Người Hà Nội qua góc nhìn văn nghệ dân gian

Thụy Du| 28/02/2021 07:39

(HNM) - Cuốn sách “Hình ảnh người Hà Nội trong văn nghệ dân gian thời cận - hiện đại” do Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội thực hiện, Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành, đã cho người đọc cảm nhận rõ sự tinh tế, ý chí, khí phách đặc biệt của những người dân Thủ đô trong hơn 100 năm qua.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết, trong đề tài chung của Hội Liên hiệp văn học, nghệ thuật Hà Nội về “Hình ảnh người Hà Nội trong văn học, nghệ thuật cận - hiện đại”, từ năm 2003, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội chọn thực hiện đề tài nhánh “Hình ảnh người Hà Nội trong văn nghệ dân gian thời cận - hiện đại” với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian hàng đầu Thủ đô. “Xét ở nhiều góc độ, văn nghệ dân gian là nơi tích tụ được nhiều và đa dạng nhất những hiện tượng văn hóa của Thủ đô nghìn năm, trong đó chứa đựng con người Hà Nội. Những câu ca dao, tục ngữ, sinh hoạt lễ hội, món ăn, thú chơi… Tuy không nhắc về con người cụ thể, song thấp thoáng trong đó là hình ảnh người Hà Nội với đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi, trình độ học vấn và tính cách, lối ứng xử, tri thức của họ”, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý nhận định.

Cuốn sách “Hình ảnh người Hà Nội trong văn nghệ dân gian thời cận - hiện đại” dày gần 200 trang, nhìn nhận người Hà Nội qua 4 vấn đề lớn của văn nghệ dân gian mà Ban Chủ nhiệm đề tài đã quyết định chọn: “Hình ảnh người Hà Nội thời cận - hiện đại qua văn học dân gian”, “Hình ảnh người Hà Nội thời cận - hiện đại qua lễ hội dân gian”, “Hình ảnh người Hà Nội thời cận - hiện đại qua ẩm thực dân gian”, “Hình ảnh người Hà Nội thời cận - hiện đại qua các thú chơi”.

Trong phần “Hình ảnh người Hà Nội thời cận - hiện đại qua văn học dân gian”, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Huế tổng hợp nhiều câu chuyện dân gian, ca dao, tục ngữ, phương ngôn thể hiện người Hà Nội với truyền thống hiếu học, yêu nước, chăm chỉ, tinh nghề, đặc biệt là có tinh thần quật cường, chiến đấu anh dũng vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Còn qua các lễ hội dân gian thời cận - hiện đại, các tác giả Lê Trung Vũ, Lê Hồng Lý tổng luận, hình ảnh người Hà Nội được thể hiện ở các hành vi ứng xử, những nghi lễ, cách thức tổ chức, tham gia các lễ hội rất trí tuệ, khoa học, có óc thẩm mỹ cao.

Qua các thú ăn, thú chơi được nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Bảy và Giang Quân tổng hợp trong phần ẩm thực dân gian và thú chơi, người Hà Nội hiện lên hào hoa, phong nhã, tinh tế và khéo léo. Họ biết biến những món ăn, thú chơi dân dã, thôn quê thành thứ đặc sản quý báu ở một tầm cao hơn cả về trí tuệ, thẩm mỹ. Họ cũng biết thu lượm những tinh hoa của người nước ngoài và cải biến chúng thành thứ của người Hà Nội với sắc thái riêng tinh tế, thanh lịch, điển hình như bò bít tết, thịt kho tàu hay xôi trắng lạp xưởng…

Đọc cuốn sách “Hình ảnh người Hà Nội trong văn nghệ dân gian thời cận - hiện đại”, độc giả thấy ở mỗi trang viết của các nhà nghiên cứu là những kiến thức sâu rộng về người Hà Nội trong hơn 100 năm qua, thể hiện bằng văn phong giản dị, mộc mạc. Đặc biệt, qua 4 vấn đề lớn đề cập trong cuốn sách, người Hà Nội đã hiện lên với tầm học vấn rộng, hiểu biết sâu sắc và sự đậm đà, mềm mỏng, khiêm tốn, đậm chất Á Đông, đồng thời luôn mang ý chí và khí phách của những con người có văn hóa, biết mình, biết người. 

Dù đây chưa phải là một công trình khảo cứu dài hơi, chỉ là những cố gắng bước đầu của tập thể tác giả với tình yêu tha thiết Thủ đô nơi họ sinh sống và làm việc, song cuốn sách gợi mở nhiều điều cho những sưu tầm, nghiên cứu chuyên sâu về sau, để tiếp tục làm nổi bật và thể hiện niềm tự hào về người Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người Hà Nội qua góc nhìn văn nghệ dân gian