Lắng nghe "tiếng thì thầm của quá khứ'' để ứng xử với di tích

Minh Nga| 22/06/2020 16:31

(NSHN) - Đi lễ đền, chùa được xem là một nét đẹp văn hóa trong thực hành tín ngưỡng thờ cúng mà dân gian gìn giữ và lưu truyền suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm qua.

Làm sao để nét đẹp văn hóa này được phát triển trong đời sống nói chung và với người dân Thủ đô Hà Nội nói riêng là một vấn đề mà nhiều người trăn trở lâu nay. Bởi lẽ, để gìn giữ được nét đẹp trong văn hóa của người Hà Nội khi đến đền, chùa thuộc trách nhiệm trên cả hai phương diện: Công tác tổ chức, quản lý và nhận thức của người dân về những chuẩn mực văn hóa tại nơi thờ tự.

Hà Nội chú trọng gìn giữ không gian văn hóa tâm linh tại các di tích văn hóa, đền, chùa. (Ảnh minh họa: Internet)

Với bề dày truyền thống nghìn năm văn hiến và anh hùng, Hà Nội là nơi hội tụ, giao thoa, chắt lọc và lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa thờ cúng ông bà tổ tiên, thực hành tín ngưỡng thờ cúng tại đền, chùa.

Trong nhiều năm liền, Hà Nội đã quan tâm và thực hiện tốt công tác tu bổ, sửa chữa, phục hồi, tôn tạo các di tích có giá trị lịch sử văn hóa cao, đáp ứng nhu cầu tự do tín ngưỡng của nhân dân. Cùng với đó là sự gìn giữ không gian văn hóa tâm linh tại các di tích văn hóa, đền, chùa, loại bỏ hiện vật lạ ra khỏi không gian nơi thờ tự, cho phép sử dụng kinh phí bán vé tham quan để chi trả cho vấn đề vệ sinh, đảm bảo cảnh quan thu hút khách du lịch…

Trên thực tế, di sản văn hóa có thể góp sức vào sự phát triển kinh tế của địa phương thông qua thu phí tham quan. Tuy nhiên, cũng cần phân loại hình thức tham quan để áp dụng thu phí cho phù hợp và nên coi trọng giáo dục hơn là làm kinh tế. Vì chính lợi ích kinh tế đã khiến chiếc hòm công đức được đặt nhan nhản tại các điểm thờ tự, ngay trước bàn thờ, khiến người ta có tâm lý “hối lộ thần linh”. Tình trạng lợi dụng chức vị trong tu hành hoặc trong quá trình làm việc tại các đền, chùa để kiếm tiền bất chính không còn là chuyện cá biệt.

Bản thân những di sản văn hóa được sinh ra để phản ánh lịch sử, văn hóa, vẻ đẹp trí tuệ của người xưa, đồng thời về mặt tôn giáo, tín ngưỡng còn tuyên truyền những điều thiện, những điều tốt đẹp. Khi mỗi người đến một di tích nào, hãy lắng nghe tiếng thì thầm của quá khứ, hãy lấy tinh thần, bản chất của di tích ấy để ứng xử, đặc biệt là trong bối cảnh các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng với nhân dân Thủ đô đẩy mạnh thực hiện Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

Tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn xuất hiện nhiều hành vi không đúng mực, nhất là một bộ phận người trẻ vẫn ngang nhiên vi phạm. Phổ biến là tình trạng người đi lễ mặc trang phục thiếu nghiêm túc, chen lấn nhau khi sắp lễ; đi lễ trong thời gian cách ly xã hội phòng, chống dịch Covid-19; tùy tiện thả tiền xuống giếng thiêng, cài tiền lẻ vào tay các pho tượng thờ, trục lợi xung quanh khuôn viên nơi thờ tự như bán hàng, trông xe giá cao, đeo bám mời mọc thái quá, lợi dụng lòng tín của người dân…

Người đi lễ đền, chùa cần thành tâm, trang phục lịch sự, chỉn chu. (Ảnh minh họa: Internet)

Việc nhiều người dùng tiền xây mới các ngôi chùa, làm mới các nơi thờ tự cho khang trang theo lối đời thường để gây công quả cũng được sinh ra trên một nền tảng nhận thức không đầy đủ, lấy tín ngưỡng của một vùng, một bộ phận con người vượt lên trên giá trị di tích của cha ông, làm méo mó lịch sử với hiện tại, làm phai nhạt bản sắc của dân tộc. 

Vấn đề này cũng trở nên nghiêm trọng khi việc tu bổ di tích không tuân theo những nguyên tắc cơ bản trong vấn đề bảo vệ và ứng xử trước di sản văn hóa. Trong khi đáng lý việc tu bổ di tích văn hóa cần phải tôn trọng những giá trị, hiện vật nguyên gốc và giá trị của những kiến trúc, điêu khắc gốc. Chúng ta có thể sửa chữa, tu bổ nhưng xin hãy giữ lại những hình ảnh mang dấu ấn của tổ tiên. Nên hiểu rằng, khi giữ lại những hình ảnh đó không phải do đẹp hay xấu mà đó là nơi để tìm về vẻ đẹp văn hóa tâm linh xuất hiện trong diễn tiến lịch sử. 

Để đạt được mục tiêu này chắc chắn vẫn còn cần thời gian cho việc nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân, song đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đưa ra phương án lồng ghép chương trình giáo dục về di sản, ứng xử văn hóa với di sản cho học sinh để mỗi em có sự nhận thức đúng đắn ngay từ nhỏ. 

Di sản văn hóa nói chung và việc bảo tồn di sản văn hóa, việc đi lễ của người dân chính là một mệnh đề khẳng định về bản sắc dân tộc Việt Nam anh hùng trong quá khứ, là bệ đỡ cho tính anh hùng trong hiện tại. Thủ đô chúng ta muốn có được thành công trong quá trình hội nhập, phát triển được kinh tế, thì phải khẳng định một cách chắc chắn rằng, yếu tố truyền thống, bản sắc văn hóa mang tính quyết định, hòa nhập nhưng không hòa tan để phát triển lớn mạnh, bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lắng nghe "tiếng thì thầm của quá khứ'' để ứng xử với di tích