Bài cuối: Sáng tạo cho thành phố tương lai

Hà An| 03/10/2020 15:07

(HNMCT) - Là một bộ phận tạo nên văn hiến Thăng Long - Hà Nội, văn học nghệ thuật Thủ đô suốt dòng chảy 1010 năm qua đã cho thấy sức sáng tạo như một yếu tố sống còn, liên tục được kế thừa và cũng không ngừng nảy nở, thăng hoa. Văn nghệ sĩ Thủ đô với tinh thần sáng tạo đó hơn lúc nào hết cần cùng nhau nuôi nguồn cảm hứng, xây dựng thành phố thành nơi đáng sống, trung tâm sáng tạo của khu vực và thế giới.

Lễ hội đường phố tại Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận năm 2019. Ảnh: Huy Phạm

1. Giáo sư Vũ Khiêu và nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc từng nhấn mạnh đặc điểm của văn hiến Thăng Long “thể hiện ra từ cung cách tư duy đến sinh hoạt hằng ngày, từ sự bảo vệ một cách ngoan cường bản sắc của dân tộc đến sự tiếp thu nhạy bén và sáng tạo những tinh hoa nhân loại, từ sự phát minh khoa học đến sáng tạo văn học nghệ thuật...”. Cuộc dời đô mở đầu cho nền văn hiến Thăng Long cũng được hai nhà nghiên cứu chỉ ra, đó trước hết là “sáng kiến” của vua Lý Công Uẩn. Để thấy sáng tạo đã được nhắc đến từ thuở lập đô và luôn là yếu tố tạo nên đặc trưng văn hiến  Thăng Long - Hà Nội suốt 1010 năm qua, trong đó có dấu ấn đậm nét của văn học nghệ thuật. 

Một năm trước thời điểm Hà Nội tròn 1010 năm tuổi, ngày 31-10-2019, Thủ đô chính thức trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, là thành phố sáng tạo thứ 246 trên thế giới và là thủ đô thứ 32 được công nhận về sáng tạo thiết kế. Sự kiện này phát đi một thông điệp hết sức mạnh mẽ về xu thế phát triển tất yếu của Thủ đô và văn học nghệ thuật có thể tự hào khi đã, đang và sẽ không ngừng đóng góp cho hành trình đi tới của Hà Nội.

Có thể nói, ngay cả khi Thành phố chưa được UNESCO ghi danh là Thành phố sáng tạo, ở Thủ đô đã không ngừng nảy nở những ý tưởng, việc làm về sáng tạo như một nhu cầu tự thân của lực lượng văn nghệ sĩ, người dân. Những thiết kế, sáng tạo không chỉ được ghi nhận qua các giải thưởng mà còn thực sự bước vào đời sống... truyền đi một cảm hứng lớn về sự thay đổi cách ứng xử với thành phố, bồi đắp các giá trị nhân văn cho Thủ đô.

Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân mang lại sức sống mới cho khu dân cư.

Một trong những chỉ dấu đó là sự phát triển đa dạng các không gian sáng tạo ở Hà Nội, đặc biệt là trong 10 năm qua với số lượng đông đảo nhất cả nước, mang đậm dấu ấn văn học nghệ thuật và cống hiến của văn nghệ sĩ. Có thể kể đến Ơ kìa Hà Nội của nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp với những buổi chiếu phim, tọa đàm, đêm nhạc... đậm chất Hà thành; Vụn Art với sự dẫn dắt, hỗ trợ của họa sĩ Đặng Thị Khuê - nơi mỹ thuật được ứng dụng mang lại giá trị mới cho những mảnh lụa vụn ở làng nghề, khơi gợi sức sáng tạo của một lực lượng người khuyết tật ở Thủ đô. Mới đây, ngôi nhà VUUV - 342 Bà Triệu của anh em kiến trúc sư Vũ Hoàng Sơn, Vũ Hoàng Hà đã được chính hai anh em thiết kế tràn ngập gió trời, ánh sáng, là nơi diễn ra nhiều hoạt động triển lãm, trình diễn nghệ thuật đương đại, thể hiện một hướng mở với không gian nhà ống đặc trưng của Hà Nội... Chưa kể đến Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, phố bích họa Phùng Hưng, phố đi bộ Trịnh Công Sơn, dự án nghệ thuật công cộng ở Phúc Tân...

Bên cạnh đó, các nghệ sĩ đương đại và dân gian còn mang đến nhiều hoạt động nghệ thuật mang hơi thở sáng tạo mạnh mẽ như Lễ hội âm nhạc Gió mùa, các chương trình đưa văn nghệ dân gian từ những cộng đồng làng xã bước ra không gian đô thị mang lại những giá trị mới như múa cổ truyền Thăng Long, hát chèo tàu (Tân Hội, Đan Phượng)...

2. Tái tạo đặc trưng đô thị, kiến tạo hình ảnh khác biệt, nhân văn cho thành phố trong thời đại toàn cầu hóa là một trong những đòi hỏi tất yếu của các đô thị trên thế giới.  

Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế mà Hà Nội được công nhận là một cách định hướng về bản sắc cho sự phát triển của đô thị nhưng về bản chất, đó là một thành phố hướng tới huy động sức sáng tạo trên mọi lĩnh vực của chính người dân, nâng cao chất lượng sống, kết nối người dân với thành phố của mình. Thành phố thông minh - một bộ phận của thành phố sáng tạo mà Hà Nội hướng tới cũng không nằm ngoài mục tiêu đó.   

Như vậy, không có gì ngạc nhiên khi các công dân - văn nghệ sĩ đi đầu trong vai trò tạo dựng thành phố của mình trở thành thành phố thông minh, thành phố sáng tạo. Bản thân sự vận động của Hà Nội trong xu thế này cũng là một đối tượng phản ánh của văn học nghệ thuật, mang lại chất liệu, nguồn cảm hứng sáng tạo mới mẻ cho người nghệ sĩ. Nhà văn Nguyễn Trương Quý cho rằng: “Sự phát triển bắt buộc những người làm công việc sáng tạo phải tự vấn đã làm gì để vượt lên mình hôm qua và tạo ra một bản sắc của mình trong đô thị”.

Lễ hội âm nhạc Gió mùa mang hơi thở sáng tạo mạnh mẽ.

Trong cuốn sách ảnh Kiến tạo không gian văn hóa sáng tạo Hà Nội năm 2019, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội - cơ quan thực hiện công trình này cũng khẳng định: “Thành phố xác định chăm lo xây dựng nền tảng cho sáng tạo nói chung và thiết kế sáng tạo nói riêng; trong đó có giáo dục sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho địa phương với các dự án làm đẹp thành phố bằng nghệ thuật và văn hóa; tổ chức các sự kiện văn hóa sáng tạo quốc tế như tuần lễ phim, liên hoan âm nhạc, biểu diễn...”.

3. Văn học nghệ thuật là một bộ phận quan trọng và đặc biệt tinh tế của văn hóa. Xây dựng văn hóa, con người Hà Nội như một nguồn lực nội sinh cho sự phát triển của thành phố không thể không tính đến vai trò của văn học nghệ thuật. Sự vận động của văn học nghệ thuật Thủ đô suốt những năm qua, trong đó có 10 năm gần đây đã chỉ ra sự cần thiết tiếp tục có những giải pháp hiệu quả, tác động trực tiếp đến môi trường sáng tạo và lực lượng sáng tạo.

Trước hết, hoạt động sáng tạo cần được phát triển mạnh mẽ trong một hệ sinh thái, tức là ở đó những ý tưởng, nỗ lực cống hiến được kích hoạt kết nối với nhau nhằm phát huy cao nhất sức ảnh hưởng trong đời sống. Nghệ sĩ trẻ Lê Đăng Ninh, thành viên dự án nghệ thuật công cộng ở Phúc Tân chia sẻ: “Gần đây, chúng tôi nhận thấy nhiều tín hiệu tích cực của chính quyền các cấp trong cách huy động sự tham gia của nghệ sĩ, người dân nhằm cải tạo bộ mặt đô thị mà dự án nghệ thuật công cộng ở Phúc Tân là một ví dụ. Tuy nhiên, về lâu dài, chúng ta cần cơ chế quản lý rõ ràng hơn đối với các dự án nghệ thuật để có thể kết nối rộng rãi, huy động được tối đa đóng góp của người nghệ sĩ và mang lại sự bền vững cho các công trình này ở Thủ đô”.

Ngôi nhà VUUV, một sáng tạo mới của các kiến trúc sư thể hiện một hướng mở với không gian nhà ống đặc trưng của Hà Nội.

Các nghệ sĩ của Hội Điện ảnh Hà Nội cũng mong muốn thành phố phải có một nền công nghiệp điện ảnh với những hãng phim có khả năng sản xuất những tác phẩm điện ảnh lớn về lịch sử, con người Hà Nội. Như vậy, cần đầu tư tập trung cho các đề tài điện ảnh về Hà Nội, cho cơ sở vật chất điện ảnh Hà Nội bằng một cơ chế khoa học, chính xác, hiệu quả.

Ý kiến của các nghệ sĩ đã cho thấy, vai trò quan trọng của cơ quan quản lý, các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp trong việc tập hợp đội ngũ, tạo cơ chế kích hoạt được sự say mê dấn thân của văn nghệ sĩ. Bản thân các nghệ sĩ cũng phải không ngừng kiếm tìm các giá trị từ kho di sản quý giá của cha ông, không ngừng học hỏi và lặn ngụp trong đời sống, đặc biệt là chủ động kết nối để xây dựng hệ sinh thái sáng tạo...

Vị thế của đất nước, của Thủ đô trên thế giới cũng là điều kiện hết sức thuận lợi để văn nghệ sĩ mở rộng hợp tác, tìm lối đi riêng cho mình, sáng tạo không ngừng như một nhu cầu tự thân và cũng là để tri ân thành phố đã mang lại cho mình nguồn cảm hứng bất tận.

Mỗi bước đi của chúng ta hôm nay đều chạm vào âm vang nghìn năm của Hà Nội. Đó là âm vang từ các giá trị truyền thống của văn hóa, văn học nghệ thuật và các văn nghệ sĩ phải góp phần làm nổi bật các giá trị đó, làm cho người dân hiểu sâu sắc các giá trị của mảnh đất văn hiến nghìn năm.

Tôi tin rằng, lớp trẻ hôm nay cũng nhiều người giữ được những nét đẹp văn hóa của Hà Nội, vấn đề là phải tập hợp và phát huy được tiềm năng sáng tạo của lực lượng này. Cá nhân tôi, dù tuổi cao nhưng tôi vẫn mong mỏi thực hiện một dự án nho nhỏ là tìm lại những bức ảnh xưa dựng lại bên một số công trình văn hóa, lịch sử ở Hà Nội, kèm chú thích ngắn gọn để người dân, du khách trong khi tham quan Hà Nội có được sự hiểu biết thêm về những trầm tích văn hóa của Thủ đô, gợi mở thêm nhiều sáng tạo cho thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Sáng tạo cho thành phố tương lai