Người miệt mài với văn nghệ dân gian

Trần Văn Mỹ| 21/02/2021 07:44

(HNM) - Giáo sư, Tiến sĩ Kiều Thu Hoạch - người con của “Đà giang, Tản Lĩnh nước non quê”, là hội viên sáng lập Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội. Ông được các hội viên kính trọng gọi là “cây cầu nối thế hệ”, bởi ông luôn tận tình hướng dẫn những người nghiên cứu đi sau tiếp cận với kho tàng văn hóa quý giá của dân tộc. Bước vào mùa xuân năm Tân Sửu 2021, Giáo sư, Tiến sĩ Kiều Thu Hoạch đã ở tuổi 87, song vẫn miệt mài nghiên cứu và đóng góp cho văn nghệ dân gian.

Giáo sư, Tiến sĩ Kiều Thu Hoạch sinh năm 1934 tại thị xã Sơn Tây. Với bản tính cần cù, lại được các bậc túc Nho, đặc biệt là Giáo sư Đặng Thai Mai tận tình dìu dắt, nên ông đã sớm tiếp thu được phương pháp nghiên cứu liên ngành, vừa truyền thống, vừa hiện đại. Ông từng là Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian (nay là Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa dân gian.

Thông thạo chữ Hán và chữ Nôm, Giáo sư, Tiến sĩ Kiều Thu Hoạch có những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu văn học, văn hóa dân gian. Ông là tác giả cuốn “Giai thoại văn học Việt Nam” (Nhà Xuất bản Văn học), “Văn học dân gian người Việt - Góc nhìn thể loại” (Nhà Xuất bản Khoa học xã hội), “Truyện Nôm - Lịch sử phát triển và thi pháp thể loại” (Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam)… Năm 2008, ông phiên âm, khảo dị, chú thích cuốn “Thơ Nôm Hồ Xuân Hương” do Nhà Xuất bản Văn học ấn hành. Cuốn sách được ông ấp ủ, nghiền ngẫm thực hiện trong hơn 40 năm. Với phương pháp nhận diện thơ trực tiếp từ các văn bản chữ Nôm, cuốn sách được đánh giá là công trình khoa học hoàn chỉnh, đầy đủ, trung thành với văn bản, dịch nghĩa, dịch thơ, khảo cứu, chú giải, chú thích về những bài thơ bất hủ của “Bà chúa thơ Nôm”.

Đặc biệt, Giáo sư, Tiến sĩ Kiều Thu Hoạch còn là tác giả của cuốn “Góp phần nghiên cứu lịch sử, văn hóa Việt Nam” (Nhà Xuất bản Thế giới), với phương pháp nghiên cứu liên ngành, nhiều tư liệu, cứ liệu tin cậy, góp phần quan trọng trong việc khám phá, tìm hiểu văn hóa, bản sắc Việt của ông cha ta. Cuốn sách đã đoạt giải A, hạng mục Sách hay, Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ nhất (trao năm 2018).

Giáo sư, Tiến sĩ Kiều Thu Hoạch còn là người nặng lòng với nghiên cứu văn hóa, văn nghệ Hà Nội. Cuốn “Xứ Đoài” của ông là tập khảo cứu công phu về vùng đất “phên giậu” nằm ở phía Tây thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay. Cuốn sách dày 380 trang, do Nhà Xuất bản Văn hóa dân tộc ấn hành, bìa được họa sĩ Văn Sáng vẽ cách điệu núi Tản, sông Đà, lấy các gam màu xanh đan xen làm chủ đạo, cuốn hút người đọc ngay khi cầm trên tay. Ở trang đầu của sách, tác giả đã trích in 2 khổ thơ bài “Tây tiến” của Quang Dũng và lời đề “Kính tặng tất cả những ai từng có một thời để nhớ xứ Đoài”.

Sách gồm 6 chương, kể về thiên nhiên, văn hóa, con người nơi đây, như các danh thắng: Đình Tây Đằng, chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Mía…; làng nghề thủ công truyền thống, như làng nghề tre, gỗ Chàng Sơn, rối nước làng Ra, làng gốm Phú Nhi, làng đá ong Đường Lâm… Bên cạnh đó, tác giả cũng giới thiệu về kho tàng văn học dân gian xứ Đoài, các danh nhân: Trạng nguyên Nguyễn Trực, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan; các danh sĩ Nguyễn Bá Lân, Phan Huy Ích, Tản Đà… Cuối sách có phụ lục giới thiệu tác phẩm “Lâm tuyền vãn” (Phùng Khắc Khoan), truyện “Sơn Tinh, Thủy Tinh” (Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái)... 

Đọc các tác phẩm nghiên cứu của Giáo sư, Tiến sĩ Kiều Thu Hoạch về văn nghệ dân gian Việt Nam và Hà Nội, độc giả thấy ở mỗi trang viết của ông chứa đựng những kiến thức sâu rộng về lịch sử, địa lý, ngôn ngữ…, thể hiện bằng văn phong giản dị, chứa chan tình cảm.

Ở tuổi 87, ông vẫn không ngừng nghiên cứu, sáng tạo. Hiện ông đang hoàn thiện phiên âm, chú giải tác phẩm thơ Nôm của Nguyễn Trãi và Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đây cũng là những công trình nghiên cứu đồ sộ và sắp được xuất bản. Đồng thời, ông vẫn tận tình giúp đỡ các thế hệ nối tiếp thực hiện nhiều luận văn tốt nghiệp đại học và trên đại học. Là nhà nghiên cứu cùng thời với Giáo sư Bùi Văn Nguyên, nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán…, “cây cầu nối thế hệ” Kiều Thu Hoạch điềm đạm và vững chãi, góp phần giúp thế hệ hôm nay hiểu sâu hơn về kho tàng văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người miệt mài với văn nghệ dân gian