Văn chỉ Thọ Xương - một Văn Miếu thu nhỏ

Bài: Ðinh Tú - Ảnh: Nguyễn Thắm| 09/02/2021 16:14

(HNNN) - Thời gian qua đi và hoạt động của con người đã gây ảnh hưởng không có lợi đối với không gian văn hóa Văn chỉ Thọ Xương, một trung tâm văn hóa, nơi khởi xướng và cổ vũ phong trào chấn hưng văn hóa Thăng Long. Từ lâu, dư luận mong muốn các cấp, ngành chức năng khôi phục, nâng tầm giá trị của di sản văn hóa này và tìm cách phát huy giá trị lâu dài.

Cổng vào Văn chỉ Thọ Xương.

Một trung tâm văn hóa lớn

Di tích Văn chỉ Thọ Xương ở số 3, ngõ 222, phố Bạch Mai, phường Cầu Dền (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Việc xây dựng Văn chỉ Thọ Xương (tên gốc, đầy đủ là: “Thọ Xương tiên hiền từ vũ”  - đền thờ tiên hiền huyện Thọ Xương) nằm trong bối cảnh triều đình nhà Nguyễn đã dời kinh đô khỏi Thăng Long và xây dựng Quốc Tử Giám tại Huế. Vì thế, giá trị, ý nghĩa của công trình là phát động phong trào chấn hưng văn hóa Thăng Long. Người có công đầu trong việc xúc tiến, đầu tư kinh phí và trông coi việc xây dựng Văn chỉ là sĩ phu yêu nước Tú Lĩnh Bùi Huy Tùng (1794 - 1862), Hội phó Văn hội Thọ Xương.

Theo cụ Đỗ Hữu Vu, nguyên cán bộ Viện Sử học: Khởi dựng năm 1836, đến năm 1838 thì công trình được hoàn thành, mặt nhìn hướng Đông, có tường gạch bao quanh khu đất rộng 1 mẫu (3.600m2). Công trình gồm có các hạng mục chính là: Tam quan, đại bái 5 gian, giải vũ (tả vu và hữu vu), hậu cung, vườn hoa. Đáng chú ý là hậu cung có đến 3 cửa vòm cuốn dẫn vào 3 ban thờ ở phía trong, và cả 3 ban thờ được xây bằng gạch đều không dựa vào tường hậu mà có một khoảng cách nhỏ. Liên quan đến công trình, ở phía trước còn có một ao sen rộng 1 mẫu và xung quanh có ruộng tế và một số ao nhỏ. Nguyên thủy, diện tích tổng cộng của cả cụm công trình là 8 mẫu 7 sào 10 thước (31.560m2).

Kiến trúc trụ biểu ở mặt trước đại bái Văn chỉ Thọ Xương.

Trong Văn chỉ hiện còn lưu giữ nhiều di vật quý: Bức hoành phi chạm khắc 4 chữ Hán lớn, do Tiến sĩ Phạm Quý Thích (1760 - 1825) cung tiến: “Thiên lý nhân tâm” (lòng người thuận với lẽ trời) tạo dựng năm 1844; đôi câu đối ở ban thờ tiên hiền: “Thiên niên phong hóa lưu dư địa/ Vạn cổ thanh danh tiếp cố giao” (Nghìn năm biến đổi còn nền vững/ Vạn cổ thanh danh nối đất xưa); đôi câu đối do Tiến sĩ Vũ Tông Phan (1800 - 1851) cung tiến: “Cựu bang văn nhã truyền tiên tiến/ Cổ đạo nghi hình định hậu sinh” (Văn phong nước cũ truyền người trước/ Mực thước đạo xưa dẫn kẻ sau); tấm bia “Thọ Xương tiên hiền từ vũ bi ký” khắc chữ Hán 4 mặt. Văn bia do Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý (1795 - 1868) soạn tháng 5 năm 1838, nêu ý nguyện nghiêm cẩn thờ phụng và tiếp nối các bậc tiên hiền để mở mang sự học, làm cho nước nhà ngày càng tiến bộ. Đáng chú ý là còn 3 di vật trên các bức tường. Trên bức tường ở bên trái đền có một bia đá nhỏ, hình vuông, kích thước 30cm x 30cm, ghi lời dặn dò các thế hệ sau lo tu bổ để Văn chỉ vững bền. Còn trên bức tường ở hậu cung có 2 bức tranh lớn, hình vuông, kích thước 2m x 2m, vẽ những dải “thanh vân” (mây xanh) bay lượn trên bầu trời, mang chủ đề tư tưởng “bình bộ thanh vân” (ý chỉ việc thi đỗ, lập công danh giống như nhẹ bước trên mây xanh)...

Địa chỉ văn hóa cần được bảo tồn, phát huy giá trị

Biến thiên của thời gian và sự tàn phá của con người đã thu hẹp không gian văn hóa đẹp đẽ, quý báu của Văn chỉ Thọ Xương. Bà Đoàn Thị Lương, người hiện đang ở ngôi nhà trong khuôn viên Văn chỉ, cho biết: Các thế hệ gia đình nhà bà đã ở đây trên 70 năm. Hiện tổng diện tích nhà ở và công trình phụ của gia đình là 62m2; nhiều vật dụng phải để “nhờ” ngoài sân, trên hiên, trước cổng, làm giảm vẻ đẹp của một di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp thành phố năm 2006. Theo bà Đoàn Thị Lương, từ lâu gia đình bà đã rất muốn chuyển đến nơi ở mới để thuận tiện hơn cho việc sinh hoạt và trả lại đất cho Văn chỉ, nhưng đây chắc chắn là việc rất khó, sẽ còn rất lâu mới có thể thành hiện thực. Theo bà Lương, cả khu vực xung quanh trước kia thuộc Văn chỉ chắc cũng rất khó thu hồi để tái dựng khuôn viên và các hạng mục công trình cũ.

Từ lâu, dư luận mong mỏi các cấp, ngành chức năng khôi phục, nâng tầm giá trị của di sản văn hóa này và phát huy giá trị lâu dài. Theo di cảo của nhà nghiên cứu văn hóa Hà Nội Nguyễn Vinh Phúc (1926 - 2012), ban đầu Văn chỉ Thọ Xương là nơi thờ Khổng Tử cùng các vị tiên hiền, khoa bảng của huyện Thọ Xương. Với vai trò là trụ sở của Văn hội Thọ Xương (thành lập năm 1832), đây thực sự là một trung tâm văn hóa lớn, đi đầu trong việc cổ vũ chấn hưng văn hóa Thăng Long. Vì thế, việc tu bổ, phát huy giá trị của di tích này sẽ có tác dụng, ý nghĩa to lớn.

Bức hoành phi “Thiên lý nhân tâm” (lòng người thuận với lẽ trời) trong đại bái Văn chỉ Thọ Xương.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Minh Tường, nguyên cán bộ Viện Sử học, Thọ Xương từ thời Hậu Lê (1533 - 1788) sang đến triều Nguyễn (1802 - 1945) là huyện lớn, chiếm gần 4/5 diện tích của cả kinh thành. Sau khi nhà Nguyễn dời kinh đô vào Huế, Văn Miếu ở Hà Nội bị “hạ cấp”, chỉ còn là nơi tế lễ thuần túy và không được chú ý tu bổ trong một thời gian dài. Trong bối cảnh đó, Văn chỉ Thọ Xương ra đời và đóng vai trò như một Văn Miếu thu nhỏ, đã trở thành biểu tượng của văn hóa Thăng Long. Đặc biệt, đây là nơi Văn hội Thọ Xương khởi xướng phong trào truyền bá, chấn hưng văn hóa Thăng Long nên giá trị, ý nghĩa, tầm vóc công trình càng to lớn, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và đánh giá đầy đủ.

Việc hoàn thành dự án tu bổ tổng thể di tích Văn chỉ năm 2013 theo phê duyệt của UBND quận Hai Bà Trưng là rất tốt, nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm để có thể phục dựng không gian văn hóa Văn chỉ như xưa. Những việc cần làm trước mắt có rất nhiều. Đó là: Tiếp tục sưu tầm, bổ sung tư liệu về Văn chỉ; dịch sang quốc ngữ văn bia chữ Hán, bản ghi danh các tiên hiền; ấn hành tài liệu thuyết minh về di tích; liên hệ và xác minh các di vật hiện còn “gửi” ở các nơi để đưa về Văn chỉ... PGS.TS Nguyễn Minh Tường cho rằng, một việc cũng rất quan trọng và có thể làm ngay là xem xét việc bố trí người trông coi, mở cửa di tích hằng ngày để nhân dân và du khách có thể thăm Văn chỉ, giúp cho việc khai thác, sử dụng công trình có hiệu quả hơn, để Văn chỉ Thọ Xương xứng đáng là nơi lưu giữ, tôn vinh truyền thống văn hóa, giáo dục của Thủ đô, cổ vũ tinh thần hiếu học của người Thăng Long - Hà Nội hôm qua, hôm nay và mai sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn chỉ Thọ Xương - một Văn Miếu thu nhỏ