Tìm về câu dân ca

Vương Huy| 24/10/2020 07:32

(HNMCT) - Đã thành thông lệ, cứ vào tối thứ sáu hằng tuần, các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Dân ca làng Mọc Quan Nhân (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) lại tụ họp tại nhà văn chỉ của làng để cùng nhau luyện tập chèo, xẩm, hát văn… Đã 11 năm kể từ ngày thành lập, dưới sự dìu dắt của Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Phan Thị Kim Dung, CLB là điểm sáng trong công tác bảo tồn và phát triển âm nhạc truyền thống ở Thủ đô.

Một buổi sinh hoạt của CLB Dân ca làng Mọc Quan Nhân.

Truyền dạy từ tâm

Đến nhà văn chỉ của làng Quan Nhân vào tối thứ sáu, ngay từ cổng đã nghe văng vẳng tiếng hát của các bà, các chị vọng lại, như thể tiết trời mưa gió không làm ảnh hưởng đến sự say mê của họ. 

Trên tay là tờ giấy A4 có in sẵn lời hát chèo cho buổi học, bà Nguyễn Thị Minh Yến cho biết, mỗi tuần mới là bà lại háo hức đợi đến ngày thứ sáu để tham gia sinh hoạt CLB. Ban đầu còn khá lơ mơ về âm nhạc dân tộc, giờ đây bà Yến đã có thể hát thành thục hàng chục bài hát ở các thể loại. Đặc biệt, cũng nhờ những tháng ngày chăm chỉ luyện tập tại CLB mà bà đã giành giải Nhất cuộc thi Hát ca yêu đời trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội năm 2016 với tiết mục hát chèo Hề mồi.

Là người con của thị trấn Lim (Tiên Du, Bắc Ninh), sống xa quê nên trong lòng bà Nguyễn Thị Hiển luôn canh cánh tình yêu với dân ca quan họ nói riêng và âm nhạc dân tộc nói chung. Bởi thế, khi sinh sống tại làng Quan Nhân và biết đến CLB, bà rất tích cực tham gia. Theo bà Hiển, NNƯT Phan Thị Kim Dung với cái tâm của mình đã luôn nhiệt tình chỉ bảo các học viên.

“Âm nhạc dân tộc rất khó học, đòi hỏi phải hát sao cho tròn vành rõ chữ, thế nhưng với cách truyền dạy của nghệ nhân Phan Thị Kim Dung, chúng tôi thấy thật dễ hiểu, dễ nhớ. Để giúp các học viên với phương châm học đến đâu hiểu đến đó, bà Dung luôn động viên và kịp thời uốn nắn từng câu, từng phách, cách lấy hơi, luyến láy, nhả chữ, đồng thời phân tích kỹ giá trị của âm nhạc dân tộc. Sau mỗi bài học, bà Dung tổ chức biểu diễn để đánh giá khả năng của từng học viên, từ đó có sự điều chỉnh hợp lý trước khi dạy bài mới”, bà Hiển chia sẻ.

Lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc

Chia sẻ về việc thành lập CLB, NNƯT Phan Thị Kim Dung cho biết, dù làng Quan Nhân không phải là quê hương nhưng bà đã gắn bó với mảnh đất này từ năm 2000. Xưa kia, nơi đây vốn là vùng đất Kẻ Mọc giàu truyền thống văn hóa nghệ thuật, tuy nhiên những năm gần đây, nét đẹp truyền thống đứng trước nguy cơ mai một dần. Năm 2009, bà thành lập CLB Dân ca làng Mọc Quan Nhân với số hội viên ban đầu là 14 người. Dần dần, số hội viên không ngừng tăng lên, hiện nay CLB có hơn 40 hội viên với đủ lứa tuổi, thành phần.

“Tôi nghĩ mình có kiến thức về âm nhạc truyền thống thì phải có trách nhiệm lan tỏa tình yêu nghệ thuật đến với nhiều người. Đáng mừng là công sức và tâm huyết của tôi đã được đền đáp. Không chỉ đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống tinh thần của người dân vào mỗi dịp lễ Tết, CLB còn giành được một số thành tích như: Huy chương vàng Hội thi Hát văn khu vực Đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất - năm 2010 tại tỉnh Vĩnh Phúc, giải Nhất Liên hoan Hát văn do Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội tổ chức năm 2012...”, nghệ nhân Phan Thị Kim Dung vui vẻ nói.

Cảm động trước những việc làm vì cộng đồng của nghệ nhân Phan Thị Kim Dung, chị Cung Thị Yến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) cho biết, trong nhịp sống hiện đại, giữa sự tác động, giao thoa của nhiều luồng văn hóa nhưng bà Dung và nhiều hội viên vẫn tìm về với những câu hát dân ca, thật đáng quý. Đó là một hoạt động thiết thực để giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch của người Hà Nội.

“Nhờ hoạt động của CLB mà những năm gần đây, phong trào ca hát của phường Nhân Chính được đẩy mạnh. Trong tương lai, để dân ca được lan tỏa rộng rãi hơn nữa, đặc biệt là với lớp trẻ, tôi mong muốn có thêm nhiều lớp học miễn phí, nhiều cuộc thi, phát triển thêm nhiều mô hình CLB dân ca trên địa bàn... để các hạt nhân văn hóa có thể phát huy hết khả năng, giúp cho các giá trị văn hóa truyền thống ngày càng ăn sâu, bén rễ trong cộng đồng”, chị Cung Thị Yến khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm về câu dân ca