Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Bắc Vũ| 28/09/2020 07:15

(HNM) - Thăng Long - Hà Nội qua dòng chảy thời gian, luôn là nơi hội tụ tinh hoa và sức mạnh của dân tộc. Với niềm tự hào ấy, cùng vị thế của Thủ đô, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, vấn đề phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội coi trọng, đặt thành một trong những nhiệm vụ trọng yếu của tiến trình đổi mới Thủ đô, đất nước.

Điểm nổi bật cũng là giá trị cốt lõi, xuyên suốt, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào - người Hà Nội luôn biết phát huy, gìn giữ nét văn minh, thanh lịch đã được hun đúc qua chiều dài hàng nghìn năm lịch sử. Nét thanh lịch người Tràng An không chỉ biểu hiện ở bề ngoài, mà còn chứa đựng cái cốt lõi của bản sắc, được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Để rồi, qua dòng chảy thời gian, những đức tính tốt đẹp của người Hà thành ngày càng được nhân lên. Đặc biệt, những năm gần đây, nội dung xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được triển khai bằng nhiều giải pháp thiết thực, bám sát thực tiễn đời sống. Định hướng có tính bao trùm nhất phải kể đến Chương trình số 04-CTr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

Kế đến là những bước đi đột phá và riêng có như việc triển khai Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Những quy tắc này đã làm thay đổi căn bản nhận thức, thái độ, hành vi ứng xử của không chỉ công chức, viên chức mà cả với người dân Thủ đô và du khách khi đến Hà Nội.

Nói cách khác, việc thực hiện quy tắc ứng xử đã góp phần khơi dậy ý thức, trách nhiệm, niềm tự hào của người Hà Nội, qua đó đề cao, vun đắp nếp sống văn minh. Tác động để làm đẹp thêm, nhân lên nét đẹp văn hóa người Hà Nội còn phải kể đến các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “Người tốt, việc tốt”…

Cùng tự thân trong nét văn hóa đặc sắc Thăng Long - Hà Nội, điểm nữa không thể không nói. Đó chính là sự hòa hợp nếp sống giữa người dân Hà thành với người dân mọi miền Tổ quốc. Ở mảnh đất “hào kiệt bốn phương tụ về”, Hà Nội đã sàng lọc, gom nhặt những cái đẹp nhỏ nhất của bốn phương để làm giàu cho mình và đồng thời lan tỏa văn hóa Thăng Long đi muôn nơi.

Suy cho cùng, người Hà Nội thanh lịch, văn minh là luôn chấp hành pháp luật, sống nghĩa tình, vì mọi người, nói lời hay, làm việc tốt. Là người thợ thủ công thì biết giữ tố chất tương trợ, giúp đỡ nhau; người nông dân giữ cái thuần phác, cần cù; người trí thức giữ cốt cách của người “học rộng, hiểu nhiều”, nói lời dễ nghe…

Chả thế mà ca dao có câu: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Người Hà Nội luôn tự hào về những nét “văn minh, thanh lịch” ấy!

Mới đây, trong cuộc làm việc của tập thể Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về công tác chuẩn bị Đại hội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Hà Nội có lịch sử ngàn năm văn hiến, nền văn hóa lâu đời, truyền thống cách mạng vẻ vang; tiêu biểu cho truyền thống văn hiến và anh hùng, hòa bình và hữu nghị của dân tộc Việt Nam. Cổ Loa, Đông Đô, Thăng Long, Hà Nội là tiêu biểu cho lịch sử ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam, một dân tộc anh hùng, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm. Hà Nội linh thiêng và hào hoa, niềm tin và hy vọng... Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nhắc nhở: Nói đến Hà Nội phải nói đến toàn diện các lĩnh vực, phát triển kinh tế là quan trọng, nhưng phải chú trọng văn hóa, Hà Nội phải văn minh, thanh lịch, cụ thể hóa tiêu chí xây dựng người Hà Nội, xây dựng Thủ đô.

Xây dựng ứng xử văn hóa là nhiệm vụ quan trọng, nhất là thời điểm Hà Nội đang giao thoa nhiều hình thái văn hóa trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Trong dòng chảy ấy, người Hà Nội cần biết "gạn đục khơi trong", dung hòa giữa cái cũ và cái mới, giữ gìn tác phong, lề lối, cách nghĩ hiện đại bên cạnh nếp ứng xử của người Tràng An.

Và phải nhấn mạnh rằng, văn hóa trong xã hội có gốc từ gia đình. Vì thế, hơn bao giờ hết cần đặc biệt chú trọng vấn đề văn hóa gia đình. Mọi công dân được giáo dục tốt từ gia đình, thì mới có thể ứng xử hay ngoài xã hội. Điều này cũng phải được thực hiện ngay từ môi trường học đường để những ứng xử văn minh, hành động đẹp thấm sâu trong nhận thức của mỗi cá nhân.

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh ở các cơ quan, đơn vị, thôn, làng, tổ dân phố, mỗi "tế bào xã hội"... luôn là nhiệm vụ quan trọng, góp phần phát triển Thủ đô toàn diện, bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh