Ca trù phố Hòe Nhai

Nguyễn Ngọc Tiến| 23/08/2020 05:35

(HNMCT) - Xưa, hát ca trù có ở nhiều vùng, miền nhưng tập trung chủ yếu ở kinh thành Thăng Long. Đây cũng là mảnh đất ca trù phát triển rực rỡ nhất.

Ảnh minh họa.

Trong nhiều thế kỷ, các giáo phường ca trù ở Thăng Long được mời hát ở hội làng, đám cưới nhà giàu hay các sự kiện diễn ra ở kinh thành. Họ cũng được các quan, nho sĩ, tầng lớp trung lưu mời đến hát tại tư gia nhân dịp gặp mặt, tân gia hay mừng thọ...

Thế nhưng, mọi chuyện thay đổi vào cuối thời Lê khi xuất hiện phố ca trù Hòe Nhai. Ninh Tốn, Tiến sĩ đời vua Lê Hiển Tông có bài thơ ca ngợi phường hát này. Hương cống Đoàn Nguyễn Tuấn làm quan nhà Tây Sơn cũng có bài thơ chữ Hán có tên Hòe Nhai ca nữ. Bài thơ khen ngợi giọng hát và vẻ đẹp của các ca nương nhưng cũng nói lên thân phận của họ khi phải mua vui cho mọi người. Ca nương đối diện với lòng mình thì buồn bã, trơ trọi vì không mái ấm gia đình.

Nhưng tại sao ca trù chỉ hát trong hội hè, nhà riêng lại chuyển ra phố Hòe Nhai? Lý do là hát ở hội hè, đình đám cũng chỉ vào dịp sau Tết, khi các làng mở hội. Hết hội thì ca nương thất nghiệp. Còn đi hát tại nhà quan, danh sĩ thì tiền không đủ nuôi ca nương nên nhiều giáo phường mở nhà hát ở phố để có thể hát quanh năm. Việc mở phố hát nhận được sự hưởng ứng của nhiều người, đặc biệt là các quan và nho sĩ. Rồi cũng từ các ca quán Hòe Nhai, nhiều nho sĩ đã viết lời cho các bài hát, trong đó có Nguyễn Công Trứ,  Dương Khuê. Trong quá trình thưởng thức, giới nho sĩ sống ở Thăng Long - Hà Nội đã nâng lối hát nói lên đỉnh cao, làm ca trù thêm giá trị. Cùng với đó, các nghệ nhân đàn đáy đã khéo biến hóa để lời thơ bay bổng, đi vào lòng người, góp phần thúc đẩy nghệ thuật này phát triển rực rỡ.

Cuối thế kỷ XIX, sau khoảng 100 năm tồn tại, phố Hòe Nhai trở nên chật chội, không còn phù hợp với việc hát nên các giáo phường chuyển qua phố Hàng Giấy, cách Hòe Nhai không xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ca trù phố Hòe Nhai