được hết hiệu quả. Hànộimới Cuối tuần đã ghi lại ý kiến của các nhà quản lý để cùng nhau phát huy tính hữu dụng của các địa chỉ này, góp phần đưa nếp sống văn hóa "ăn sâu, bén rễ" trong cộng đồng.

Bà Trần Thị Nga, Chủ tịch UBND phường Kim Giang (quận Thanh Xuân):
Điểm sinh hoạt cộng đồng ở nhiều nơi còn chật chội

Trên địa bàn phường Kim Giang, 7 khu dân cư đều có nhà hội họp và nhà sinh hoạt cộng đồng. Đây là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật của Nhà nước, các hoạt động văn hóa văn nghệ, là không gian sinh hoạt cho các CLB dưỡng sinh, đọc sách, yoga, khiêu vũ..., đồng thời cũng là không gian sinh hoạt hè cho thiếu nhi, nơi sinh hoạt thường kỳ của Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên... Mỗi nhà hội họp có một Ban quản lý, thường là do Trưởng ban Công tác mặt trận hoặc Tổ trưởng tổ dân phố đứng ra quản lý, chịu trách nhiệm phân chia lịch sinh hoạt cho các CLB, các hội, đoàn thể theo ngày giờ nhất định.

Trên thực tế, nhiều nhà hội họp, điểm sinh hoạt cộng đồng vẫn chưa phát huy hết chức năng. Nguyên nhân là do điểm sinh hoạt cộng đồng tại nhiều nơi có không gian hẹp, không thuận tiện cho người dân tập luyện thể thao cũng như tổ chức các hoạt động giao lưu, hội họp, sinh hoạt văn hóa văn nghệ... Các hoạt động cộng đồng thường không quy tụ được đông đảo người dân do phải chia thời gian hoạt động cho các nhóm, CLB...

Để các điểm sinh hoạt cộng đồng phát huy hiệu quả hơn, các cấp, ngành cần đầu tư cho các thiết chế này đủ điều kiện cơ bản, nên trang bị wifi, máy tính... để thu hút nhiều người tham gia, đặc biệt là các bạn trẻ. Trong bối cảnh Thành phố đang đẩy mạnh mô hình “chính quyền điện tử”, “chính quyền số” thì việc phủ sóng wifi tại các nhà hội họp là cần thiết. Hơn nữa, người dân cũng có thể khai báo dịch vụ công bước đầu ngay tại nhà hội họp.

Ông Trần Văn Lợi, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thanh Oai:
Vai trò quan trọng của người đứng đầu

Thực tế tại huyện Thanh Oai cho thấy nhà văn hóa đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người dân địa phương. Hầu hết các hoạt động của cộng đồng dân cư đều tập trung về nhà văn hóa. Đó là nơi các chi bộ, đoàn thể họp định kỳ; là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, lễ hội, khuyến học, các hoạt động của các CLB văn hóa, văn nghệ, thể thao, gần đây là hầu hết các đám cưới trong thôn. Với ý nghĩa và tầm quan trọng như vậy nên trong những năm qua, huyện Thanh Oai đã rất quan tâm tới việc xây dựng, duy trì hoạt động của nhà văn hóa các thôn. Hiện nay, 100% các thôn, tổ dân phố đã có nhà văn hóa và nơi sinh hoạt cộng đồng. Tại các nhà văn hóa thôn và điểm sinh hoạt cộng đồng của tổ dân phố đều có niêm yết nội dung quy tắc ứng xử ở nơi công cộng, có tủ sách dành cho mọi lứa tuổi đến tham khảo, trau dồi kiến thức...

Tôi cho rằng, để thu hút được nhiều người tham gia vào các hoạt động của nhà văn hóa, vai trò của người đứng đầu là rất quan trọng. Tại nhiều địa phương, hiện vẫn có những nhà văn hóa thường xuyên để trống hoặc các hoạt động văn hóa thưa thớt, kém hiệu quả. Nguyên nhân đầu tiên là do cách thức tổ chức, quản lý còn hạn chế. Tiếp đó, do phong tục tập quán, người dân quen nếp sinh hoạt văn hóa ở đình, chùa nên ngại đến nhà văn hóa, hoặc có những nơi bố trí nhà văn hóa ở vị trí không phù hợp, chật chội, xa khu dân cư... Chính vì thế, muốn phát huy vai trò của nhà văn hóa trong việc xây dựng nếp sống văn hóa cơ sở, trước hết phải có sự quan tâm của lãnh đạo các cấp đối với nhà văn hóa. Như ở huyện Thanh Oai, mục tiêu đến năm 2025, 100% nhà văn hóa thôn đạt chuẩn đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 23 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, để tăng cường quản lý và tổ chức cho các nhà văn hóa thôn trên địa bàn hoạt động hiệu quả, UBND huyện đã ban hành quy chế quản lý nhà văn hóa.

Tiếp đó, chúng ta cần gắn trách nhiệm của các cấp, ngành liên quan với việc tổ chức hoạt động, quản lý, đầu tư về trang thiết bị cần thiết đối với nhà văn hóa. Trên cơ sở quy chế quản lý nhà văn hóa của huyện, các thôn ban hành nội quy quản lý, khai thác, sử dụng nhà văn hóa một cách nền nếp, hiệu quả, dân chủ, công khai. Bên cạnh đó, cần có sự giám sát, kiểm tra thường xuyên của các cấp quản lý và đặc biệt là sự vào cuộc của các cơ quan, đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... thì mới mong thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia, qua đó duy trì các hoạt động văn hóa một cách thường xuyên, rộng khắp.

Bà Nguyễn Thị Minh Phương, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thạch Thất:
Quan tâm tới chế độ cho Ban chủ nhiệm nhà văn hóa thôn

Xác định rõ vai trò, vị trí quan trọng của nhà văn hóa trong đời sống xã hội nên huyện Thạch Thất rất quan tâm đến việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa này. Đến nay, tại huyện Thạch Thất, đa số thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa; 100% thôn có nhà hội họp và sinh hoạt cộng đồng. Đối với các thôn chưa có nhà văn hóa, UBND huyện đã có lộ trình đầu tư xây dựng giai đoạn 2021 - 2025; có kế hoạch đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị hoạt động tại các thiết chế này.

Tuy nhiên, quá trình vận hành nhà văn hóa hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong công tác quản lý. Hầu hết các nhà văn hóa thôn đều được giao cho Trưởng thôn quản lý mà không có kinh phí chi trả thù lao. Hơn nữa, họ cũng không được đào tạo về chuyên môn hay được tập huấn về nghiệp vụ nhiều.

Chính vì thế, để phát huy hơn nữa vai trò của nhà văn hóa, tôi cho rằng cần quan tâm tới chế độ cho Ban chủ nhiệm nhà văn hóa thôn để động viên, khích lệ lực lượng này. Tôi mong Thành phố quan tâm, mở các lớp đào tạo, tập huấn về chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm văn hóa ở cơ sở để phát huy hơn nữa vai trò của thiết chế văn hóa trong các hoạt động tuyên truyền, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ở cơ sở.

Bên cạnh đó, việc đầu tư cơ sở vật chất, lắp đặt thiết bị, dụng cụ tập luyện thể thao ngoài trời, các thiết bị vui chơi giải trí cho trẻ em, người già... cũng sẽ thu hút người dân tham gia các hoạt động tập thể. Cũng cần bổ sung nhiều đầu sách cho tủ sách nhà văn hóa nhằm khuyến khích việc đọc. Có như vậy thì hệ thống thiết chế văn hóa này mới góp phần tích cực vào việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, gắn kết tình làng nghĩa xóm và góp phần xây dựng nông thôn mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để nếp sống văn hóa ''ăn sâu, bén rễ''