Lan tỏa tình yêu với di sản văn hóa phi vật thể

Bài và ảnh: Linh Tâm| 13/12/2020 16:47

(NSHN) - Tối 12-12, trong khuôn khổ Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại năm 2020 (từ ngày 11 đến 13-12-2020), tại Khu vực tượng đài Lý Thái Tổ đã diễn ra Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội lần thứ 2-2020.

Tiết mục biểu diễn của Câu lạc bộ Cồng chiêng và hát múa dân gian xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất).

Đưa di sản đến gần công chúng

Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội lần thứ 2-2020 quy tụ khoảng 200 nghệ nhân, người thực hành di sản đang sinh hoạt tại 10 câu lạc bộ đại diện cho các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trình diễn tại liên hoan là 30 tiết mục đặc sắc với các loại hình như: Ca trù, hát chèo, xẩm, hát dô, hát ví, hát trống quân, chèo tàu, cồng chiêng, rối cạn... Đây đều là những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội đã được kiểm kê và được cộng đồng nỗ lực giữ gìn, bảo tồn, tái tạo và trao truyền suốt nhiều năm qua.

Xem Câu lạc bộ Cồng chiêng và hát múa dân gian xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) trình diễn, không ai nghĩ rằng cách đây hơn 10 năm nghệ thuật cồng chiêng Mường từng đứng trước nguy cơ mai một. Ở thời điểm đó cả xã Tiến Xuân chỉ còn vài bộ cồng chiêng do không còn nhiều người biết đánh và người dân không ý thức được giá trị của các bộ chiêng cổ nên đã bán gần hết. Tuy nhiên, được sự quan tâm của chính quyền địa phương cùng nỗ lực của các nghệ nhân, nghệ thuật cồng chiêng của người Mường đã hồi sinh và phát triển rực rỡ với hàng nghìn người trong cộng đồng thường xuyên thực hành di sản này. 

Cách đây nhiều năm, nghệ thuật hát xẩm cũng từng có lúc bị quên lãng. Sau nhiều năm nỗ lực phục hồi, trả di sản về đúng với giá trị, hát xẩm nay không chỉ dành cho các khán giả lớn tuổi mà còn thu hút nhiều em thiếu nhi theo học.  

CLB truyền thống UNESCO Hà Nội trình diễn nghệ thuật hát xẩm.

Nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch, năm nay đã ngoài 70 tuổi xúc động chia sẻ: “Tôi rất mừng vì ngày càng nhiều cháu nhỏ cùng phụ huynh yêu thích nghệ thuật xẩm và tìm đến học. Đấy là dấu hiệu đáng mừng cho thấy nghệ thuật hát xẩm nói riêng và di sản văn hóa phi vật thể nói chung đã có sức lan tỏa và thu hút sự quan tâm của thế hệ trẻ”. Chu Nhân Kiệt, học sinh lớp 3D Trường Tiểu học Thực nghiệm cho biết: “Con thích học hát xẩm. Bài hát tuy khó nhưng con vẫn cố gắng để thuộc và mỗi lần như thế, con lại càng thấy yêu nghệ thuật hát xẩm hơn”. 

Đặc biệt, liên hoan này không chỉ là “sân chơi” để các nghệ nhân có dịp “phô diễn” mà còn là dịp để cộng đồng tiếp cận gần hơn và hiểu hơn về di sản. Bạn Phùng Thị Hà, 20 tuổi, phường Định Công (quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em được tiếp cận với nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể độc đáo. Mỗi loại hình đều mang những nét đặc trưng, hấp dẫn. Nếu không đến xem hôm nay có lẽ em sẽ không biết Hà Nội có nhiều loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc, thú vị đến vậy”.

Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Kim Dung và các em nhỏ của Lớp bồi dưỡng hạt nhân nghệ thuật truyền thống (Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận Thanh Xuân) biểu diễn làn điệu chèo cổ.

Nỗ lực trao truyền cho thế hệ trẻ

Từ năm 2015 đến nay, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã thực hiện đề án Tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, đồng thời thường xuyên hỗ trợ các nghệ nhân ở các địa phương tập luyện, truyền dạy các loại hình di sản văn hóa cho cộng đồng. Nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cồng chiêng và hát múa dân gian xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) cho biết: “Được sự quan tâm của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và huyện Thạch Thất, những năm qua, chúng tôi liên tục mở các lớp truyền dạy nghệ thuật cồng chiêng đến các tầng lớp nhân dân. Đáng mừng là 3 xã miền núi Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung với 70% là người dân tộc Mường đã đưa nghệ thuật cồng chiêng vào chương trình giáo dục tại trường để phổ cập cho học sinh, qua đó giúp các em tăng cường nhận thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn di sản”. 

Các nghệ nhân Câu lạc bộ ca trù Chanh Thôn (huyện Phú Xuyên) biểu diễn.

Tiết mục hát trống quân của Câu lạc bộ Trống quân xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ).

Nhiều năm qua, Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Kim Dung luôn âm thầm, tận tâm truyền dạy cho các học sinh tại lớp bồi dưỡng hạt nhân nghệ thuật truyền thống (Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận Thanh Xuân) những làn điệu xẩm, chèo cổ. Bà Dung chia sẻ: “Tôi chỉ mong các cháu giữ được lề lối, cốt cách của các cụ ngày xưa mà tôi được học để di sản văn hóa của cha ông không bị mai một”.

Đánh giá cao những nỗ lực trong công tác truyền dạy di sản cho thế hệ trẻ của các cộng đồng trên địa bàn Hà Nội thời gian qua, Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng: “Thông qua các tiết mục liên hoan, có thể nhận thấy Hà Nội đã làm rất tốt công tác truyền dạy cho các em nhỏ cũng như thu hút sự tham gia của những người trẻ. Các em đã biểu diễn rất tự tin và “thổi” vào di sản một sức sống mới. Mặc dù năm nay có nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng Hà Nội đã khắc phục để làm tốt việc “nhóm” lên “ngọn lửa” di sản trong cộng đồng. Liên hoan thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Thủ đô là bằng chứng rõ nét cho thấy điều đó”.

Thế hệ trẻ Câu lạc bộ hát chèo tàu xã Tân Hội (huyện Đan Phượng) trình diễn tại liên hoan.

Cũng theo Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, để công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Hà Nội ngày một tốt hơn, thành phố cần có cơ chế chính sách, giải thưởng để khuyến khích các nhóm cộng đồng tích cực giữ gìn di sản. Bên cạnh đó, cần có sự tham gia tích cực hơn của các trường học nhằm khuyến khích học sinh tiếp cận di sản, từ đó hỗ trợ cho việc truyền dạy và lan tỏa giá trị di sản ngày một rộng hơn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa tình yêu với di sản văn hóa phi vật thể