Như cánh vạc bay...

Nguyễn Hiếu| 27/02/2021 06:22

(HNMCT) - Sự ra đi vĩnh viễn của Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Hoàng Dũng đã trở thành nỗi mất mát lớn lao của giới sân khấu Hà Nội nói riêng và sân khấu - điện ảnh Việt Nam nói chung. Với cá nhân tôi, là một nhà văn, nhà viết kịch, tôi xem Hoàng Dũng là diễn viên thuộc thế hệ sau đã kế tiếp thành công “thế hệ vàng” Trọng Khôi, Đoàn Dũng, Trần Tiến, Nguyệt Ánh... khi tiếp nối lối diễn được xếp vào hàng mẫu mực của nghệ thuật biểu diễn.

1. Sân khấu Hà Nội có đủ các loại hình từ xiếc, chèo, cải lương... nhưng phải nói rằng kịch nói là loại hình ghi dấu đậm nét nhất không chỉ ở số lượng mà cả ở chất lượng. Với tôi, một người luôn mến yêu và chăm chú theo dõi Đoàn Kịch nói Hà Nội - sau này là Nhà hát Kịch Hà Nội, tôi nhận thấy giai đoạn NSND Hoàng Dũng làm Giám đốc, "chất Hà thành” được biểu hiện khá đậm nét. "Chất Hà thành” ấy có lẽ bắt nguồn từ bản thân Giám đốc Hoàng Dũng, người gắn bó từ thuở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành tại mảnh đất kinh kỳ. Tròn 10 năm giữ vai trò là người đứng đầu Nhà hát Kịch Hà Nội, anh luôn ưu tiên đi tìm và dàn dựng những kịch bản viết về Hà Nội, để từ đó các vở kịch “Người tốt nhà số 5”, “Hà Nội đêm trở gió”, “Ăn mày dĩ vãng", “Những người con Hà Nội”... lần lượt ra đời. Đặc biệt là vở kịch “Tiếng đàn vùng Mê Thảo” rõ cốt cách Hà Nội được chuyển thể từ truyện vừa “Chùa Đàn” của nhà văn Nguyễn Tuân. 

Là người viết kịch bản, tôi có nhiều cơ hội làm việc với NSND Hoàng Dũng và điều làm tôi ấn tượng nhất về anh chính là sự am hiểu và tình yêu Hà Nội. Hoàng Dũng luôn muốn kịch mục của Nhà hát Kịch Hà Nội phải mang dấu ấn của thành phố này. Trong một lần làm việc về kịch bản “Tiếng hú của sói con” do tôi viết, anh nói: “Em rất muốn các tác giả Hà Nội viết về Hà Nội, vì em biết chỉ sống và có tình yêu da diết với thành phố này thì mới hiểu một cách tường tận cái mình phản ảnh”. Trong lần Hoàng Dũng đặt tôi viết kịch bản “Mùa sấu” kể về mối tình của một điệp viên Hà Nội với cô bán hàng rong, nhờ gợi ý của anh, sau này tôi đã rất hài lòng về phân cảnh cặp tình nhân chia tay nhau ở sân ga Hàng Cỏ trong tiếng ghi ta bập bùng vang lên cùng tiếng hát “Anh cách xa em mấy mùa sấu chín” đậm chất Hà Nội. Lần sau cùng Hoàng Dũng lại đặt tôi viết một kịch bản về thanh niên nông thôn ra Hà Nội kiếm sống. Khi đặt vấn đề, Hoàng Dũng nhắn nhủ: “Ngoại thành Hà Nội đang đô thị hóa, sẽ mất đi nhiều vẻ đẹp và nghề truyền thống đã làm nên “thương hiệu” 36 phố phường, anh cố gắng phản ảnh được sự biến đổi cần thiết nhưng quả tình là hơi buồn đó nhé"... Càng nghe anh chia sẻ, nhìn cách anh làm việc tôi càng nhận ra tình yêu của anh với Hà Nội lớn lao đến thế nào.

NSND Hoàng Dũng được xem là "linh hồn" của Nhà hát Kịch Hà Nội.

2. Sự nghiệp của NSND Hoàng Dũng gắn liền với Nhà hát Kịch Hà Nội. Khi anh chính thức bước vào nghề diễn cũng là lúc lứa diễn viên gạo cội của Đoàn Kịch nói Hà Nội như Trần Kiếm, Trần Hạnh, Trần Sơn, Đức Lưu, Lê Mai, Hoàng Cúc... đã cao tuổi và lần lượt về nghỉ theo chế độ. Khi đó, Hoàng Dũng với tài năng diễn xuất cùng vai trò sư phạm của mình (anh đã giảng dạy tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, các lớp diễn xuất của VFC và một số trung tâm nghệ thuật…) đã có công lớn trong việc vực dậy, tạo nên nhiều thế hệ diễn viên. Không ít trong số họ đã được cùng thầy mình tham gia những bộ phim, vở kịch như Hồng Đăng, Bảo Anh, Việt Anh, Thanh Hương, Quốc Trường, Chí Nhân... Tài năng trong diễn xuất cùng cái tâm của người thầy đã khiến Hoàng Dũng không chỉ được các thế hệ học trò mà còn nhiều diễn viên trẻ tuổi trân trọng gọi là “bố”. Diễn viên Thanh Hương khẳng định: “Không có thầy Hoàng Dũng thì không có Thanh Hương như ngày nay".  

NSND Hoàng Dũng đã gặt hái được không ít giải thưởng danh giá. Năm 2004, anh nhận Giải Cánh diều vàng cho nam diễn viên xuất sắc với vai diễn trong phim "Tiếng cồng định mệnh". Năm 2007, Hoàng Dũng được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSND. Trong Giải VTV Awards 2017, anh nhận Giải diễn viên nam được ưa thích nhất với vai Phan Quân trong phim "Người phán xử”...

Cái đọng lại nhiều nhất trong lòng khán giả về Hoàng Dũng có lẽ là phong cách diễn xuất mẫu mực và cổ điển. Anh nghiên cứu kỹ nhân vật mà mình đảm nhiệm, bất kể đó là nhân vật chính, phụ hay chỉ là "nhân vật lướt qua"... để có thể bộc lộ chân thật nhất tính cách và thần thái của nhân vật.

Không chỉ chú ý đến “chất Hà thành” trong kịch mục của Nhà hát Kịch Hà Nội mà ngay trong cách diễn, "chất Hà thành" cũng được Hoàng Dũng chú trọng và thể hiện rất rõ. Phát âm tiếng Hà Nội chuẩn, thể hiện đài từ rất linh hoạt, có cách nhấn nhá câu thoại làm rõ tính cách nhân vật, anh tự xây dựng cho mình phong cách diễn khá đĩnh đạc, sang trọng và lịch lãm. Đặc biệt, vai Bá Nhỡ của Dũng trong vở kịch “Tiếng đàn vùng Mê Thảo” được coi là mẫu mực của sân khấu đương đại. Qua vai diễn Bá Nhỡ, khán giả cảm nhận đầy đủ về thần thái của một nghệ sĩ "rút ruột tằm" cho nghệ thuật và chứa đủ chất hào hoa, thanh lịch của người Hà Nội một thời. Trong một lần trả lời phỏng vấn về bí quyết thành công trên sàn diễn, Hoàng Dũng nói: “Tôi không có bí quyết gì ngoài tình yêu nghề và lòng tự trọng”.

NSND Hoàng Dũng thể hiện rất xuất sắc trong nhiều bộ phim truyện và phim truyền hình.

3. NSND Hoàng Dũng được đào tạo là diễn viên kịch nói và đã đạt được nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý nhưng người xem cũng ghi nhận tài năng của anh trong điện ảnh, nhất là sau khi anh nghỉ hưu. Dường như phong cách diễn như thật, diễn dung dị của Hoàng Dũng sang điện ảnh lại càng có đất tung hoành, đặc biệt là vai diễn trong phim "Những ngày không quên", "Đàn trời", "Đi qua bóng tối", "Về nhà đi con", "Người phán xử", "Sinh tử".

Sở trường và cũng là sở thích của Hoàng Dũng ở những tuyến nhân vật mà diện mạo bên ngoài khác tính cách và nội tâm đã thực sự được “như ý” khi anh thăng hoa trong những vai diễn để đời như Phan Quân ("Người phán xử") hay Trần Nghĩa ("Sinh tử")... Với nhân vật Phan Quân trong "Người phán xử", Hoàng Dũng đã lột tả một cách tài tình hình ảnh một ông trùm trong lúc điều hành đường dây tội ác và khi trở về nhà mình ở vị trí của người cha. Không phải ngẫu nhiên mà giới chuyên môn đánh giá nhân vật Phan Quân là vai diễn hay nhất (vai diễn giúp Hoàng Dũng được vinh danh là "Diễn viên nam ấn tượng") trong sự nghiệp của Hoàng Dũng. Còn với riêng tôi, vai Chủ tịch tỉnh Trần Nghĩa trong phim "Sinh tử" mới thực sự bộc lộ toàn bộ tài năng đa dạng, sự nắm bắt trọn vẹn những mặt khác biệt của tính cách nhân vật của Hoàng Dũng. Vào vai Trần Nghĩa, Hoàng Dũng thể hiện rõ nét một cán bộ lãnh đạo có lương tâm nhưng vì con vì gia đình mình nên có nhiều biểu hiện cá nhân...

Như một cánh vạc cần mẫn, Hoàng Dũng đã bay đi. Những dòng tâm huyết này là để biểu cảm những gì tôi hiểu về Hoàng Dũng - một vị giám đốc nghệ thuật có tình yêu và trách nhiệm với Hà Nội, một nghệ sĩ lớn - với lòng biết ơn và nỗi xót thương trước sự ra đi của một con người trót mang nghiệp diễn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Như cánh vạc bay...