Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp khả thi

Quỳnh Chi| 21/05/2020 12:08

(HNMCT) - Thành phố Hà Nội hiện có 50/53 thành phần dân tộc thiểu số sinh sống đan xen cùng người Kinh ở cả 30/30 quận, huyện, thị xã. Bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng dân tộc thiểu số ở Hà Nội không chỉ là niềm tự hào cần lưu giữ, mà còn là sản phẩm du lịch hấp dẫn. Để bảo tồn, phát huy giá trị của những di sản này, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp khả thi, trong đó việc giữ tính thống nhất trong đa dạng là một yêu cầu mang tính nền tảng.

Biểu diễn cồng chiêng của người Mường huyện Thạch Thất trong một sự kiện văn hóa trên địa bàn huyện. Ảnh: Linh Ngọc

Yếu tố cốt lõi tạo dựng đặc trưng dân tộc

Trên lãnh thổ Việt Nam có 54 dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số với gần 14 triệu người (khoảng 14,3% tổng dân số). Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có người của 50/53 dân tộc thiểu số sinh sống đan xen cùng người Kinh ở 30/30 quận, huyện, thị xã với gần 110.000 người. Hai dân tộc Mường và Dao chiếm đa số tại 153 thôn thuộc 14 xã của 5 huyện: Ba Vì (7 xã), Thạch Thất (3 xã), Quốc Oai (2 xã), Chương Mỹ (1 xã), Mỹ Đức (1 xã). Trên 51% người dân tộc thiểu số sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, còn lại sống đan xen tại vùng đồng bằng, đô thị. Dù ở đâu, đồng bào dân tộc thiểu số cũng có đóng góp tích cực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước.

Trong những năm qua, việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số đã từng bước được thể chế hóa; chủ trương, chính sách được triển khai ngày càng sâu rộng. Môi trường văn hóa mới đã tạo điều kiện thuận lợi để các dân tộc thiểu số được tiếp xúc với sản phẩm văn hóa mới. Nghệ nhân ưu tú Bùi Bích Thìn, người dân tộc Mường, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cồng chiêng xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) chia sẻ: Qua giao lưu, trình diễn giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc mình với đồng bào và du khách, đời sống tinh thần của người dân địa phương càng được nâng cao, càng thêm phấn khởi để lao động, sản xuất và kinh doanh tốt hơn.

Theo GS.TS Kiều Thu Hoạch, nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian, bản sắc văn hóa dân tộc thể hiện trong ngôn ngữ, lối sống, phong tục, lễ hội... và đó là những yếu tố cốt lõi tạo dựng đặc trưng dân tộc. Tất nhiên, trong quá trình phát triển, các dân tộc thiểu số không sống khép kín mà ngày càng mở rộng giao lưu văn hóa và chịu ảnh hưởng từ các dân tộc khác, từ đó mỗi dân tộc thiểu số kế thừa có chọn lọc tinh hoa văn hóa của các dân tộc khác để làm phong phú thêm đời sống văn hóa của dân tộc mình. Trong thời kỳ hội nhập, bản sắc ấy nếu vừa được bảo tồn vừa được giới thiệu rộng rãi thì sẽ trở thành yếu tố giao lưu, kết nối cộng đồng, góp phần nâng cao tính nhân văn trong đời sống xã hội. Đó còn là sản phẩm du lịch đặc biệt, có thể khai thác lâu dài nếu được bảo tồn đúng cách và có các giải pháp phù hợp để phát huy giá trị.

Lo lắng di sản văn hóa bị mai một

Trong hai giai đoạn 2013-2015 và 2016-2020, Thành phố Hà Nội đã có nhiều chương trình, kế hoạch phát triển tổng thể, trong đó đã đầu tư trên 1.840 tỷ đồng để thực hiện các dự án phát triển vùng dân tộc, miền núi. Theo chỉ đạo của UBND thành phố, các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ đã triển khai thực hiện Đề án “Khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020”, xây dựng được 46 nhà văn hóa thôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; khôi phục nhiều đội cồng chiêng, mua sắm trang phục truyền thống các dân tộc... Huyện Ba Vì thành lập đội bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số ở 7 xã; bảo tồn tốt lễ cấp sắc, tết nhảy, tri thức làm thuốc Nam của dân tộc Dao; tổ chức tập luyện và biểu diễn cồng chiêng, dân ca Mường. Huyện Thạch Thất tổ chức nhiều lớp truyền dạy, bồi dưỡng nghệ thuật diễn tấu chiêng Mường; tổ chức hội thi nét đẹp bản Mường, hát dân ca Mường. Huyện Quốc Oai xây dựng 2 đội cồng chiêng nòng cốt ở 2 xã vùng dân tộc thiểu số...

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế, bất cập. Những biểu hiện cụ thể là: Một số tập tục của đồng bào Mường, Dao bị phai nhạt; nhiều yếu tố bản sắc trong xây dựng nhà cửa, phương thức canh tác, sinh hoạt, âm nhạc... bị quên lãng. Tình trạng lớp trẻ dân tộc Dao ở huyện Ba Vì không hứng thú với trang phục dân tộc cũng như việc học đọc và viết chữ cổ có chiều hướng gia tăng...

Bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số tạo nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn. Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

Ngoài những nguyên nhân khách quan về kinh tế - xã hội, có nguyên nhân nằm trong nhận thức chưa đầy đủ của một bộ phận trong cộng đồng, trong đội ngũ quản lý, nhà nghiên cứu... Bà Nguyễn Thị Tình, nguyên Trưởng phòng Nghiệp vụ II (Ban Dân tộc thành phố Hà Nội) nhận định: Tư tưởng “ba cùng” với đồng bào các dân tộc thiểu số chưa thể hiện rõ trong hành động. Nhiều nhà quản lý, nhà nghiên cứu “đến” rồi về với cái nhìn và tâm thế của người ngoài cuộc... Vì thế, sự đầu tư nguồn lực, công sức, trí tuệ chưa đáp ứng yêu cầu. Nhà giáo Ưu tú, GS.TS Bùi Quang Thanh (Khoa Sau đại học, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho rằng: Không nhiều người “cầm cờ” văn hóa ở địa phương chịu lăn lộn với văn hóa, hoặc do không xuất thân từ dân tộc thiểu số, dẫn đến tình trạng cán bộ văn hóa chưa hiểu rõ vấn đề, sự quan tâm chưa thật sâu sát.

Những năm tới đây, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số còn có nhiều khó khăn: Địa bàn rộng, đồng bào sống xa trung tâm, bản sắc văn hóa một số dân tộc có nguy cơ bị mai một, biến dạng... Vì thế, cần bắt tay ngay vào những hành động cụ thể, thiết thực.

Giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển

Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số đã trở thành mối quan tâm chung của cả xã hội. Tại Hà Nội, đó là một trong những nội dung quan trọng trong Chương trình số 02-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”, Chương trình 04-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”...

Theo các chuyên gia, điểm mấu chốt là phải thực hiện đồng bộ các giải pháp khả thi đã đề ra, giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Trong đó, giải pháp căn bản nhất là tiếp tục tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề này. GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng: Giải pháp bền vững là người dân tộc thiểu số tự thân, tự chủ bảo vệ văn hóa của dân tộc mình. Phải nhanh chóng đào tạo đội ngũ cán bộ văn hóa ở khu vực này là người dân tộc thiểu số. Khơi gợi niềm tự hào của đồng bào dân tộc thiểu số để họ cùng cộng đồng gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, cần thực hiện tốt việc đào tạo cán bộ tại chỗ để chính họ thực hiện kiểm kê di sản văn hóa, hướng dẫn đồng bào sưu tầm, bảo tồn và phổ biến kho tàng văn hóa, nghệ thuật và tiếp nhận có chọn lọc các sản phẩm văn hóa từ bên ngoài; động viên già làng, trưởng bản, nghệ nhân... trong các hoạt động thực tiễn. Có 4 yếu tố dẫn đến thành công là: Nhận thức đúng, giải pháp khả thi, chính sách tốt và nguồn nhân lực tại chỗ dồi dào.

Theo ông Nguyễn Tất Vinh, Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội, để bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thì ngoài chính sách hỗ trợ của Thành phố, các địa phương cần phát huy tinh thần, ý thức trách nhiệm từ mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ, làng, bản. Cần coi trọng công tác truyền dạy tại cộng đồng, nhất là cho lớp trẻ, về văn hóa vật thể, phi vật thể nhằm giữ gìn và làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Cần tạo môi trường thuận lợi cho việc sưu tầm, bảo tồn, nghiên cứu, quảng bá các loại hình nghệ thuật truyền thống; tăng cường tập huấn, hướng dẫn công tác quản lý, gìn giữ và phát huy di sản văn hóa.

Tự hào với di sản của mình

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số nghĩa là bảo vệ tính thống nhất trong đa dạng văn hóa. Không nên áp đặt văn hóa của dân tộc đông người vào văn hóa dân tộc thiểu số. Dân tộc đông người không được coi thường dân tộc thiểu số; ngược lại, dân tộc thiểu số cũng không nên tự ti mà phải tự hào với di sản của mình.

Nhà nghiên cứu Triệu Tiến Nhàn (dân tộc Dao, thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì):

Bảo tồn nhờ ý thức và hành động của cộng đồng

Di sản văn hóa chỉ được bảo tồn thành công nhờ ý thức và hành động của cả cộng đồng. Các cấp, ngành, địa phương cần hướng dẫn, hỗ trợ để các dân tộc thiểu số bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp khả thi