Bài 3: Ca khúc về Hà Nội: Những sắc màu tươi mới

Trà Giang| 24/09/2020 08:40

(HNMCT) - Cũng như với văn học, Hà Nội là nguồn cảm hứng chưa bao giờ vơi cạn với âm nhạc. Mỗi thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ và công chúng đều có cách khác nhau để cất lên lời ca thể hiện tình yêu Hà Nội. Vì thế, Hà Nội không ngừng hiện lên tươi mới, đầy màu sắc qua lăng kính âm nhạc.

Hà Nội là nguồn cảm hứng chưa bao giờ vơi cạn với âm nhạc.  Ảnh: Lê Việt Khánh

Một Hà Nội đầy sức trẻ

Nếu tìm kiếm ca khúc mới về Hà Nội, hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên khi thấy một Hà Nội rất trẻ, mới mẻ và thú vị qua những bản rap - thể loại âm nhạc “hot” đối với giới trẻ hiện nay. Trong tập mới phát sóng vào tháng 8 vừa qua của chương trình truyền hình King of Rap, rapper Richchoi (Lê Anh Đức) đã chinh phục khán giả và các huấn luyện viên bằng một bản rap với những câu dí dỏm: “Hà Nội đây rồi/ Xỏ chân vào đôi giầy/ Đi qua 36 phố…”. Cũng trong chương trình này, rapper GTM (Trương Hoàng Long), 20 tuổi, gây chú ý với những câu rap về Hà Nội: “Người Hà Nội mềm mại như lụa, rực rỡ như bông đào giao thừa.../ Mang bản sắc Thủ đô từ dòng phù sa đắp vào bản giao hưởng...”. 

Trước đó cũng có nhiều bản rap về Hà Nội khiến giới trẻ say mê như bài Người Hà Nội của nhóm FOSent từng “gây sốt” năm 2013 với ca từ lãng mạn: “Hà Nội trong tôi cũng vậy với nét cổ kính pha màu thi sĩ/ họa nên bức tranh với hơn nghìn năm đã qua/ Những góc phố nhỏ của Hà Nội/ vẫn in trong khúc ca mộc mạc và thân thương”. Dĩ nhiên, đâu đó vẫn còn những câu hát “phô”, thậm chí cả những lời chưa đẹp, nhưng với đặc trưng là sự phóng khoáng, sôi động, những bản rap này góp phần phác họa một Hà Nội dưới góc nhìn của những người trẻ - rất gần gũi, đời thường, hiện đại nhưng vẫn là một Hà Nội mang bản sắc riêng, kết nối quá khứ và hiện tại.

Nhạc sĩ - Nghệ sĩ Nhân dân Trọng Đài

Rất nhiều nhạc sĩ viết về Hà Nội, với đủ cung bậc cảm xúc, phong cách. Nhưng quen thuộc nhất vẫn là những bản nhạc trữ tình, có lẽ bởi những ngõ nhỏ, phố nhỏ, cái duyên dáng của một thoáng sông Hồng, cái lãng mạn đến nao lòng của những chiều thu lá đổ và cái chất tâm tình của người Hà Nội... đã khiến bao thế hệ nhạc sĩ rưng rưng xúc động. Và lạ kỳ, chất lãng mạn có độ trầm lắng riêng có ở vùng đất này vẫn đang khiến các nhạc sĩ trẻ say đắm. Người nghe có thể nhận ra điều đó khi thấy một Hà Nội trong nhịp sống thân quen nhưng cũng đầy chất thơ trong ca khúc Nồng nàn Hà Nội của nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường. Một Hà Nội giản dị mà sôi động trong ca khúc Hà Nội trà đá, vỉa hè của Đinh Mạnh Ninh. Một “Hà Nội phố” đặc biệt trong Phố không mùa, Hà Nội mùa lá bay của Dương Trường Giang. Một Hà Nội 12 mùa hoa lãng mạn mà cũng đầy sức sống trong âm nhạc Giáng Son. Một Hà Nội với những địa danh nổi bật nhất trong Gọi tôi Hà Nội của Trịnh Minh Hiền...

Không thể kể hết số ca khúc về Hà Nội được các nhạc sĩ trẻ sáng tác trong thập niên vừa qua, nhưng có thể thấy nổi lên ở đó những góc nhìn về Hà Nội lãng mạn nhưng gần gũi, giàu sức trẻ, có trăn trở, có hoài niệm nhưng cũng đầy tin yêu, lạc quan.

Ca sĩ trẻ Phan Trung Kiên thể hiện thành công ca khúc Hà Nội 12 mùa hoa của nhạc sĩ Giáng Son.

Khát khao xây dựng “tượng đài”

Là nguồn cảm hứng lớn nhưng đề tài Hà Nội cũng là thách thức đối với các nghệ sĩ muốn tạo dựng “tượng đài Hà Nội” trong âm nhạc của riêng mình. Họ liên tục tìm tòi, thử nghiệm với đề tài này. Trong bài tham luận “Dấu ấn ca khúc Thủ đô một thập niên sau Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”, nhạc sĩ Cát Vận viết: “Có thể nói, Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã tạo ra ngàn đóa hoa tươi thắm trong vườn hoa nghệ thuật nước nhà, là cơ hội sáng tạo và phát triển văn hóa nghệ thuật Thủ đô, trong đó có âm nhạc. Không thể thống kê hết số bài hát của các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam sáng tác sau Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, chỉ có thể kể tên một số ca khúc được nhiều người biết đến và ưa thích còn đọng lại cùng thời gian sau một thập niên kể từ sự kiện văn hóa - lịch sử ấy. Điều dễ thấy, đứng hàng đầu trong danh sách các tác phẩm đó chính là tác phẩm của các nhạc sĩ Hà Nội”.

Theo nhạc sĩ Cát Vận, danh sách đó gồm đầy đủ những tên tuổi đã có nhiều ca khúc về Hà Nội “nằm lòng” trong công chúng. Đó là Phó Đức Phương với sáng tác mới Mênh mang một khúc sông Hồng bên cạnh Một thoáng Tây Hồ, Bên dòng sông Cái; là Nguyễn Cường - tác giả của Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội, từng đoạt giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội với hợp xướng Ngàn năm Thăng Long, nổi trống Lạc Hồng, nay giới thiệu ca khúc mới Hà Nội tôi; là Trương Ngọc Ninh với Phố trong làng và Cửa ô nhịp phố bên cạnh Tháng 10 Hà Nội đã có; là Cát Vận với Tâm ca người phố cổ - Giải thưởng Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội năm 2019; là Lân Cường với Cảm xúc Hoàng thành; là Bá Môn với Hà Nội có cầu Long Biên; là Lê Mây với Phía tây thành phố…

Đại diện cho một trong những đơn vị phát hành âm nhạc của Hà Nội hiện nay, ông Trịnh Sinh Nha, Tổng Giám đốc Công ty Hồ Gươm Audio từng khẳng định với Hànộimới Cuối tuần: “Các ca khúc về Hà Nội vẫn có chỗ đứng đặc biệt trong lòng người nghe. Riêng trong “kho” hơn 2.500 ca khúc đã được Hồ Gươm Audio đăng ký bản quyền, có tới hàng trăm bài về Hà Nội. Ngoài ra còn có hàng nghìn ca khúc về Hà Nội đã được sáng tác, phát hành ở các kênh âm nhạc khác nhau”.

Rõ ràng, sự bồi đắp cảm hứng về Hà Nội qua các nhạc sĩ đã mang đến cho công chúng một kho tàng âm nhạc đồ sộ.

Cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội 2020 thu hút đông đảo thí sinh tham gia.

Tinh hoa nghìn năm tỏa mãi

Nói về văn hóa Hà Nội là nói đến sự hội tụ tinh hoa mà âm nhạc Hà Nội không phải ngoại lệ. Đạo diễn - Nghệ sĩ Nhân dân Việt Hương, người nổi tiếng với rất nhiều MV âm nhạc hấp dẫn đã có cảm nhận hữu hình về dòng chảy âm nhạc Hà Nội từ xưa đến nay. Bà viết: “Chỉ cần qua những danh tích cũng thấy nền tảng, những nét văn hóa của cha ông ta còn để lại, lưu truyền đến hôm nay. Những đền miếu cổ xưa còn vang lên lời ca tiếng hát, nghệ thuật ca trù vẫn còn vang vọng tại Bích Câu đạo quán. Tiếng đàn, câu hát từ nghìn xưa của cha ông vẫn vang vọng đến hôm nay, hát tuồng ở Cổ Loa - Đông Anh, hát chèo ở các làng ven sông Hồng, hát trống quân, quan họ ở các làng Kinh Bắc...”.

Kho tàng văn hóa, văn nghệ dân gian của cha ông, đặc biệt là âm nhạc, vẫn tiếp tục được giữ gìn cho đến hôm nay. Như trong ca khúc của các thế hệ nhạc sĩ kể trên, chúng ta thấy rõ bóng dáng mạch nguồn truyền thống ấy, từ chất liệu âm nhạc đến ca từ, hình ảnh... Và nổi bật trong các sáng tác âm nhạc về Hà Nội có lẽ vẫn là sự thấu hiểu, niềm tự hào, thái độ trân trọng tinh hoa văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Đúng như nhạc sĩ Cát Vận nhận xét: “Một bức tranh âm nhạc toàn cảnh về Hà Nội xưa và nay, một Hà Nội tự hào về quá khứ đang đổi mới từng ngày với những khát vọng lớn lao đã toát lên trong những ca khúc mới với đầy đủ sắc thái tình cảm, ngôn ngữ âm nhạc truyền thống và hiện đại. Nó là sự tiếp nối từ dấu son ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, là điểm tựa cho ca khúc về Thủ đô đi tới”.

Nhạc sĩ Cát Vận

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Ca khúc về Hà Nội: Những sắc màu tươi mới