Người miệt mài tìm dấu múa cổ Thăng Long

Yên Nga| 10/10/2020 07:02

(HNM) - Giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ nhân dân Lê Ngọc Canh là một lão thành trong nền nghệ thuật múa cách mạng Việt Nam ở nhiều lĩnh vực như biểu diễn, biên đạo, đào tạo, nghiên cứu, sưu tầm và lý luận. Trong đó, ông dành nhiều tâm huyết với múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội. Hơn hai mươi năm qua, ông miệt mài đi tìm dấu tích từng điệu múa cổ để sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng và đưa chúng trở lại sống động trên vùng đất nghìn năm văn hiến.

Giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ nhân dân Lê Ngọc Canh vẫn miệt mài nghiên cứu về nghệ thuật múa. Ảnh: Thụy Du

Thiếu niên liên lạc có năng khiếu nghệ thuật    

Chúng tôi gặp Nghệ sĩ nhân dân Lê Ngọc Canh trong ngôi nhà yên tĩnh ở một ngõ nhỏ trên phố Láng Hạ (phường Thành Công, quận Ba Đình) vào những ngày Hà Nội hân hoan đón mừng 1010 tuổi và 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2020). Trên bàn nơi ông ngồi tiếp khách xếp đầy những cuốn sách về nghệ thuật múa, nhưng đặc biệt có 2 cuốn “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, “Trung đoàn Thủ đô Anh hùng - 70 năm xây dựng và trưởng thành”. Ông nhẹ nhàng giải thích, mình vừa liên lạc với các đồng đội trong Trung đoàn Thủ đô, cùng ôn lại kỷ niệm về cuộc chiến đấu 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô năm xưa...

Rồi câu chuyện cứ thế trôi về những ngày trước Cách mạng Tháng Tám. Sinh năm 1933 tại Đa Sỹ (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội), năm 12 tuổi, cậu thiếu niên Lê Ngọc Canh rời làng lên nhà bác ở phố Hàng Ngang học việc. Cũng từ đây, cậu bắt đầu tham gia làm liên lạc, truyền tin cho cách mạng. Nhắc đến những tháng ngày thoăn thoắt len qua các lỗ đục tường, băng trên mái nhà phố cổ để làm nhiệm vụ, mắt ông sáng ngời: “Ngày ấy không cảm thấy sợ, vì biết đi theo cách mạng là không còn đói, không còn khổ, được tự do, tiến bộ”.

Hoàn thành nhiệm vụ kìm chân địch trong lòng Hà Nội, cậu thiếu niên Lê Ngọc Canh theo đoàn quân rút lên chiến khu Việt Bắc, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ. Chính những năm tháng ở đây, ông được học văn hóa, văn nghệ, được phát hiện có năng khiếu nghệ thuật và được đưa vào "đội tuyên văn" (tuyên truyền văn hóa, văn nghệ). Dáng người nhỏ nhắn, uyển chuyển, ông vào đội múa rồi say mê bộ môn này lúc nào không biết. Cùng với những chặng đường hành quân, biểu diễn khắp các địa phương, ông bị thu hút bởi các điệu múa dân gian dân tộc Thái, Tày, Dao, Nùng, Mông… rồi học hỏi, chắt lọc đưa vào các sáng tác. Hòa cùng đoàn quân trở về tiếp quản Thủ đô ngày 10-10-1954, Nghệ sĩ Lê Ngọc Canh khi ấy tham gia Đoàn văn công Tổng cục Chính trị. Đến năm 1968, ông được cử làm nghiên cứu sinh ở Bulgaria.

Trở về nước, ông vừa sáng tác, biên đạo, vừa tham gia nghiên cứu lý luận nhằm tạo cơ sở cho nghệ thuật múa nước nhà. Nghệ sĩ nhân dân Lê Ngọc Canh quan niệm, muốn sáng tác hay lý luận về nghệ thuật múa dân tộc, thì phải có vốn sống thực tiễn. Bởi vậy, ông dành nhiều thời gian cho các chuyến du khảo khắp đất nước để tìm hiểu, nghiên cứu các điệu múa dân tộc. Hơn 70 năm hoạt động nghệ thuật, ông đã sáng tác, đồng sáng tác hơn một trăm tác phẩm múa giá trị, như: “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”, “Theo cờ Giải phóng”, “Anh hùng Bế Văn Đàn”, “Cô gái giao liên”, “Giã gạo dưới trăng”, “Thần tốc, thần tốc”, “Tiếng vọng non ngàn”… Cùng với đó, ông trực tiếp biên soạn, xuất bản hơn 20 cuốn sách, công trình nghiên cứu về múa và văn hóa, tiêu biểu là: “Nghệ thuật múa tín ngưỡng dân tộc Việt Nam”, “100 điệu múa truyền thống Việt Nam” và đặc biệt là cụm công trình “Nghiên cứu lý luận nghệ thuật múa” được tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh" và "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật.

Bên cạnh sáng tác và nghiên cứu, Nghệ sĩ nhân dân Lê Ngọc Canh còn tham gia công tác quản lý với cương vị Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam…

Sâu đậm tình yêu với múa cổ Thăng Long

Với Nghệ sĩ nhân dân Lê Ngọc Canh, Hà Nội luôn là nơi ông dành tình yêu sâu đậm. Càng gặp gỡ, tiếp cận, sưu tầm, nghiên cứu, học hỏi nhiều điệu múa đặc sắc ở những nơi khác, ông lại càng thấy cấp thiết phải gìn giữ múa cổ - vốn quý của đất Thăng Long - Hà Nội. Năm 2000, nhận thấy trách nhiệm cần mau chóng bảo tồn các điệu múa cổ trước khi chúng mai một, ông cùng các nghệ sĩ của Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội lặn lội về từng địa phương để sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng. “Công việc vất vả, lại không có nhiều kinh phí, nhưng nếu chúng tôi không làm thì nhiều điệu múa sẽ mất đi cùng các nghệ nhân. Thế nên, ngày qua ngày, không quản mưa nắng, chúng tôi thay nhau về các địa phương, tham gia các lễ hội, tìm gặp các nghệ nhân để sưu tầm từng điệu múa”, Nghệ sĩ nhân dân Lê Ngọc Canh kể.

Cũng chính từ sự kiên trì, say mê, miệt mài suốt hơn 15 năm như vậy, ông cùng đồng nghiệp đã hoàn thành công trình “Sưu tầm, phục hồi múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội” với việc đưa 54 điệu múa vào sách “Múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội”, ghi hình 8 điệu múa cổ truyền đặc trưng, tổ chức các buổi biểu diễn múa cổ truyền tại khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ vào dịp Tết Nguyên đán… Cũng từ đây, những điệu múa đặc sắc của đất Thăng Long - Hà Nội, như: Con đĩ đánh bồng, múa rắn lột, múa bài bông, múa giảo long… được sống dậy trong cộng đồng và không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật lớn của Thủ đô.

Tuy thế, điều Nghệ sĩ nhân dân Lê Ngọc Canh vẫn trăn trở là nhiều điệu múa đã bị thất truyền. “Múa cổ sinh ra trong dân gian và phải sống trong dân gian. Vì vậy, chúng tôi cố gắng sưu tầm, ghi lại và cổ vũ các nghệ nhân tiếp tục truyền dạy cho thế hệ sau. Nhưng nhiều điệu múa chỉ còn trong sách, không ai thực hành nữa”, Nghệ sĩ nhân dân Lê Ngọc Canh tiếc nuối.

Cùng đồng hành với Nghệ sĩ nhân dân Lê Ngọc Canh trong hành trình tìm lại những điệu múa cổ của Hà Nội, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội Nguyễn Văn Bích cho rằng, sức lao động của lão nghệ sĩ Lê Ngọc Canh rất đáng nể phục, bền bỉ, kiên trì, say sưa và không bao giờ ngừng nghỉ. Chính ông đã tiếp sức, động viên để các nghệ sĩ đồng hành trong việc gìn giữ kho tàng văn hóa dân gian của đất Thăng Long. Trong cuốn sách mới nhất của Nghệ sĩ nhân dân Lê Ngọc Canh vừa xuất bản mà người viết may mắn được tặng, Nghệ sĩ nhân dân Ứng Duy Thịnh, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam đánh giá, ông là một điểm sáng của nền nghệ thuật múa cách mạng Việt Nam với nhiều công trình giá trị. 

Trên bàn làm việc của Nghệ sĩ nhân dân Lê Ngọc Canh còn có đề cương công trình nghiên cứu khoa học “Múa trong lễ hội truyền thống Thăng Long - Hà Nội” mà ông và các nghệ sĩ đang bàn bạc triển khai. Sở hữu những danh hiệu, giải thưởng cao quý nhất của nghệ sĩ, như: "Giải thưởng Hồ Chí Minh" về văn học, nghệ thuật; danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân và mới đây nhất là danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú, song người nghệ sĩ ấy vẫn không ngừng làm việc, cống hiến. Với ông, đó không chỉ là trách nhiệm của người chiến sĩ, nghệ sĩ của Thủ đô, mà còn là niềm say mê muốn khám phá thêm nhiều giá trị tuyệt vời của nghệ thuật múa Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người miệt mài tìm dấu múa cổ Thăng Long