Bài cuối: Để hồ Tây đẹp hơn

Văn Ngọc Thủy| 01/08/2020 06:31

(HNM) - Để hồ Tây đẹp hơn trong cuộc sống hôm nay thì chỉ giữ gìn thôi chưa đủ, mà còn cần phát huy những giá trị vốn có của không gian rộng lớn này. Vì thế, việc tiếp tục đưa hồ Tây vào chiến lược bảo vệ, khai thác có hiệu quả, để du khách đến đây được chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền ảo và lãng mạn của hồ là cần thiết nhằm phục vụ sự phát triển bền vững của thành phố.

Công viên Mặt Trời Mới thuộc khu vực hồ Tây là một trong những điểm vui chơi của người dân. Ảnh: Đỗ Tâm

Ngày 15-12-2017, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 8665/QĐ-UBND, giao cho một doanh nghiệp du lịch uy tín thực hiện nghiên cứu và lập quy hoạch chi tiết tại bán đảo Quảng An, thuộc địa bàn phường Quảng An, quận Tây Hồ.

Với quy mô 79,39ha, khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An là khu chức năng với nhiều cây xanh, khu vui chơi giải trí, công viên văn hóa tâm linh, công viên văn hóa nghệ thuật với một nhà hát quy mô, hiện đại. Yêu cầu cốt tử là quy hoạch không phá vỡ những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng như mặt nước hồ Tây, các di tích đền, chùa… hiện có. Trong số đó, dự án nhà hát đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân, bởi đây không chỉ là công trình đặc biệt của thành phố mà còn là điểm nhấn quan trọng của cảnh quan hồ Tây.

Trong khi chờ đợi những dự án mới làm đổi thay bộ mặt cảnh quan hồ Tây vẫn đang được xúc tiến triển khai, thì hiện nay, nằm bên bờ hồ Tây linh thiêng và lộng gió từ nhiều năm qua còn có một công trình được coi là “điểm phải check-in” đối với du khách khi đến Hà Nội. Đó là khu vui chơi giải trí Công viên Hồ Tây với quy mô 7,8ha tại phía Bắc của hồ Tây, công viên nước ngoài trời duy nhất tại Hà Nội.

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giải trí Hà Nội Nghiêm Hồng Hạnh, Công viên Hồ Tây bao gồm tổ hợp Công viên nước Hồ Tây và Công viên Mặt Trời Mới. Công viên nước với diện tích 6ha có 14 khu trò chơi dưới nước hiện đại, trang thiết bị được nhập khẩu trực tiếp từ Tây Ban Nha. Mỗi năm công viên đón trên 500.000 lượt khách tham quan, vui chơi. Công viên Mặt Trời Mới diện tích 1,7ha có 15 loại trò chơi ngoài trời hiện đại dành cho mọi lứa tuổi và khu trò chơi trong nhà dành cho trẻ em. Bên cạnh đó, Công viên Hồ Tây còn được các đối tác lớn lựa chọn tổ chức các sự kiện, chương trình ấn tượng, độc đáo, mang đậm nét văn hóa truyền thống.

Mở cửa từ năm 2000, đến nay sau 20 năm hoạt động, một số hạng mục của Công viên Hồ Tây đã không còn đáp ứng được nhu cầu vui chơi giải trí ngày một cao của du khách. Hiện công viên đang tiếp tục nâng cấp trang thiết bị, đồng thời từng bước cập nhật các xu hướng vui chơi giải trí hiện đại.

Ngày 10-4-2020, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết đồng bộ khu Công viên nước Hồ Tây và Công viên Mặt Trời Mới, tỷ lệ 1/500 với các chỉ tiêu sử dụng đất cơ bản như mật độ xây dựng chuyên đề tối đa 25%, tầng cao tối đa 2 tầng, bao gồm hệ thống hạ tầng kỹ thuật, khu vui chơi giải trí chuyên đề, bãi đỗ xe... Mục tiêu nhằm phát huy giá trị cảnh quan khu đất giáp hồ Tây, tạo điểm nhấn, điểm đến văn hóa, văn minh, hiện đại và ấn tượng với du khách. Hiện Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đang triển khai phương án phối cảnh tổng thể quy hoạch chi tiết công trình này.

Kết nối đồng bộ với Công viên Hồ Tây sẽ là phố đi bộ Trịnh Công Sơn giai đoạn 2, mở rộng điểm vui chơi giải trí sôi động với các hoạt động văn hóa mang tính truyền thống, lắng đọng hơn. Chủ tịch UBND phường Nhật Tân Phạm Thế Vinh cho biết, phố đi bộ Trịnh Công Sơn giai đoạn 2 nằm trên địa bàn phường, sau khi mở rộng có diện tích lên đến 26ha, ngoài không gian giai đoạn 1 gồm phố Trịnh Công Sơn, Vũ Tuấn Chiêu, Vườn hoa Trịnh Công Sơn còn thêm các tuyến phố Nhật Chiêu, các đầm sen, thung lũng hoa hồ Tây, đường dạo cạnh Công viên nước… Hiện địa phương tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị thành phố chấp thuận cho phép hoàn thiện không gian phố đi bộ theo hướng ra sát đường kè hồ Tây. Các hạng mục được triển khai ngoài việc duy trì vệ sinh môi trường là duy trì phát triển trồng sen trong các đầm, tạo khu vực hóng gió, mở rộng phố ẩm thực, tiểu cảnh trang trí, mở rộng khu vực đỗ xe…

Nhà hát, Công viên Hồ Tây, phố đi bộ Trịnh Công Sơn đó mới chỉ là 3 trong số nhiều dự án đang và sẽ được triển khai xung quanh hồ Tây. Trao đổi với báo chí, Tiến sĩ - Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh “tính bảo tồn” bởi cảnh quan hồ Tây trong đời sống Thủ đô đang ngày càng được khẳng định giá trị.

Trong một diễn đàn văn hóa, nhà sử học Lê Văn Lan bày tỏ: "Gắn liền với lịch sử hình thành Thăng Long - Hà Nội, thiên nhiên quanh hồ Tây và khu vực lân cận lý tưởng cho việc bảo tồn và làm giàu một môi trường thiên nhiên văn hóa hiếm có. Đây không chỉ là địa chỉ du lịch lý tưởng mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa dân tộc. Việc bảo vệ và xếp hạng di tích danh thắng quốc gia đối với hồ Tây là hết sức cần thiết".

Theo Điều 11 Luật Thủ đô, hồ Tây (cùng với hồ Hoàn Kiếm) nằm trong số các khu vực, di tích và di sản văn hóa “cần được tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa”. Như vậy, tầm quan trọng đặc biệt của hồ Tây đối với sự phát triển của Thủ đô đã được “luật hóa”, một điều hiếm thấy đối với một thắng cảnh thiên nhiên. Hy vọng rằng tới đây, hồ Tây tiếp tục được đưa vào chiến lược bảo vệ, khai thác có hiệu quả, để du khách đến đây được chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền ảo và lãng mạn của hồ, cảm nhận được chiều sâu văn hóa, lịch sử của một vùng địa linh, thắng cảnh đẹp của Thủ đô, đã và đang được các thế hệ người Hà Nội nâng niu, gìn giữ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Để hồ Tây đẹp hơn