Nghệ thuật công cộng kết nối, đánh thức tâm hồn thành phố

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn| 03/10/2020 06:34

(HNMCT) - Trong 10 năm trở lại đây, Thủ đô Hà Nội và cả nước đã có những bước chuyển mình to lớn. Lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật cũng như các lĩnh vực khác đều đối mặt với xu thế thay đổi tất yếu.

Nếu như các quy luật kinh tế tạo nên những thiết chế vận hành với quy chuẩn ngày càng chặt chẽ, có xu hướng ngày một đồng nhất, thì văn hóa nghệ thuật và các ngành sáng tạo lại có xu hướng tạo nên những điều khác biệt, hướng tới sự đa dạng, không đồng nhất. Sự đa dạng về xu hướng cũng như sắc thái mới tạo nên giá trị trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Xu hướng này có thể nhìn thấy khá rõ nét trong đời sống xã hội, đặc biệt là ở những thành phố lớn, tiêu biểu là Thủ đô Hà Nội. 

Dự án nghệ thuật công cộng ở khu vực phố Phùng Hưng thu hút đông đảo người dân Thủ đô và du khách ghé thăm. Ảnh: Duy Khánh

Chưa bao giờ các sự kiện văn hóa, văn học nghệ thuật, các trào lưu sáng tạo từ cá nhân, các nhóm nghệ sĩ, nhà thiết kế... lại nở rộ về số lượng và cả chất lượng như trong giai đoạn 10 năm trở lại đây. Hà Nội, với lợi thế về một bối cảnh văn hóa - lịch sử giàu có, một thành phố của sự tương phản đầy sinh động giữa truyền thống và hiện đại, còn ngổn ngang đấy mà vô cùng hấp dẫn, đã không ngừng vận động, tìm cho mình một lối đi đúng đắn để hướng tới tương lai sáng sủa. Trong đó, dòng chảy của sự sáng tạo, của nghệ thuật và văn hóa chính là yếu tố quan trọng có thể tạo nên bản sắc đô thị, một thành phố sống động bậc nhất Đông Nam Á.

Dễ thấy rõ hơn về điều này qua sự phát triển của nghệ thuật công cộng ở Hà Nội. Có thể nói, nghệ thuật công cộng là loại hình nghệ thuật gần gũi với đô thị, có khả năng kết nối và đánh thức tâm hồn một thành phố. Loại hình nghệ thuật này đòi hỏi nhiều yếu tố tương tác với ngữ cảnh và địa hình cụ thể, là sự tổng hòa các vai trò từ các nghệ sĩ thuộc nhiều lĩnh vực nghệ thuật đến chính quyền địa phương, người dân...

Nhìn ra khu vực Đông Nam Á, tại những thành phố như Bangkok, Jakatar, Manila, Singapore..., công nghiệp sáng tạo đã được quan tâm thúc đẩy từ nhiều thập niên qua. Có thể dễ dàng bắt gặp những khu nghệ thuật, những trung tâm thiết kế từ lớn tới nhỏ trong thành phố. Bảo tàng nghệ thuật cũng như các công trình nghệ thuật công cộng xuất hiện dày đặc trong thành phố. Những hội chợ nghệ thuật thường niên, Festival nghệ thuật được tổ chức định kỳ nhằm thúc đẩy sự hiểu biết, trình độ thưởng thức nghệ thuật của người dân bản địa, hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu, thu hút đông đảo du khách quốc tế. Và trên hết là những cơ chế quản lý văn hóa cởi mở đã hình thành nhằm thúc đẩy tối đa sự tự chủ, tự do sáng tạo và trao đổi, giao lưu văn hóa quốc tế.

Có nhiều bài học kinh nghiệm từ thế giới mà thành phố Hà Nội có thể xem xét, chọn lọc ứng dụng, đặc biệt là trên phương diện quản lý văn hóa nhằm tạo ra cơ chế, chính sách phù hợp với sự phát triển. Một số điểm sáng của những không gian sáng tạo không đủ sức tồn tại khi thiếu sự ủng hộ và đồng hành về mặt chính sách. Những dự án nghệ thuật công cộng trong nhiều năm qua phát triển một cách manh mún, thiếu sự đồng bộ. Tuy một vài năm gần đây tại Hà Nội có sự xuất hiện tích cực của một số dự án nghệ thuật công cộng như dự án ở khu vực phố Phùng Hưng, Phúc Tân, hay dự án sân chơi cho trẻ em từ đồ tái chế Think playground, cho thấy những nỗ lực cá nhân của nhóm nghệ sĩ và kiến trúc sư, nhưng cần phải khẳng định rằng các hoạt động này chưa đủ sức dẫn dắt hiệu quả để tạo ra xu hướng mang tính phổ biến nếu không có sự đồng thuận của chính quyền địa phương.

Thật vậy, thuở ban đầu, dự án nghệ thuật công cộng ở khu vực Phùng Hưng đã diễn ra với vô vàn khó khăn. Rất may, quyết tâm của chính quyền quận Hoàn Kiếm, sự tâm huyết của các nghệ sĩ... đã tạo nên một địa chỉ nghệ thuật công cộng thu hút đông đảo người dân Thủ đô cùng hàng triệu lượt khách ghé thăm trong thời gian qua. Tương tự như vậy, dự án nghệ thuật công cộng ở Phúc Tân đã làm biến đổi một đoạn đường vốn ô nhiễm nặng nề thành không gian nghệ thuật phục vụ cho hoạt động giao lưu văn hóa, tương tác thú vị. Trong sự thành công đã có được, cần phải ghi nhận tinh thần vào cuộc chủ động, tích cực, rõ trách nhiệm của chính quyền quận Hoàn Kiếm.        

Như vậy, có thể thấy trên con đường tương lai của Hà Nội, Thành phố sáng tạo - được UNESCO ghi danh vào cuối năm 2019 - cần rất nhiều sự dũng cảm thay đổi tư duy thể hiện qua việc hoạch định chính sách quản lý cũng như nhiệt huyết của chính đội ngũ những người làm công việc sáng tạo. Đó là lối đi mang tính sống còn để định hình tương lai của một Hà Nội sáng tạo, một thành phố xứng đáng được kỳ vọng với những tiềm năng và năng lực vốn có.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ thuật công cộng kết nối, đánh thức tâm hồn thành phố