Cốt cách Thăng Long - Hà Nội trong dòng chảy lịch sử

Phạm Hoàng Lương Phong| 11/02/2021 16:01

(HNM) - Chúng ta đã nói rất nhiều về cốt cách Thăng Long - Hà Nội như một biểu tượng về những nét trội, những điểm nhấn trong văn hóa Tràng An, văn hóa Kinh kỳ, văn hóa Thăng Long xưa, văn hóa Hà Nội nay như một nhân tố mang tính liên tục, dễ nhận thấy, được hình thành, vun đắp qua nhiều đời. Vậy, cốt cách Thăng Long - Hà Nội như một biểu tượng hay như một biểu hiện cụ thể? Nó vừa khái quát, vừa cụ thể, vừa như một biểu tượng, vừa hiện hình ra trong những nét ứng xử mang tính thương hiệu của đất và người Thủ đô.

Ảnh: Trần Anh

Các nhà nghiên cứu đã tổng kết rằng, văn hóa Thăng Long - Hà Nội được hình thành cùng với những lớp cư dân đầu tiên cư trú ở mảnh đất này, nhưng nó được bồi đắp, kết tinh, trở thành biểu tượng cho những đặc trưng nhân văn, hào hoa, tinh túy, năng động và giàu tính chất khai phóng của văn hóa Việt Nam. Khi khai quật Hoàng thành Thăng Long trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã phát hiện ra rất nhiều lớp văn hóa từ thời Tiền Thăng Long, Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Nó là bằng chứng về quá trình “lắng hồn núi sông ngàn năm” ở nơi đây.

Cái hồn cốt của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội hiện hình ra trong những lớp giá trị vật chất và tinh thần, phong phú, đa dạng mà mỗi một khía cạnh cần đến một công trình nghiên cứu công phu, toàn diện mới lý giải hết được. Bài viết này chỉ xin bàn về một góc nhỏ những giá trị tinh thần đã được chưng cất, kết tinh, hội tụ và lan tỏa trong đời sống.

1. Những cư dân từ các vùng quê khác ngoài Hà Nội thường bị cuốn hút bởi chất hào hoa, phong nhã, nổi trội, hơn người trong cốt cách văn hóa Hà Nội. Tinh túy, chọn lọc nhưng không đến mức cầu kỳ, khó theo, khó học; dịu dàng, lịch lãm trong nết ăn, ở khiến người khác muốn gần, muốn theo nhưng luôn đúng mực; thân thiện nhưng không vồ vập, lịch sự mà không thành xa cách; tinh hoa nhưng không đến mức xa vời; tự tin nhưng không tự phụ; mực thước nhưng không bảo thủ, mà luôn tiềm ẩn những nhân tố khai mở, đi đầu, luôn vượt thoát để hướng đến những giá trị mới của dân tộc và nhân loại…

Cốt cách ấy lặn sâu trong đời sống hằng ngày, từ việc lớn đến việc nhỏ nhưng luôn thể hiện ra cái “chất Hà Nội” trong mọi biểu hiện cụ thể, nên chỉ cần tiếp xúc và quan sát đã có thể nhận ra. Nét sang trọng, tinh hoa này thường được hình thành qua nhiều đời, có sự lựa chọn ở cả khía cạnh nhận thức, ở trong những biểu hiện tự nhiên như là một nếp nhà vốn phải thế, hợp với đạo lý, vừa mắt ta ra mắt người, tạo thành một hệ giá trị mà từng thành viên trong gia đình đều thấy mình có nghĩa vụ xây dựng, vun đắp thành truyền thống gia đình, dòng họ, lan ra cộng đồng. Khi những giá trị ấy được lựa chọn, sàng lọc, kết tinh lại lan tỏa ra cộng đồng, dần dần trở thành những chuẩn mực, thành biểu tượng có vai trò dẫn dắt những người khác học và làm theo. Nó bộc lộ trong một không gian gia đình, trong lựa chọn nghề nghiệp, học vấn, nếp sống…, ở một cộng đồng mà ngay cả trong những giờ phút khốc liệt nhất của chiến tranh, hay trong những sự kiện lớn nào đó nét đẹp ấy vẫn tồn tại như một biểu tượng của giá trị.

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng - một người Hà Nội, đã viết rất hay về cảnh đón cái Tết Độc lập đầu tiên. Rất nhiều người Hà Nội đã làm cỗ không phải để những thành viên trong gia đình chung vui trong phòng khách, mà bày ra trên hè mời tất cả những người qua đường cùng hưởng hương vị Tết Độc lập đầu tiên sau bao năm trường nô lệ. Cái ung dung, tự tại giữa hai cuộc chiến qua tư thế của những người lính trực chiến trên nóc cầu Long Biên, vẻ bình thản, vững vàng của những cô tự vệ trước thử thách chiến tranh, khiến nhà thơ Bằng Việt tìm thấy sự bình yên khi trở lại trái tim mình. Không phải ngẫu nhiên mà văn sĩ Blaga Đimitrova ví Hà Nội như lương tâm của nhân loại và giữa bom đạn đầy trời vào cuối năm 1972, bà tìm thấy sự yên ổn của lòng mình.

Ảnh: Trúc Quỳnh

2. Văn hóa Hà Nội, cốt cách Hà Nội vừa là những nét tinh túy của những người Kẻ Chợ dựng xây nên, vừa thu nạp, làm sâu sắc thêm, thăng hoa lên những tinh túy của vùng miền khác, đất nước khác. Bởi, không như ở đâu, Hà Nội là Thủ đô của một đất nước có nghìn năm lịch sử văn hiến, là môi trường luôn mở rộng khả năng tiếp nhận, nhưng cũng là nơi thử thách, mang tính cạnh tranh và chọn lọc mạnh mẽ nhất. Chỉ những gì tinh hoa, nổi trội nhất mới có điều kiện bám rễ vào đời sống Hà Nội, trở thành những yếu tố nội sinh mới cho sự phát triển.

Về quy luật, tính chất giao thoa, hỗn dung, chọn lọc văn hóa ở đâu cũng có, nhưng ở Thăng Long - Hà Nội diễn ra với cường độ mạnh nhất, triệt để nhất. Thăng Long - Hà Nội như nơi gieo mầm và cũng là nơi kiểm nghiệm, sàng lọc các giá trị của các nét đẹp vùng miền, các giá trị của dân tộc khác, trong đó cốt lõi của những nét đẹp ấy, suy cho cùng đều là tình yêu với con người, cộng đồng...

Cốt cách văn hóa của Thăng Long - Hà Nội cũng chính là bản lĩnh tinh thần, là sức mạnh nội sinh của dân tộc. Điều mà Đức Lý Thái Tổ với tầm nhìn vượt thoát thời đại, vượt thoát khỏi những lợi ích của dòng họ, vương triều, dũng cảm rời bỏ sự bình yên, chấp nhận thử thách để đặt những nền móng đầu tiên cho cơ đồ Hà Nội hôm nay. Các triều đại Lý, Trần, Mạc, Lê, Nguyễn và thời đại Hồ Chí Minh nối tiếp nhau xây đắp thêm cho truyền thống ấy trở thành tài sản quý của đất nước. Ngay cả thời nhà Hồ, nhà Nguyễn, Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội không còn được chọn làm kinh đô của nhà nước phong kiến, mảnh đất này vẫn là trung tâm văn hóa, khoa học hàng đầu của đất nước. Đây không chỉ là địa linh sinh nhân kiệt, mà các nhà văn hóa lớn của đất nước, dù sinh ra ở nơi khác nhưng để thành danh, có sự nghiệp lẫy lừng lưu danh hậu thế cũng đã từng sinh sống, làm việc và xây dựng sự nghiệp của mình gắn với Thủ đô. Chỉ cần nhìn vào không gian văn hóa Văn Miếu - Quốc Tử Giám, lướt qua những tấm bia ghi lại hành trạng, sự nghiệp của các vị là đủ thấy vùng đất của núi Nùng, sông Nhị này đã nuôi dưỡng và làm thăng hoa tài năng, nhân cách của họ.

Và kỳ lạ, những trận đánh mang ý nghĩa kết thúc chiến tranh, đem lại hòa bình cho đất nước, những trận đánh bẻ gãy ý đồ xâm lược của kẻ thù cũng diễn ra ở đây. Cả võ công, văn trị rạng rỡ nhất của các bậc anh hùng dựng nước cũng đều gắn với Thăng Long - Hà Nội. Điều đáng nói, không chỉ có tinh thần ấy, võ công ấy, mà cả cách bộc lộ ra cốt cách ấy đều in đậm dấu ấn của Thăng Long - Hà Nội mến yêu - Thành phố Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình.

Giữ gìn và phát huy vốn quý ấy là trách nhiệm của mọi công dân. “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội” không phải chỉ là trách nhiệm, mà còn là tình cảm, là đòi hỏi của mỗi con dân nước Việt. Vào những thời khắc thử thách, cần sự dũng cảm và sáng suốt để vượt qua chính mình, cốt cách Thăng Long - Hà Nội vừa như điểm tựa cho dân tộc vững vàng trước thử thách, vừa tạo những tiền đề cho những bước đột phá về phía tương lai. Lịch sử đã nhiều lần chứng minh điều đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cốt cách Thăng Long - Hà Nội trong dòng chảy lịch sử