Nét đẹp văn hóa đầu năm: Xin chữ và cho chữ

Thu Hằng| 24/01/2020 17:55

(HNMO) - Đến “phố ông đồ” xin chữ đầu năm là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Hà Nội. Nét đẹp văn hóa ấy đã và đang tô điểm cho bức tranh mùa xuân thêm lung linh sắc màu.

 “Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua”…

(Ông đồ - Vũ Đình Liên)

Mấy năm trở lại đây, cứ mỗi độ xuân về, Tết đến, “phố ông đồ” nơi Hồ Văn, bên cạnh Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (quận Đống Đa - Hà Nội) lại nhộn nhịp đông vui. Đây có thể coi là một “đặc sản” của Tết Hà Nội.

Người người tấp nập đến đây xin chữ. Nhìn những nét chữ còn tươi màu mực được các thư pháp gia hay còn gọi là “ông đồ” viết trên nền giấy dó, giấy điệp và những gương mặt trân trọng, hồ hởi đón nhận thấy thật vui. Nét đẹp văn hóa này thể hiện sự trọng chữ nghĩa, tri thức của người Việt Nam.

Tương truyền, xưa kia học trò đến thăm thầy Chu Văn An thường được thầy thăm hỏi, trò chuyện. Thông qua đó thầy thấu hiểu được tâm tư, nguyện vọng, công việc, cuộc sống của mỗi học trò. Khi chia tay, thầy tự tay viết tặng người đó một chữ ứng với những nhận định hoặc là ngầm ý gửi phương châm sống, phấn đấu cho người đó. Ai được tặng đều coi những con chữ của thầy như báu vật, mang về treo ở nơi trang trọng nhất để chiêm nghiệm. Để tưởng nhớ và lưu giữ nét văn hóa độc đáo này, tục xin chữ và cho chữ hiện nay được phát huy với nguyên vẹn ý nghĩa.

Đến với “phố ông đồ” để xin chữ không chỉ có những bậc cao niên mà còn có cả các nam thanh, nữ tú, đang độ tuổi đến trường. Mọi người đến đây để gửi gắm những tâm tư cho một mùa xuân mới.

Chị Phạm Ngọc, 24 tuổi, nhà ở phố Thụy Khuê (Hà Nội) bảo rằng, 3-4 năm nay, năm nào vào dịp Tết Nguyên đán chị cũng đến khu Hồ Văn xin chữ, treo trong nhà. Những nét chữ mềm mại, uyển chuyển nhưng chứa đựng trong đó những ước vọng về một năm mới nhiều thuận lợi, may mắn và bình an cho cả gia đình.

Không chỉ người Việt Nam mà ngay cả người ngoại quốc đến từ Anh, Pháp, Mỹ, Nhật… cũng đến “phố ông đồ” xin chữ với mong ước sống vui, khỏe và hạnh phúc.

Không khí rộn rã nơi “phố ông đồ” là một trong những minh chứng cho phong tục đẹp của người dân Thủ đô nói riêng và người Việt nói chung trong dịp Tết Nguyên đán. Đây là món quà tinh thần có ý nghĩa sâu sắc. Nó khiến con người ta hướng đến các giá trị “chân - thiện - mỹ” trong cuộc sống.

Trực tiếp viết và cho chữ ở Hồ Văn đã hơn 6 năm nên “ông đồ” Nguyễn Văn Quý hiểu khá rõ tâm lý của người xin chữ ngày đầu xuân. Ông bảo người làm quan thường xin chữ Tâm, Đức, Liêm, Chính. Người lao động thường xin chữ Chuyên, Cần. Người có tuổi xin chữ Phúc, Thọ, Trường. Người buôn bán xin chữ Tín, Tài, Lộc. Học trò xin chữ Trí, Tuệ, Minh, Thành, Đạt... Tuy xin các chữ khác nhau, song tựu trung, mọi người đều muốn những con chữ mà mình mang về treo trong nhà sẽ góp phần giúp ước vọng của mình thành hiện thực. Còn với ông, “cho chữ ngày xuân là thú vui. Mỗi bức chữ thư pháp chẳng đáng bao tiền, nhưng nó là niềm tin, đạo nghĩa”.

Với những nhà thư pháp như ông Quý, viết chữ, viết câu đối ở Hồ Văn vào dịp Tết không chỉ là để tặng người xin chữ, mà qua từng nét chữ, từng con chữ ông còn muốn truyền lại và hướng dẫn cho người đi xin chữ đến với cảm thụ thư pháp, hiểu thêm ý nghĩa của từng con chữ, của việc xin chữ. Ông rất vui khi mang hạnh phúc đến cho mọi nhà khi xuân về Tết đến.

Sắc xuân đang lan tỏa nơi phố, phường Hà Nội. Người người lại rủ nhau đến với “phố ông đồ” xin chữ để cầu tài, cầu lộc, cầu bình an. Một nét dẹp văn hóa ở Thủ đô làm say lòng người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nét đẹp văn hóa đầu năm: Xin chữ và cho chữ