Hệ thống di tích cách mạng kháng chiến trên địa bàn Hà Nội: Đổi mới cách tiếp cận để phát huy giá trị

Bảo Khánh| 28/08/2020 15:59

(HNMCT) - Số lượng di tích cách mạng kháng chiến trên địa bàn Thủ đô hiện khá lớn, là nguồn sử liệu quý về những mốc son sáng chói trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc Việt Nam, thể hiện tinh thần yêu nước, dũng cảm và lòng yêu chuộng hòa bình của người Hà Nội.

Các di tích này cần được quan tâm nhiều hơn, cần đổi mới cách tiếp cận với công chúng để phát huy giá trị di sản trong đời sống hôm nay, góp phần tích cực vào việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Học sinh tìm hiểu lịch sử tại di tích nhà số 5D Hàm Long, quận Hoàn Kiếm. (ảnh chụp năm 2019)

Nguồn sử liệu quý

Theo các nhà nghiên cứu, có thể nhận diện hệ thống di tích cách mạng kháng chiến trên địa bàn Hà Nội theo từng giai đoạn lịch sử khác nhau. Đó là các di tích liên quan đến phong trào yêu nước chống thực dân Pháp như: Ngôi nhà số 10 Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm) - cơ sở của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục; các di tích liên quan đến các tổ chức cộng sản từ năm 1926 đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 gồm ngôi nhà 5D Hàm Long - nơi thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Hà Nội (tháng 3-1929), nhà 90 Thợ Nhuộm - nơi đồng chí Trần Phú khởi thảo bản Luận cương chính trị (tháng 10-1930)...

Nổi bật trong các di tích liên quan đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954) là các di tích gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh, những nơi Người từng đi qua, ở lại và làm việc như: Nhà cụ An, nhà bà Hai Vẽ (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ), nhà số 48 Hàng Ngang (quận Hoàn Kiếm), Nhà lưu niệm Vạn Phúc (quận Hà Đông), di tích chùa Một Mái (huyện Quốc Oai). Ngoài ra là hàng loạt điểm đến, di tích ghi dấu các sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước như: Bắc Bộ Phủ, Nhà máy Điện Yên Phụ, Pháo đài Xuân Canh, Địa đạo Nam Hồng...

Thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Hà Nội cũng có nhiều di tích để lại dấu ấn trong lòng nhân dân cả nước và thế giới như: Hồ Hữu Tiệp - nơi chiếc máy bay B52 của Mỹ rơi xuống làng hoa Ngọc Hà, cầu Long Biên, Tượng đài tưởng niệm người dân Khâm Thiên bị bom Mỹ giết hại, Hầm chỉ huy của Thành ủy ở Võng Thị (Tây Hồ), Nhà và hầm D67 (Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long)...

Theo kết quả kiểm kê di tích của Ban Quản lý di tích - danh thắng Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô hiện có 48 di tích cách mạng kháng chiến đã được xếp hạng, trong đó có 27 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 21 di tích xếp hạng cấp Thành phố. Cùng với đó là 341 địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến, trong đó có 296 địa điểm đã được gắn biển. “Có thể khẳng định, hệ thống di tích cách mạng kháng chiến trên địa bàn Hà Nội đóng vai trò rất quan trọng. Phần lớn các chủ trương, quyết sách có liên quan đến sự tồn vong của dân tộc, của quốc gia, của Đảng và Nhà nước ta đều ra đời ở Hà Nội”, PGS.TS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định.

Khách tham quan nhà bà Hai Vẽ (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ).

Bảo tồn và phát huy giá trị

Trong những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di tích cách mạng kháng chiến trên địa bàn Hà Nội luôn được Thành phố và các cơ quan chuyên môn quan tâm. Ông Nguyễn Doãn Văn, Trưởng ban Quản lý di tích - danh thắng Hà Nội cho biết: “Trong những năm gần đây, một số lượng lớn di tích đã được bảo tồn, tu bổ bằng nguồn kinh phí từ Trung ương, địa phương và xã hội hóa. Năm 2019, có 180 di tích được đầu tư với tổng kinh phí 1.180 tỷ đồng (trong đó có 282 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa). 6 tháng đầu năm 2020, có 48 di tích được đầu tư với số vốn nhà nước là 603 tỷ đồng, nguồn vốn xã hội hóa là 34 tỷ đồng. Qua quá trình khảo sát, đánh giá hiện trạng các di tích bị xuống cấp trên địa bàn Thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có báo cáo trình UBND Thành phố và đề xuất hỗ trợ tu sửa cấp thiết, chống xuống cấp cho 126 di tích quốc gia đặc biệt, di tích cách mạng kháng chiến, di tích xếp hạng cấp Quốc gia và Thành phố với tổng kinh phí 139 tỷ đồng trong năm 2020 - 2021”.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Phạm Mai Hùng, việc bảo tồn, tôn tạo di tích cách mạng kháng chiến đã khó, việc phát huy giá trị của loại hình di tích này còn khó hơn. "Nếu coi các di tích cách mạng kháng chiến là “địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống, là điểm đến thú vị cho du khách, cần phải đổi mới tư duy, hình thức tiếp cận công chúng và phát huy giá trị di tích bằng các dự án, kế hoạch có tính khả thi, hiệu quả" - PGS.TS Phạm Mai Hùng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ thống di tích cách mạng kháng chiến trên địa bàn Hà Nội: Đổi mới cách tiếp cận để phát huy giá trị