Lưu giữ hồn quê

Trần Đức Hiển| 19/04/2020 07:17

(HNM) - Có một lúc nào đó trầm lòng mà nghĩ lại, sau bao năm cuộc sống phát triển, làng quê đổi mới thì những ngôi làng ở ngoại thành, ven đô Hà Nội còn lại gì? Cái được hẳn là nhiều, song cái mất đi cũng không ít, bởi có người sau nhiều năm ra phố mưu sinh, trở về bỗng nhận ra làng quê mình trở nên lạ lẫm. Cho nên chúng ta trân trọng những nếp sống thầm lặng giản dị, trân trọng sự nỗ lực gìn giữ, bồi đắp nét đẹp làng quê, để làng mãi là nơi gần gũi, gắn kết những con người sinh ra từ làng.

Nét cổ của làng Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) vẫn được bảo tồn và phát huy giá trị. Ảnh: Linh Ngọc

Làng - hạt nhân cơ bản của văn hóa Việt

Mỗi khi nghĩ về làng, tôi thường thu xếp thời gian đến thăm những ngôi làng cổ ở ngoại thành. Hà Nội tự hào có nhiều làng cổ nổi tiếng, từ lâu đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa, nhiếp ảnh, thậm chí cả điện ảnh, thường xuyên được du khách trong và ngoài nước tới thăm như: Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), Cự Đà (huyện Thanh Oai), Dục Tú, Đào Thục (huyện Đông Anh), Kim Thượng, Cốc Lương (huyện Sóc Sơn), Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm)… Hà Nội cũng có nhiều ngôi làng khoa bảng, hiếu học mà ở đó nếp làng còn khá rõ nét với những tập tục, lối ứng xử văn hóa được truyền lại qua các thế hệ.

Mỗi lần về một ngôi làng cổ, tâm hồn ta thường lắng lại, có lẽ bởi ta tìm thấy ở đó sự gần gũi thân thương. Ở đó không chỉ có những nếp nhà cổ, những bức tường rêu phong, những cây cổ thụ, những cổng làng và mái ngói nâu trầm thâm nghiêm. Nhiều bạn trẻ gần đây vẫn tìm về các làng cổ chụp ảnh đã tâm sự rằng về làng là để gặp lại hồn quê, được thẫm đẫm trong văn hóa làng, được nói chuyện với những người già, râu tóc bạc phơ ngồi đánh cờ bên hiên nhà cổ hay đang chăm bẵm những hàng cây, chậu cảnh và nhất quyết gìn giữ nếp nhà cổ để lưu lại cho con cháu, dù cuộc sống sinh hoạt hằng ngày có phần bất tiện...

Như nhà nghiên cứu Trần Quang Đức cho rằng, làng là hạt nhân cơ bản của văn hóa Việt. Các bạn trẻ đến thăm làng để tìm hiểu văn hóa làng, cái gốc của văn hóa Việt Nam và truyền thống dân tộc. Ở những ngôi làng cổ ấy còn điều đặc biệt nữa là cho các bạn trẻ được hòa vào không gian sống chậm. Một cảm giác thật sự chậm lại giữa cuộc sống xô bồ, để tái tạo năng lượng và nghĩ về những điều tốt đẹp.

Ông Ngô Sĩ Nhiều, ở làng Kim Thượng (xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn), chủ nhân ngôi nhà cổ 5 gian còn khá nguyên vẹn, chia sẻ: “Ngôi nhà của gia đình tôi được xây dựng từ năm 1827 với lối kiến trúc nhà ở Bắc Bộ đặc trưng, cửa bức bàn giống ở những ngôi đình làng. Ngày xưa làng tôi có rất nhiều nhà cổ nhưng do đô thị hóa, kinh tế - xã hội phát triển, nhiều người đã xây nhà cao tầng nên nay chỉ còn chục nhà cổ. Nhiều du khách đến tham quan, chụp hình, trong đó có các bạn trẻ. Họ rất cảm kích và động viên người làng tôi nên tiếp tục giữ gìn”.

Qua giới thiệu của ông Nhiều, chúng tôi được chiêm ngưỡng những ngôi nhà cổ ở làng Kim Thượng mà không gian vườn, khuôn viên được chủ nhân chăm sóc khá kỹ, như nhà của các ông: Nguyễn Quang Phi, Nguyễn Văn Khoát, Nguyễn Văn Tẩu, Ngô Đức Thắng. Ông Ngô Đức Thắng đúc rút: “Ở đâu cũng vậy, việc đấu tranh giữ nhà cổ hay phá đi xây nhà hiện đại rất gay go mà không phải ai cũng vượt qua”. Nhìn rộng hơn trên địa bàn huyện Sóc Sơn, ở làng Xuân Lai (xã Xuân Thu), làng Cả (xã Đông Xuân) hay làng Cốc Lương (xã Tân Hưng) còn khá nhiều nếp nhà cổ được giữ gìn bởi những người yêu nét đẹp truyền thống của quê hương.

Những không gian đáng sống

Đã nhiều lần tôi về thăm làng Cơ Giáo (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín). Một ngôi làng bình dị xanh mướt cây cảnh. Những ngôi nhà nằm trong vườn cây xanh thẳm. Những chiếc cổng uốn từ cây, những con ngõ sạch sẽ nhỏ duyên dáng được điểm trang bởi cây cảnh khiến chúng ta nhận thấy đây là không gian đáng sống. Bao lo toan của cuộc sống cũng vì thế mà vơi bớt.

Anh Nguyễn Văn Giang, một trong những “thương hiệu cây cảnh” ở Cơ Giáo cho biết: “Không gian làng quê đáng sống là điều chúng ta có thể làm được. Mỗi người dân đều có thể làm và cùng chung tay vì môi trường ấy”. Cơ Giáo là ngôi làng đẹp, có nghề trồng cây cảnh và đang là một điểm đến thú vị của khá nhiều bạn trẻ.

Cũng trầm lắng, độc đáo với không gian đá ong là làng Yên Trường (xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ). Nơi đây còn giữ được hơn 20 nếp nhà cổ. Mặc dù Yên Trường chưa được nhiều người biết đến, song những người dân nơi đây vẫn tự hào vì được sống trong một không gian đẹp, bình yên bởi quá trình đô thị hóa chưa xâm hại nhiều đến cấu trúc làng, đặc biệt là những bức tường bằng cây xanh được chăm sóc cẩn thận. Khi kinh tế thị trường và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đang làm mai một vẻ đẹp truyền thống ở không ít làng quê thì việc những người dân Yên Trường giữ gìn được những bức tường cây thật ý nghĩa, không chỉ là cách để bảo lưu một giá trị truyền thống, mà còn nhắc nhở mọi người hãy yêu cây, bảo vệ cây.

Làng Cự Đà (huyện Thanh Oai) là một ngôi làng còn giữ được nhiều nét đẹp nằm ven dòng sông Nhuệ, con sông từng rất trữ tình trong thi ca nay đang phải đối diện với ô nhiễm. Cự Đà nổi tiếng với những ngôi biệt thự cổ mang phong cách kiến trúc Pháp lâu nay cũng bị “giằng xé” bởi một thực tại: Các gia đình sẽ giữ nhà cổ hay phá đi, chia ra cho con cái xây nhà tầng hiện đại? Nhiều lão niên coi đó là chuyện “cực chẳng đã” bởi không có điều kiện mua nhà đất ở nơi khác đành phải ngậm ngùi phá dỡ những ngôi nhà hơn trăm năm tuổi để chia đất cho con.

Nhưng cũng nhiều người đến nay vẫn quyết tâm giữ gìn hồn làng như ông Nguyễn Ngọc Long, Đinh Văn Xuân… Ông Đinh Văn Lai - chủ một ngôi nhà cổ kể “nhà tôi ở đã hơn 100 tuổi, đồ đạc trong nhà cũng rất lớn tuổi” nhưng ông không bao giờ muốn bỏ đi, bởi ngôi nhà như người bạn đời, là tâm huyết của ông cha, gắn bó với tuổi thơ ông. “Tôi phải thuyết phục các con tôi nhiều lần. Mọi người phải giữ lại nhà cũ để Cự Đà còn được nhắc đến là làng cổ với những ngôi nhà cổ độc đáo”, ông Đinh Văn Lai nhấn mạnh.

Trưởng thôn Cự Đà Vũ Văn Tuấn cho hay: “Tôi rất kính trọng người giữ gìn hồn làng. Hiện Cự Đà còn gần 60 ngôi nhà cổ khá nguyên vẹn. Đa số được giữ lại bởi những người lớn tuổi yêu nếp xưa, yêu sự cổ kính”.

Thế đó, làng sẽ vẫn gần gũi, thân thương khi còn những người lưu giữ, chung tay bảo vệ hồn quê, bảo vệ văn hóa làng, để Hà Nội không chỉ là đô thị phát triển mà còn có những vùng quê xanh, giản dị và nên thơ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lưu giữ hồn quê