Gìn giữ giếng cổ ngoại thành

Nguyễn Văn Học| 12/04/2020 07:42

(HNM) - Từ xa xưa, giếng làng cùng với cây đa, mái đình đã được coi là biểu tượng của làng quê Bắc Bộ. Tuy nhiên, cơn lốc đô thị hóa những năm gần đây khiến nhiều giếng làng ở ngoại thành Hà Nội bị san lấp. Thực tế cho thấy, chỉ nơi nào chính quyền địa phương quan tâm đến công tác bảo tồn, giữ gìn di sản, người dân có ý thức bảo vệ vốn cổ thì giếng làng mới có thể tồn tại cùng thời gian.

Giếng làng Đại Đồng, xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất (Hà Nội). Ảnh: Lê Bích

Mai một giếng làng

Xã Minh Tân (huyện Phú Xuyên) có hơn chục giếng làng. Thôn Thành Lập 1 có 2 giếng, thôn Kim Quy 4 giếng, thôn Bái Xuyên 6 giếng, tất cả đều là dạng ao nước. Giếng nhỏ thì chừng 200m2, giếng lớn khoảng 350m2, lúc nào cũng trong xanh, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Ở đây, cũng không ít dòng họ, gia đình đào giếng khơi dùng riêng.

Ấy là chuyện của nhiều năm trước. Nay cả xã chỉ còn một giếng nằm trong di tích đình Kim Quy. Thay vào chỗ những chiếc giếng xưa kia người dân vẫn gánh nước về dùng là những ngôi nhà cao tầng. Ông Nguyễn Văn Báu, 85 tuổi, ở thôn Thành Lập 1, chia sẻ: “Giếng làng thể hiện nét đẹp làng quê, là nơi sinh hoạt rất thân thương nhưng giờ không còn nữa”. Là người đi làm ăn xa trở về làng, ông Nguyễn Văn Mai tiếc nuối: “Ngày xưa, xung quanh giếng có cây bồ kết, cúc tần và nhiều thứ cây làm thuốc, gội đầu. Giờ chỉ thấy trơ trơ nhà bê tông cốt thép”.

Không chỉ ông Báu, ông Mai, nhiều người cao tuổi ở thôn Thành Lập 1, thôn Kim Quy cũng bày tỏ tiếc nuối nhưng “lực bất tòng tâm”. Bởi lẽ chỉ có người sinh thêm chứ đất không đẻ ra. Đó là lý do giếng làng bị lấp đi để phân lô, bán nền, xây nhà.

Cạnh xã Minh Tân là xã Tri Thủy, trước đây cũng có nhiều giếng nhưng nay đã bị lấp. Chỉ còn một giếng ở đầu làng Hoàng Nguyên, năm 2008 được cải tạo, kè bờ và rào cổng để ngăn gia súc. Các xã Quang Lãng, Phúc Tiến… không còn giếng làng nào. Ở cuối huyện Phú Xuyên, xã Phú Yên còn giữ được một giếng ở thôn Thượng Yên, đã được cải tạo, kè bờ, xây đường dạo xung quanh và gắn biển khang trang. Ông Ngô Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Yên cho biết: “Việc cải tạo giếng thôn Thượng Yên trong kế hoạch xây dựng nông thôn mới của địa phương. Việc giữ gìn giếng cũng như giữ gìn mắt ngọc của xã”. Sau khi được đầu tư hơn ba trăm triệu đồng, dự án cải tạo giếng đã tạo cảnh quan môi trường cho thôn làng. Hằng ngày, bà con ra bờ giếng giặt giũ, tập thể dục…

Ở nhiều ngôi làng tại các huyện Thường Tín, Ứng Hòa, Quốc Oai, Đan Phượng…, chuyện bảo tồn giếng làng không đơn giản như vậy. Như ở làng Hạ Mỗ (xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng), vào năm 2008, hai giếng cổ trong khuôn viên chùa Hải Giác (được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1991) suýt “được” cho đấu thầu để thả cá. Nếu không có các bô lão kiến nghị, UBND xã trích lục bản đồ, đưa ra bằng chứng ghi rõ “hai giếng cổ nằm trong khu vực bảo vệ cấp I của di tích”... thì không biết số phận của những công trình này sẽ thế nào.

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho hay: “Ở nhiều nơi, người ta không quan tâm đến giếng nữa, coi như sứ mệnh cung cấp nước đã xong. Nếu ở đâu người dân vượt qua được sự mời mọc, ngã giá mua bán đất đai, kiên quyết từ chối lấp giếng làm nhà thì nơi đó giếng được giữ lại. Nhiều làng mất rồi mới tiếc…”. Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng cho rằng: “Ở nhiều vùng ngoại thành Hà Nội, các khu công nghiệp mọc lên, người lao động khắp nơi về thuê trọ, nhu cầu sử dụng đất đai tăng nên các di tích có nguy cơ bị xâm hại. Không ít giá trị cũ bị ảnh hưởng, mai một”.

Gìn giữ hồn làng

Có một thực tế là không ít giếng vẫn tồn tại nhưng nước không được sử dụng bởi người dân dùng nước máy để sinh hoạt. Công cuộc xây dựng nông thôn mới đã giúp nhiều làng quê được “phủ sóng” nước sạch. Giếng nhà, giếng làng chỉ là nơi bảo lưu ký ức. Một số giếng làng được tạo cảnh quan làm nơi hóng mát hoặc cho trẻ em bơi lội như giếng làng Cựu xã Vân Từ, giếng Miếu xã Hồng Minh, giếng chùa làng Phượng Vũ xã Phượng Dực (huyện Phú Xuyên); giếng làng Cống Xuyên xã Nghiêm Xuyên (huyện Thường Tín); giếng thôn Dược Thượng xã Tiên Dược (Sóc Sơn); giếng làng Chuông (huyện Thanh Oai)…

Ở một số nơi, do mạch nước ngầm trong nên người dân vẫn dùng nước giếng khơi và họ nhận thấy, vào mùa hè, tắm gội bằng nước giếng khơi vẫn rất thú vị. Như làng Yên Trường, xã Trường Yên (huyện Chương Mỹ) vẫn giữ được 9 giếng khơi cổ cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Theo cụ Trần Hữu Bùi, Thủ từ đình Yên Trường thì làng còn giữ được nhiều nét đẹp như đình cổ, nhà cổ, tường đá ong, giếng cổ... Được các bậc cao niên giới thiệu, tôi đến nhà cụ Trịnh Nhân Kỳ, người đã kỳ công gây dựng hệ thống cổng, hàng rào bằng cây ôrô có tuổi đời gần ba chục năm. Đó thực sự là một công trình nghệ thuật cây xanh kỳ vĩ kết hợp với nếp nhà cổ ba thế hệ chung tay gìn giữ, phía trước là hồ làng, vì vậy mà ai đi qua cũng phải ngỡ ngàng. “Đây không chỉ là giá trị riêng của gia đình tôi mà còn là giá trị của cả làng. Đi quanh làng thì thấy nền nếp cũ vẫn giữ được nhiều. Đặc biệt là nếp sinh hoạt bên 9 giếng khơi cổ, mỗi giếng một vẻ khác nhau. Trước đây, làng có 20 giếng nhưng nay chỉ còn 9. Thế cũng là vui rồi!”, cụ Trịnh Nhân Kỳ nói.

Làng Yên Sở (xã Yên Sở, huyện Hoài Đức) trước đây có tới 73 giếng cổ, nay còn hơn 20 giếng. Mỗi giếng lại có một ngôi miếu nhỏ. Cụ Trần Xuân Bốn, người am hiểu lịch sử ở làng cho hay: Để bảo vệ giếng, dân làng đã trích quỹ ra sửa sang, xây quây lại, đặt những tấm phên thép lên để tránh tai nạn cho trẻ em. Từ nhiều năm qua, nhiều đoàn khảo sát, nghiên cứu văn hóa đã đến tham quan, tìm hiểu những chiếc giếng độc đáo này.

Qua thực tế tại các địa phương, rút ra một điều là ở đâu quá trình đô thị hóa chậm hoặc người dân có ý thức bảo vệ, giữ gìn nếp xưa thì các di tích được bảo tồn, phát huy giá trị, nhờ đó mà nhiều giếng làng vẫn tồn tại cùng thời gian.

Giếng làng là một phần không thể thiếu trong cấu trúc nông thôn xưa. Giếng nước tượng trưng cho sức sống của làng. “Cây đa, giếng nước, mái đình” là những biểu tượng của làng, là hồn làng. Quan trọng như vậy nhưng phận giếng làng đang long đong trong dòng chảy thời gian. Điều đáng nói là nhiều giếng làng hiện vẫn chưa được đưa vào danh mục kiểm kê di tích, chưa được sự quan tâm, bảo vệ thỏa đáng của chính quyền địa phương. Bởi thế, cần có các biện pháp bảo vệ giếng làng như là bảo vệ một nét đẹp của  ngoại thành Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gìn giữ giếng cổ ngoại thành