Phát huy vị thế giải thưởng văn học của Thủ đô

Việt Nhật| 19/09/2020 06:05

(HNMCT) - Một trong những yếu tố quan trọng nhất của các giải thưởng, trong đó có giải thưởng văn học, là khả năng tìm kiếm, ghi nhận, vinh danh các tác phẩm xứng đáng, từ đó khích lệ tác giả, thúc đẩy văn hóa đọc... Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội những năm qua không nằm ngoài quy luật vận động đó và việc phát huy vị thế giải thưởng này nhằm tác động tích cực vào đời sống văn chương Hà Nội.

Tác giả Thị dân tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà nhận giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2019 hạng mục văn xuôi.

Dù ở lĩnh vực nào, giải thưởng cũng là một loại thước đo để đánh giá sức lao động, đồng thời khích lệ tinh thần làm việc, sự sáng tạo của con người. Ở mảng sáng tác mang tính đặc thù như văn chương, giải thưởng càng rõ ý nghĩa vinh danh tác phẩm, đưa tác giả - tác phẩm đến gần hơn với công chúng, tạo sinh khí cho đời sống văn chương. Không như những cuốn sách đậm chất giải trí được quảng cáo ồn ào với nhiều “chiêu” PR, các nhà văn, nhà thơ đích thực năm này qua năm khác lặng lẽ viết, lặng lẽ xuất bản mà đôi khi nếu không có hệ thống giải thưởng, rất có thể nhiều tác phẩm không được công chúng biết đến.

10 năm sau Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhìn từ góc độ giải thưởng qua các năm, trong đó có Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội, có thể nhận thấy bầu không khí văn học Thủ đô hết sức sôi nổi. Những bậc lão thành, những tác giả nổi bật trong thời kỳ chiến tranh, các tác giả thành danh ở thế hệ sau vẫn không ngừng sáng tạo, tiếp tục cày ải trên cánh đồng văn chương như Hànộimới Cuối tuần đã phản ánh.

Đánh giá về giải thưởng văn học trong 10 năm qua, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà văn Hà Nội Trần Quang Quý cho rằng: “Dù một vài năm không có giải văn xuôi và thơ Hà Nội, nhưng nhìn chung chúng ta vẫn có các tác phẩm xuất sắc được trao giải. Trong 10 năm qua, chúng ta vẫn còn đó đội ngũ nhà văn, nhà thơ nhiều thế hệ gắn bó với Hà Nội, vẫn luôn tìm tòi bút pháp thể hiện, đổi mới tư duy nghệ thuật; xuất hiện nhiều cây bút trẻ thế hệ 9x đa giọng điệu, không ngừng làm mới mình”.

Vinh danh các tác giả “tiền bối”, Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội cũng ghi nhận và cổ vũ những tác giả mới chạm ngõ văn chương. Dằng dặc triền sông mưa của họa sĩ Đỗ Phấn được trao giải khi tác giả còn chưa là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, Những người vũ công Memphis của Đào Quốc Minh nhận giải thưởng tác giả thơ trẻ, Hồi ức lính của Vũ Công Chiến được trao giải thưởng dành cho tác phẩm đầu tay xuất sắc; có hai tác giả trẻ khác cũng được nhận giải thưởng là Đoàn Ánh Dương với tập phê bình Không gian văn học đương đại, và Nham Hoa với tiểu thuyết dịch Những đứa con của nửa đêm. Nhà phê bình trẻ Đoàn Ánh Dương chia sẻ: “Giải thưởng là nguồn động viên đáng quý cho những người cầm bút trẻ, đồng thời cũng là một cách chấp nhận tiếng nói khác của một thế hệ khác đối với văn học nước nhà”. 

Giải thưởng về phê bình đúng là có sức khích lệ rất lớn, nhất là trong bối cảnh lâu nay, những cây viết đàng hoàng dường như bị lấn át bởi “kiểu phê bình thân hữu tràn ngập” hoặc “tác giả bỏ tiền thuê người viết” - như nhà thơ Vũ Quần Phương từng nhận xét. Ông cho rằng, “đã có những hiện tượng đề cao giá trị giả bị phát hiện, xảy ra ở một hội nghề nghiệp lớn khi ban lãnh đạo chuyên môn quan liêu, không công tâm trong công việc”.

Ở mảng khác như thơ, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội từng băn khoăn: “Tại sao thơ Hà Nội có rất nhiều dấu ấn đổi mới, có rất nhiều tập thơ được, nhưng mấy năm vừa qua chúng ta không có tác phẩm nào được nhận giải của Hà Nội? Phải chăng đã có sự gay gắt, khắt khe quá với thi ca, khi mà tiêu chí bắt buộc phải có được gần 80% phiếu bầu”.

Ở một góc nhìn khác, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn cho rằng, hằng tháng “riêng Thủ đô Hà Nội có thể có tới hơn 100 tập thơ được xuất bản, phần lớn là thơ của các tác giả thuộc các câu lạc bộ thơ ở các phường xã, quận huyện. Đó là chưa kể các tập tản văn, truyện ngắn, sưu tầm nghiên cứu... Tôi nghĩ đó là một hiện tượng đáng mừng”. Tuy nhiên, nữ nhà thơ cũng bày tỏ lo ngại, rằng “ngoài con cháu chúng ta ra, có còn ai đọc tác phẩm của ta nữa không lại là một điều khác”.

Thực tế, nhiều năm thơ “mất mùa” giải thưởng chính là bởi “mặt bằng chất lượng của tác phẩm thơ chưa đồng đều, không có tập nào vượt trội để trao giải”. Có lẽ, không chỉ thơ mà văn xuôi cũng vậy, để trống giải thưởng thay vì “so bó đũa chọn lấy cột cờ” cũng là một cách “giữ giá” cho giải thưởng văn học. Một giải thưởng văn chương đúng nghĩa sẽ thu hút sự quan tâm không chỉ của giới chuyên môn mà còn cả số đông bạn đọc. Khi đó, dù tác phẩm được trao giải có nhận được ý kiến tranh luận nhiều chiều thì sự nghiêm túc, minh bạch, công tâm trong khâu xét chọn và chấm giải sẽ được nhìn nhận, mang đến uy tín cho giải thưởng - một sinh hoạt nghề nghiệp đặc biệt quan trọng của sáng tác văn chương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy vị thế giải thưởng văn học của Thủ đô