''Thổi bùng'' ngọn lửa sáng tạo dựa trên nguồn lực văn hóa

Bảo Khánh| 08/10/2020 16:01

(HNMCT) - Mang trong mình những lớp trầm tích văn hóa được tích tụ, bồi đắp qua 1010 năm, Hà Nội sở hữu nguồn lực văn hóa vô giá, biểu hiện rõ nét nhất qua hệ thống di sản văn hóa đồ sộ còn giữ được tới hôm nay. Đó là tài sản, nguồn lực và động lực để Hà Nội “thổi bùng” ngọn lửa sáng tạo, khai thác tối đa nguồn lực văn hóa để phát triển kinh tế - xã hội một cách mạnh mẽ.

Màn múa rồng tại Liên hoan nghệ thuật múa Rồng - Hà Nội năm 2020. Ảnh: Hữu Nguyên

Trung tâm văn hóa tiêu biểu

Di sản văn hóa (DSVH) là một trong những yếu tố cấu thành nguồn lực văn hóa. Đó là nguồn lực được kết tinh trong các giá trị văn hóa của một dân tộc, một cộng đồng được biểu hiện thông qua các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể và trong các hoạt động văn hóa của con người. Nguồn lực văn hóa tồn tại dưới dạng hữu hình như hệ thống DSVH, các tài sản văn hóa vật thể, đồng thời tồn tại dưới dạng vô hình, thể hiện ở giá trị truyền thống, phong tục, tập quán, lối sống...

Với vai trò, vị trí đặc biệt, Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế - xã hội mà còn là trung tâm văn hóa lớn của cả nước. Nguồn lực văn hóa của Hà Nội là lợi thế mà các địa phương khác khó có thể so sánh được. Là địa phương đi đầu trong cả nước hoàn thành Đề án Tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích và Đề án Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, kho tàng văn hóa của Hà Nội hiện diện với số lượng DSVH vật thể và phi vật thể lớn nhất trong cả nước: Gần 6.000 di tích, gần 1.800 DSVH phi vật thể. Hà Nội có nhiều DSVH được xếp hạng với 2.435 di tích cấp quốc gia và thành phố, trong đó có một Di sản văn hóa thế giới, 19 Di tích quốc gia đặc biệt; 18 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đặc biệt, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc, Nghi lễ và trò chơi kéo co, Hát ca trù đã được ghi nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Những năm qua, Hà Nội đã triển khai có hiệu quả nhiều dự án bảo vệ, phát huy giá trị DSVH phi vật thể với những kết quả đáng ghi nhận như: Bảo quản, lưu giữ 12 nhóm với 149 Bảo vật quốc gia tại các bảo tàng, di tích và bộ sưu tập tư nhân trên địa bàn thành phố; vinh danh các nghệ nhân trong lĩnh vực DSVH phi vật thể; duy trì và phát huy giá trị các lễ hội mang đậm nét văn hóa đặc trưng của văn hóa Thăng Long... Ngoài ra, Hà Nội còn là nơi hội tụ tinh hoa làng nghề truyền thống của cả nước với khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề truyền thống tiêu biểu. Đây chính là tiềm năng, lợi thế lớn để Hà Nội trở thành nơi hội tụ, thúc đẩy sự sáng tạo trong cộng đồng.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho rằng: “Với Thủ đô Hà Nội, có thể khẳng định rằng, vai trò trung tâm chính trị là số một, nhưng ngay sau đó phải là trung tâm văn hóa tiêu biểu của cả quốc gia - dân tộc”. Cũng theo đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nguồn lực văn hóa nhất thiết phải được chuyển hóa thành động lực phát triển, phải được “vốn hóa”, giá trị hóa, trở thành lợi thế cạnh tranh với các lĩnh vực khác, nghĩa là trở thành hàng hóa và dịch vụ chứ không đơn thuần là sự thưởng thức văn hóa, nghệ thuật thông thường.

“Nguồn lực văn hóa ấy phải trở thành sức mạnh mềm, đậm dấu ấn kinh tế, góp phần đắc lực hỗ trợ chính trị cũng như các lĩnh vực khác. Nó phải thực sự lắng đọng, kết tinh, thấm đẫm nét riêng có, bản sắc, linh hồn của Hà Nội - “trái tim của cả nước”, “Thành phố Vì hòa bình” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh.

Vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ trở thành sản phẩm du lịch đặc thù của huyện Quốc Oai và thành phố Hà Nội.

Sáng tạo trên nền tảng văn hóa truyền thống

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại Hà Nội luôn là nhiệm vụ xuyên suốt. Thành phố cũng áp dụng nguyên tắc “bảo tồn động” mà UNESCO khuyến nghị, trong đó chú trọng vai trò của cộng đồng. Điểm nổi bật của nguyên tắc này là cộng đồng có thể đóng vai trò sáng tạo các giá trị văn hóa mới, làm giàu DSVH của quốc gia và nhân loại...

Điều này được thể hiện qua nhiều hoạt động, sự kiện, sự hình thành các không gian văn hóa, không gian sáng tạo mang thương hiệu Thủ đô như: Lễ hội âm nhạc Gió mùa, Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản - Hà Nội, Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội, Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, Phố bích họa Phùng Hưng, Hợp tác xã Vụn Art, Không gian sáng tạo Ơ kìa Hà Nội, dự án Tinh hoa làng nghề Việt Nam... Những hoạt động, không gian sáng tạo này được hình thành trên cơ sở phát huy giá trị DSVH vật thể và phi vật thể với những sáng tạo về thiết kế, phục vụ đời sống văn hóa của người dân, tạo thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, nổi bật của Thủ đô.

Thời gian qua, nhiều địa phương đã nhạy bén nắm bắt xu hướng sáng tạo, phát huy giá trị di sản để phát triển kinh tế, trong đó phải kể đến huyện Quốc Oai với vở diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ. Ông Nguyễn Văn Thọ, Bí thư Huyện ủy Quốc Oai chia sẻ: “Sân khấu vở diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ nằm ngay dưới chân núi Thầy (xã Sài Sơn) với không gian đậm chất làng quê Việt. Chất liệu văn hóa dân gian được kết hợp với nghệ thuật sắp đặt trong vở diễn đem đến cho khán giả cái nhìn gần gũi, chân thực về cuộc sống làng quê Việt Nam với những phong tục, tập quán, DSVH phi vật thể độc đáo.

Sau gần 3 năm công diễn, vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ trở thành sản phẩm du lịch đặc thù của huyện Quốc Oai và thành phố Hà Nội. Cũng từ sản phẩm này, Quốc Oai đã xây dựng các tour, tuyến, điểm du lịch dựa trên thế mạnh của địa phương, gắn với các di tích như: Chùa Thầy, đình So, chùa Một Mái... Hằng năm, các điểm du lịch này đón khoảng 150.000 lượt khách tham quan, mang lại nguồn thu cho địa phương. Đó là cách phát huy nguồn lực văn hóa địa phương, tạo dựng thương hiệu đặc sắc”.

Sức sáng tạo còn được thấy ở các làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội trong những năm gần đây. Tiêu biểu là làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm), làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông), làng sơn mài Hạ Thái (Thường Tín), mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ)... Thiết kế sáng tạo của các nghệ nhân làng nghề truyền thống góp phần tạo nên nhiều thương hiệu sản phẩm nổi tiếng trong nước và thế giới, không chỉ được sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày mà còn có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, vừa khơi dậy sức sáng tạo vừa góp phần hình thành thương hiệu có bản sắc riêng.

Hiệu quả của sự sáng tạo sản phẩm làng nghề đã được chứng minh trong thực tế. Theo thống kê năm 2019 của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, giá trị sản xuất làng nghề Hà Nội đạt khoảng 22.000 tỷ đồng (khoảng 1 tỷ USD); giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 200 triệu USD. Các làng nghề đều có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu, trong đó, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu 10 - 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 - 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương. Điển hình như tại làng nghề mây tre đan thôn Thái Hòa (xã Bình Phú, huyện Thạch Thất), thu nhập bình quân đạt 11,2 triệu đồng/người/tháng; ở làng nghề truyền thống nhiếp ảnh thôn Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức), thu nhập lao động bình quân đạt 10,8 triệu đồng/người/tháng... Đó là hiệu quả kinh tế thu được từ việc sáng tạo dựa trên nền tảng giá trị DSVH.

Sau khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, những cơ hội mới đã mở ra với Hà Nội. Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đánh giá: “Hệ thống DSVH phong phú là tài sản vô giá để Hà Nội phát huy nguồn lực văn hóa; là động lực để thổi bùng lên ngọn lửa của sức sáng tạo và đổi mới đối với cộng đồng sáng tạo của Thủ đô và cả nước. Hà Nội đã gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Đó là điều kiện thuận lợi phát huy sức mạnh tổng hợp của các nguồn lực, trong đó trọng tâm là nguồn lực văn hóa; góp phần quan trọng trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh cũng như gia tăng cơ hội hợp tác trên mọi lĩnh vực sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững... Đây sẽ là đòn bẩy để Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo của khu vực Đông Nam Á”.

Có thể nói, thiết kế sáng tạo hay các không gian văn hóa sáng tạo dựa trên cơ sở phát huy giá trị DSVH là “nguồn lực mềm” tác động vào sự phát triển của Hà Nội. Vấn đề là phải chuyển hóa được nguồn lực, nguồn tài nguyên đó thành “sức mạnh mềm” văn hóa. Đó cũng là nhiệm vụ đặt ra sau khi Hà Nội gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Thổi bùng'' ngọn lửa sáng tạo dựa trên nguồn lực văn hóa