''Giữ lửa'' cồng chiêng

Đinh Luyện| 27/08/2020 10:59

(HNMCT) - Trong nền văn hóa đa sắc của các dân tộc trên địa bàn Hà Nội, cồng chiêng của người Mường là một di sản hấp dẫn, nhiều sức lan tỏa. Các dịp lễ, Tết, hội hè, tiếng chiêng kỳ ảo trải rộng trên dải đất Ba Vì, tạo nên không gian văn hóa khó lẫn. Để tiếng chiêng âm vang có sự góp sức rất lớn của những nghệ nhân sưu tầm, truyền dạy và làm phong phú thêm kho tàng chiêng Mường.

Phụ nữ xã Ba Trại biểu diễn các làn điệu chiêng Mường.

Những người “giữ lửa”

Ông Đinh Hữu Tiến (xã Vân Hòa, huyện Ba Vì) là người nặng lòng với cồng chiêng. Năm nay ngoài 80 tuổi, song hễ ai nhắc đến cồng chiêng là ông có thể say sưa chuyện trò cả buổi. 

Là một trong những người khởi xướng, truyền dạy và xây dựng đội cồng chiêng ở Vân Hòa, ông Tiến kể, từ xưa phong tục của đồng bào Mường phần lớn được lưu giữ theo lối truyền khẩu. Chẳng hạn, trong ngày Tết, ngoài chuẩn bị đầy đủ đồ thờ cúng, rượu, thịt, bánh chưng thì vui xuân không thể vắng tiếng cồng chiêng.

Vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, các gia đình Mường đều đánh ba hồi chiêng để mời tổ tiên về nhà ăn Tết cùng con cháu. Vào ngày mùng một Tết, sau khi sắp lễ, bày cỗ cúng, đồng bào Mường diện quần áo mới đi chúc nhau. Trong những ngày Tết, âm thanh cồng chiêng trầm bổng vang vọng, khẳng định sức sống mạnh mẽ cũng như bản sắc văn hóa nơi đây.

Dù là “đặc sản” nhưng từng có lúc cả xã không còn bộ chiêng nào. Ông Đinh Hữu Tiến và những người yêu văn hóa phải tự trang bị những bộ cồng chiêng mới, đặt mua tại Sơn Tây, thậm chí tận Hòa Bình. Từ năm 2015 thì chính quyền địa phương chung tay vào cuộc.

Tại Hà Nội, đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung ở 14 xã thuộc các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Mỹ Đức, Quốc Oai..., chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường, Dao. Thành phố Hà Nội xác định mục tiêu xuyên suốt là đầu tư đồng bộ để phát triển kinh tế - xã hội, gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số. Nhờ vậy, các công trình văn hóa được xây dựng, các câu lạc bộ văn hóa được hình thành, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển văn hóa của cộng đồng và bảo tồn văn hóa các dân tộc.

Không nói đâu xa, tại huyện Ba Vì, đề án “Khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020” được triển khai, mang lại hiệu quả thiết thực. Đề án tập trung tuyên truyền về bản sắc văn hóa, vận động người dân sưu tầm phong tục, các loại hình văn nghệ dân gian và xây dựng giải pháp hỗ trợ cộng đồng dân tộc thiểu số giữ gìn nét đẹp văn hóa..., nhờ vậy mà tiếng cồng chiêng lại có dịp ngân vang.   

Ông Tiến tự hào, đến nay đội cồng chiêng thôn Đồng Chay của xã Vân Hòa, một trong những đội chiêng ông dành tâm huyết truyền dạy vẫn là đội chiêng có hoạt động tích cực nhất trên địa bàn huyện Ba Vì, thu hút nhiều phụ nữ địa phương tham gia. Không chỉ luyện tập, biểu diễn ở nơi sinh sống mà đội cồng chiêng thôn Đồng Chay còn được mời đi biểu diễn ở nhiều khu du lịch, trong các dịp lễ hội ở huyện và địa phương khác.

Bà Nguyễn Thị Lợi, Chi hội phó Chi hội Người cao tuổi thôn Đồng Chay, người được “chọn mặt gửi vàng” giữ bộ cồng chiêng của thôn kể, cồng chiêng muốn hay thì phải chơi cả dàn 12 chiếc mới thành bài. Dụng cụ để đánh cồng chiêng là dùi được làm bằng gỗ cứng, tùy theo từng chiếc chiêng to, nhỏ mà dùi dài hay ngắn. Chiếc to và dài nhất có thể lên đến 40cm, ngắn nhất khoảng 20cm, đầu quấn vải mềm. Người ta thường treo dàn cồng chiêng trong nhà, ngoài sân hoặc ngoài bãi rộng để đánh, cũng có khi mỗi người xách một cái rồi cả đoàn đánh theo nhịp.

Theo lời bà Lợi, đạo cụ biểu diễn cồng chiêng giữ vai trò quan trọng. Người con gái Mường biểu diễn với trang phục chỉnh tề đúng quy cách, điển hình là áo trắng, váy dài, vòng chạm, khăn tay, khăn đầu. Nhịp chiêng như nhịp chân bước, tùy theo giai điệu mà có những bước chậm rãi, thận trọng.

Cách Vân Hòa không xa, xã Ba Trại cũng là nơi được biết đến với những nỗ lực gìn giữ giá trị văn hóa tinh thần. Tại xã Ba Trại hiện còn có 5 bộ cồng chiêng được lưu giữ ở các thôn. Xã có 3 câu lạc bộ văn hóa văn nghệ cồng chiêng được thành lập với sự tham gia của gần 60 thành viên - phần lớn là hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ xã.

Tự hào là người gắn bó với câu lạc bộ cồng chiêng từ ngày mới thành lập, chị Đinh Thị Nhung (thôn 5) chia sẻ, biểu diễn cồng chiêng, hát tiếng Mường hiện nay chủ yếu là phụ nữ. Bản thân chị Nhung luôn nhận thức rõ rằng mình phải giữ gìn vốn văn hóa mà lớp người đi trước đã truyền dạy. Khi tham gia câu lạc bộ, phụ nữ Ba Trại đều có cơ hội đóng góp phát huy truyền thống của đồng bào mình.

Tìm nguồn kế cận

Thực tế, thời gian qua văn hóa các dân tộc luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm gìn giữ và phát huy. Tại Hà Nội, chính quyền các cấp cũng luôn nỗ lực đề ra giải pháp tốt nhất để bảo tồn di sản, phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của Thủ đô. Nhờ đó, nhiều giá trị văn hóa dân tộc tốt đẹp được khôi phục. Đời sống văn hóa tinh thần của các dân tộc thiểu số ở Thủ đô được nâng lên, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa Việt.

Tuy nhiên, nhịp sống hiện đại khiến việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống cũng gặp không ít khó khăn. Không nói đâu xa, chuyện sử dụng trang phục truyền thống trong ngày lễ trọng đại của người Mường giờ đã phai nhạt ít nhiều.  

Mặt khác, lớp trẻ thường đi học, đi làm ăn xa, không có nhiều người dành thời gian tìm hiểu giá trị văn hóa nguồn cội. Các hình thức diễn xướng, những lệ tục văn hóa thường ít lưu truyền qua sách vở. Việc truyền dạy, nối mạch văn hóa từ đời này sang đời khác chủ yếu được thực hiện qua hình thức truyền miệng, hướng dẫn trực tiếp..., đây là những rào cản lớn, gây khó khăn cho việc duy trì nếp sinh hoạt văn hóa độc đáo.

Trở lại câu chuyện giữ lửa cho cồng chiêng, ngoài ông Đinh Hữu Tiến, bà Nguyễn Thị Lợi, chị Đinh Thị Nhung... của Ba Vì thì ở xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) còn có bà Bùi Thị Bích Thìn, một nghệ nhân suốt hàng chục năm đau đáu lưu truyền giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc của cồng chiêng. Tất cả đều đang âm thầm làm nên sức sống của loại hình di sản văn hóa này. Họ miệt mài truyền dạy, bảo tồn nghệ thuật cồng chiêng, giúp nhiều người hiểu rõ về giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường.

Bà Nguyễn Thị Lợi chia sẻ, việc bảo tồn văn hóa được các cấp, ngành quan tâm nên có sự thuận lợi hơn trước. Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều khu du lịch đã tăng cường giới thiệu nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là văn hóa ẩm thực, biểu diễn chiêng Mường... với du khách, góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế của địa phương còn khó khăn nên những người như bà Lợi vẫn phải nỗ lực tự ghi chép, tập luyện, phục dựng những làn điệu đã bị mai một. Việc mở lớp để truyền dạy cho các thế hệ sau cũng chưa có kinh phí, thiếu địa điểm để thực hành di sản. Một số người trẻ sau khi được dạy cồng chiêng lại đi làm ở nơi khác, khiến việc xây dựng lớp kế cận gặp khó khăn. Tâm tư là vậy song trong câu chuyện với tôi, bà Lợi vẫn ấp ủ mong muốn truyền dạy kiến thức về chiêng Mường của mình cho nhiều người, góp phần làm cho văn hóa dân tộc Mường ở Hà Nội có chiều sâu, giữ được nét đặc sắc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Giữ lửa'' cồng chiêng