Độc đáo điệu Múa Bồng ở Triều Khúc

Thủy Tiên| 31/07/2020 16:15

(HNMCT) - Triều Khúc là một làng cổ có tên Nôm là Đơ Thao hay Kẻ Đơ. Gọi là Đơ Thao vì làng có nghề dệt quai nón (quai thao) lâu đời. Năm 1961, làng Triều Khúc và Yên Xá nhập lại thành xã Tân Triều (nay là phường Tân Triều, quận Thanh Xuân).

Hằng năm, từ 9 đến 12 tháng Giêng người dân làng Triều Khúc lại mở hội làng để tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc Phùng Hưng đã chống quân xâm lược nhà Đường thế kỷ VIII. Kiệu rước Phùng Hưng từ đình Đại ra đình Sắc mang ý nghĩa mời ngài về ngự tại đình làng, mừng ngày đăng quang, cảm tạ ngài đã ban cho dân làng một cuộc sống ấm no, an lành và dạy cho dân làng một điệu múa độc đáo là múa Bồng (dân gian gọi là múa “con đĩ đánh bồng”, chữ đĩ ở đây không tục, người Việt xưa gọi con gái là đĩ).

Nguồn gốc của múa Bồng là trước khi Phùng Hưng vây hãm và tấn công quân Đường ở thành Tống Bình (thành Hà Nội sau này) đã hạ trại đóng quân tại làng Triều Khúc. Nhằm khích lệ và cũng là giải trí cho nghĩa quân, Phùng Hưng đã cho binh lính đóng giả gái, ăn mặc sặc sỡ, đeo trống múa Bồng. Để hóa thân thành những cô gái duyên dáng, uyển chuyển, các chàng trai phải chít khăn mỏ quạ, đánh phấn, tô son, mặc váy đụp đen, yếm tua mầu. Múa Bồng khó ở chỗ là người múa làm sao vừa thể hiện được nét lẳng lơ của người con gái vừa toát lên phong thái nam nhi, tinh thần thượng võ. Theo thời gian, múa Bồng được sáng tạo thêm nhiều động tác nhưng vẫn giữ được tinh thần xưa. Hiện có khoảng 30 điệu cổ với 3 động tác chính: Đánh trống bồng đi ngang, uốn tay như bông hoa và vuốt xuống tang trống.

Vì sao múa Bồng lại là trai đóng giả gái? Lý do hoàn toàn không phải vì nghĩa quân chỉ có đàn ông, không có con gái, cũng không phải thời đó cấm con gái hát múa. Con gái múa thì quá bình thường, nhưng con trai giả gái múa mới gây tò mò, lôi cuốn dân chúng và sự ngây ngô của đàn ông giả gái sẽ tạo ra tiếng cười. Việc trai giả gái trong múa Bồng là thủ pháp nghệ thuật lần đầu tiên xuất hiện trong nghệ thuật diễn xướng ở Việt Nam.

Múa Bồng chỉ có ở Triều Khúc, không có ở bất cứ nơi nào khác, vì thế là môn nghệ thuật vô cùng độc đáo. Múa Bồng được dân làng Triều Khúc gìn giữ và biểu diễn trong hội làng từ thế kỷ VIII đến nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo điệu Múa Bồng ở Triều Khúc