Đá ong ngân vọng một nét riêng

Hà Nguyên Huyến| 14/02/2021 05:34

(HNMCT) - Như bao thế hệ trước, khi tôi được sinh ra đã có đá ong rồi. Với người dân xứ Đoài từ lúc lọt lòng cho đến khi từ giã cõi tạm, đá ong thân thuộc gần gũi như một phần của đời sống!

Một góc làng cổ Mông Phụ.

Làng tôi - làng Mông Phụ (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội), có thể nói là một làng đá ong điển hình còn sót lại của xứ Đoài. Từ đây ngược lên Cam Thượng, Cam Đà, Thanh Lũng, Bình Lũng, Tiên Phong, rồi miên man vào các làng Vu Quy, Ngọc Nhị vùng Suối Hai, ở đâu cũng thấy đá ong. Trên những cung đường mùa xuân, “sỏi mồ côi” (vụn của đá ong phong hóa) lạo xạo dưới gót giầy như thủ thỉ tâm tình. Tạt sang Phú Sơn, Phú Hữu - Chợ Nhông, dốc Ghề (huyện Ba Vì)..., đá ong tuy thưa hơn nhưng vẫn thuộc vùng “văn hóa đá ong”. Xuôi về Thạch Thất, Quốc Oai, sang Chương Mỹ “đất trăm nghề” cũng gặp đá ong nhưng cung cách xây dựng đã có nhiều khác biệt.

Theo lý giải của các nhà khoa học, đá ong hình thành từ biến đổi địa chất. Sự kết tủa, ngưng đọng của ô-xít sắt, nhôm, đồng và các khoáng chất được tạo ra từ sự phong hóa mạnh mẽ của lớp đá mẹ (gốc) đã hình thành nên đá ong. Ở nước ta, dù đá ong có rải rác ở nhiều nơi như Bình Định, Khánh Hòa... nhưng vùng hữu ngạn sông Hồng - đỉnh của tam giác châu thổ Đồng bằng Bắc Bộ, là nơi mật độ đá ong xuất hiện tập trung, dày đặc nhất, làm nên tên tuổi “vùng văn hóa đá ong”: Xứ Đoài!

Cuộc hôn nhân giữa Đức Thánh Tản với công chúa Ngọc Hoa là quá trình tan rã của các bộ tộc, bộ lạc thời vua Hùng, đồng thời mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc: Chinh phục, khai mở Đồng bằng Bắc Bộ. Tính ưu việt của kinh tế trồng trọt, chăn nuôi dần thay thế cho nền kinh tế săn bắt, hái lượm trước đó, mà truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh là một minh chứng sinh động.

Xứ Đoài là một vùng văn hóa cổ, đậm đặc tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh. Dấu vết ấy được lưu giữ bền chặt trong các cộng đồng dân cư. Thánh Tản dạy dân trồng trọt (mía ở Kẻ Mía, Đường Lâm), chế biến thực phẩm (ướp cá ở Mả Mang - Cầu Trì xã Trung Hưng), tục ăn trầu ở Phú Nhi, Thuần Nghệ... (Sơn Tây). Về nghệ thuật, Thánh dạy dân hát dô ở Kẻ Xếp (Liệp Tuyết, Quốc Oai)...

Quá trình khai mở đồng bằng cũng chính là quá trình hình thành những cộng đồng cư dân đầu tiên. Do trình độ sản xuất còn thấp, thiên tai luôn đe dọa đã dẫn đến sự cố kết của nhiều gia đình, nhiều dòng họ, từ đó hình thành nên những làng quê Việt. Đó là những làng quê bình yên, trù phú với đặc trưng cơ bản là kiến trúc đá ong.

Song song với quá trình sản xuất, nhà ở của các hộ gia đình bắt đầu hình thành. Trong buổi bình minh ấy, vật liệu xây dựng là mọi thứ quanh mình. Tranh tre nứa lá làm mái lợp, đất “trình” thành tường. Và thế là đá ong được phát hiện và sáng tạo thành công trình nhà ở và các công trình kiến trúc tín ngưỡng, tôn giáo... Đá ong tham gia vào đời sống, tạo thành nét đặc trưng riêng của xứ Đoài.

Căn cứ vào những di tích còn tồn tại như đình Thụy Phiêu, đình Cam Đà, chùa Mía, đình Mông Phụ..., có thể kết luận: Từ 400 - 500 năm trước, các làng quê xứ Đoài đã lấy đá ong làm vật liệu xây dựng cơ bản. Năm 2005, khi Làng cổ Đường Lâm được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia thì nơi đây gần như còn nguyên vẹn một ngôi làng đá ong. Đá ong xây tường nhà, làm chân trụ, mố cầu, cống rãnh, giếng nước, tường bao...

Các bậc cao niên ở Đường Lâm kể: Năm nào cũng vậy, ra Giêng “ngày rộng tháng dài” là thợ đá đến làng. Nhà nào có nhu cầu xây dựng đều có thỏa thuận trước. Thông thường thợ đá được nuôi cơm và trả công theo sản phẩm. Khai thác đá ong là công việc khó nhọc, cũng không thể tiến hành ồ ạt mà kéo dài từ năm này sang năm khác, đời này qua đời khác. Chiều chiều, tiếng bánh xe cút kít chở đá nặng nề lăn trên đường làng đã trở thành âm thanh quen thuộc. Ngày mỗi ngày, thợ đá như đàn kiến lặng lẽ để đá chồng lên đá, làm thành tường, thành nhà, thành nét kiến trúc độc đáo của mảnh đất này.

Tiếng là vùng đá ong nhưng không phải địa điểm nào cũng có thể khai thác. Xưa ở làng Mông Phụ chỉ có xứ đồng Suối Mẻ là địa điểm được khai thác đá ong. Nơi đây là một quả đồi thấp, gần làng, đường sá rộng rãi, bằng phẳng, thuận tiện cho việc vận chuyển đá sau khi khai thác. Đá ong ở đây không nằm sâu dưới lòng đất, chỉ gạt bỏ 20 - 30cm đất mặt là gặp lớp đá ong. Những chỗ nổi trên mặt đất thì đá ong bị chai, cứng và dai, khó khai thác... Đá ong ở Suối Mẻ có hai màu cơ bản: Vàng sậm và nâu nhạt. Nổ đá (bộng ong) không to, không nhỏ. Nổ đá to thì tỷ lệ đất nhiều, đá bị rỗng, chịu lực kém. Đá ong có nổ đá nhỏ thì qua mưa nắng sau sẽ không còn vẻ đẹp vốn có.

Gia đình tôi hiện vẫn sở hữu, bảo tồn ngôi nhà cổ có niên đại xây dựng năm 1846. Đây là một hệ thống liên hoàn, từ nhà cửa, cổng ngõ đến tường bao, cống rãnh..., tất cả đều được làm từ đá ong, khối lượng công việc không thể trong một thế hệ có thể hoàn thành. Các thế hệ tiền nhân đã đổi những thửa ruộng “thượng đẳng điền” lấy mấy thước đất đồi ở Suối Mẻ để khai thác đá ong. Mẹ tôi kể lại: Cứ sau mùng 10 tháng Giêng, khi hội làng kết thúc là lúc thầy trò cụ phó cả Đá ở phủ Quốc (Quốc Oai) đến nhà, bắt đầu một năm khai thác. Dù không ai hỏi tên thật nhưng cái danh xưng “cụ phó cả Đá” đã gắn bó với mấy thế hệ gia đình tôi.

Vào năm thứ 3 đời vua Minh Mạng (1822), nhà vua sức giấy xây thành Sơn Tây, thợ đá của cả vùng Sơn - Hưng - Tuyên được triệu tập. Sau 3 năm xây dựng, một ngôi thành có kiến trúc Vauban được hoàn thành. Thành Sơn Tây không to nhưng vô cùng độc đáo, trừ 4 cổng thành có vòm cuốn bằng gạch thì tất cả đều được xây bằng đá ong. Năm 1947, do “tiêu thổ kháng chiến”, thành Sơn Tây bị phá. Mấy chục năm sau vẫn còn dấu vết một ngôi thành cổ kính đã từng tồn tại hàng thế kỷ. Cây cối mọc hoang hủy không làm khuất lấp những mảng tường thành đá ong. Trên những mảng tường ấy, cỏ vảy rồng (cỏ bịu) bám trên từng mắt đá như khẳng định có một ngôi thành trường tồn trong chiều sâu tâm tưởng người dân xứ Đoài.

Đầu thế kỷ XX, gạch nung thỏa mãn nhiều công trình có kiến trúc hiện đại nhưng chưa phổ biến ở xứ Đoài. Ở các làng quê, đá ong vẫn là vật liệu xây dựng cơ bản. Từ những năm 1990, thị trường vật liệu xây dựng rất phong phú đã đẩy đá ong vào quá vãng. Song, thời gian là phép thử, những kiến trúc đá ong còn lại ngày một khẳng định vẻ đẹp của một thời.

Tôi đi lang thang trong những con ngõ nhỏ, những mái ngói rêu phong, những tường đá ong sừng sững âm thầm đổ bóng mà thấy thời gian như ngưng đọng ở đất này. Từ sâu thẳm như đang ngân vang bài ca từ đá, bài ca về tính sáng tạo, cần cù trong lao động của biết bao thế hệ người dân xứ Đoài!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đá ong ngân vọng một nét riêng