Người "bắc nhịp cầu" tranh dân gian với công chúng

Thu Hằng| 06/02/2020 06:48

(HNM) - Sưu tầm gốm sứ mà vô tình "bén duyên" với tranh dân gian, rồi đam mê và nặng lòng đeo đuổi, chị Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội đã dành nhiều tâm huyết, tiền của cho việc khôi phục, sưu tập dòng tranh này. Bằng những đóng góp của mình, chị đã trở thành người góp phần "bắc nhịp cầu" tranh dân gian, một di sản văn hóa đặc sắc, với công chúng hôm nay...

Nhà sưu tầm, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hòa trao đổi với các cụ cao tuổi làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức.

Từ lương duyên với dòng tranh Kim Hoàng...

Gần 15 năm nay, nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội lăn lộn khắp trong và ngoài nước để mang về hàng nghìn tác phẩm quý hiếm của các dòng tranh: Đông Hồ, Kim Hoàng, Hàng Trống, làng Sình, Đồ thế Nam Bộ, Kính Nam Bộ, Kính Huế, Thờ miền núi…, với mong ước thành lập một bảo tàng tranh dân gian Việt Nam. Trong quá trình sưu tập, chị nhận thấy có những dòng tranh đang "lưu lạc" hoặc đã thất truyền. Đơn cử, như tranh Kim Hoàng - một dòng tranh dân gian của làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, từng phát triển khá mạnh, nhưng có thời kỳ đã dường như biến mất. Những gì còn sót lại của cả một dòng tranh rực rỡ chỉ là hai ván in được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Ý tưởng khôi phục tranh Kim Hoàng được nhiều người ấp ủ, nhưng chưa một ai dám bắt tay vào thực hiện. Như một mối lương duyên, nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa đã trở thành người đại diện khơi nguồn cho sự hồi sinh của dòng tranh này. “Dự án phục hồi tranh Kim Hoàng” mà nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa cùng các đồng sự, bao gồm các nhà nghiên cứu, họa sĩ và các nghệ nhân có thâm niên, khởi xướng "thành hình", được triển khai từ năm 2016. Dự án nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của cả người dân và cơ quan chức năng.

Nhớ lại chuỗi ngày ngược xuôi đi về làng Kim Hoàng kết nối với các chuyên gia, các nghệ nhân, tìm kiếm tài liệu từ nước ngoài và đầu tư hỗ trợ các nghệ nhân…, chị Nguyễn Thị Thu Hòa bảo, không thể kể hết những khó khăn, vất vả, song rất vui vì đang làm một việc có ý nghĩa: Phục hồi một dòng tranh dân gian nức tiếng, góp phần gìn giữ vốn liếng văn hóa dân tộc.

Niềm tin mãnh liệt vào công việc mình làm, kiên nhẫn theo con đường đã chọn, cuối cùng thì trời không phụ lòng người, tranh Kim Hoàng đã bắt đầu "sống lại". Và hơn thế, dòng tranh dân gian này hiện diện mỗi lúc một đậm rõ, in dấu lên ký ức người Hà Nội hôm nay. Khách hàng lựa chọn dòng tranh Kim Hoàng là những nhà sưu tầm, nhà nghiên cứu, người sành chơi và đông đảo công chúng. 

Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách bày tỏ vui mừng: “Tôi theo dõi công việc phục hồi tranh dân gian Kim Hoàng của Nguyễn Thị Thu Hòa suốt mấy năm nay. Bao công sức, đầu tư cả vật chất lẫn tinh thần, cho công việc bây giờ có vẻ đã đạt kết quả. Những người ưa thích tranh dân gian đã nhận ra tranh Kim Hoàng bên cạnh các dòng tranh khác. Mong sao công việc vẫn tiến triển tích cực để tranh Kim Hoàng sớm lấy lại vị thế tưởng như đã mất trong đời sống văn hóa đương đại”.

... đến những dự án dài hơi

Hiện tại, nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa cùng các đồng sự đang gấp rút hoàn thiện để đến tháng 6 này sẽ ra mắt cuốn sách về “Tranh dân gian Hàng Trống” và cuối năm là cuốn sách về “Tranh dân gian Huế” trong Dự án “Khôi phục tranh dân gian Việt Nam” do chị khởi xướng.

Trước đó, hai cuốn sách về tranh dân gian Kim Hoàng và Đông Hồ của chị ra mắt trong năm 2019 được công chúng và giới nghiên cứu đánh giá cao. Sách về các dòng tranh dân gian trên thị trường có nhiều, nhưng những cuốn sách của chị luôn đem đến những kiến thức sâu sắc, đầy đủ, chi tiết về các dòng tranh dân gian mà nhiều khi không ít cuốn khác không có hoặc đề cập một cách hết sức sơ sài, thiếu hệ thống...

“Nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa là người có nhiều tâm huyết, nhiều ý tưởng trong việc xây dựng và bảo tồn các giá trị tinh hoa của tranh dân gian Việt Nam như tranh Kim Hoàng, tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ... Là người cộng tác với chị Hòa, tôi đánh giá cao cách làm việc khoa học và tấm lòng rất đáng quý của chị”, ông Lê Đình Nghiên, nghệ nhân tranh Hàng Trống bày tỏ lòng cảm kích.

Theo chị Nguyễn Thị Thu Hòa, muốn phục dựng và phát triển một dòng tranh dân gian thì yếu tố quan trọng nhất là tìm nghệ nhân. Nhưng muốn nghệ nhân tâm huyết thì họ phải sống được bằng nghề. Hiện, chị đầu tư hàng trăm triệu đồng mỗi năm, vừa để "nuôi" nghệ nhân của một số làng tranh, vừa tìm kiếm và đào tạo những nghệ nhân mới... Bên cạnh đó, chị thường xuyên đến thăm nhiều bảo tàng trên thế giới, tìm hiểu về tính dân tộc trong các sản phẩm thủ công truyền thống các nước, về cách làm, cách bán hàng của họ để giới thiệu cho các nghệ nhân trong nước tham khảo, học tập.

Nghệ nhân đậu bạc làng Định Công Quách Tuấn Anh chia sẻ, trước đây, anh làm nhiều sản phẩm bạc tinh xảo, nhưng ít mang tính dân tộc nên bán chậm. Từ khi chế tác những sản phẩm theo gợi ý của chị Hòa như tranh lợn Kim Hoàng chạm bạc Định Công, sản phẩm được các cơ quan ngoại giao, các cửa hàng lưu niệm đặt mua làm quà tặng rất nhiều. Từ đó, anh ngày càng ý thức và quan tâm hơn đến tính dân tộc trong sản phẩm thủ công truyền thống.

Trong câu chuyện bất tận về tranh dân gian, sự sôi nổi và niềm đam mê cháy bỏng nơi chị Nguyễn Thị Thu Hòa luôn khơi mở và lan truyền cảm hứng đến mọi người. Số tiền túi mà nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa đã bỏ ra để khôi phục và hoàn thiện một số dòng tranh dân gian là không hề nhỏ và hiện nay chị vẫn phải tiếp tục đầu tư để duy trì những kết quả đã đạt được. Hàn huyên với chị, nhìn rộng hơn công việc chị đang làm, tôi càng hiểu thêm rằng, sự đam mê chị dành cho văn hóa dân tộc luôn chân thật, nồng nàn và đầy trách nhiệm. Những ý tưởng, dự án dài hơi ăm ắp tình yêu với di sản của ông cha của chị lại tiếp nối...

Mới đầu Giêng, chị Nguyễn Thị Thu Hòa đã bận rộn với những chuyến điền dã tìm kiếm tư liệu để góp phần làm sáng tỏ hơn nữa những giả thiết, suy luận về nguồn gốc, phát tích và sự tiếp biến của các dòng tranh dân gian Việt Nam. “Tôi muốn góp phần để tranh dân gian Việt Nam hiện diện ở mọi nơi, để mọi người cùng nhìn thấy vẻ đẹp lấp lánh của nó và qua đó, nhìn thấy chiều sâu của cả nền văn hóa dân tộc giàu bản sắc” - chị Nguyễn Thị Thu Hòa tâm sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người "bắc nhịp cầu" tranh dân gian với công chúng