Hà thành dịp Tết qua ký ức văn nghệ sĩ

Trần Đình Ba| 25/01/2020 07:42

(HNM) - Chơi thủy tiên dịp Tết là một thú xa xỉ và cũng rất đỗi thanh tao của đất Hà thành văn vật. Trong ký ức của những văn sĩ, thi sĩ như Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Công Hoan, Vũ Bằng,… dấu ấn về Tết Nguyên đán hầu như không thể thiếu thú chơi hoa thủy tiên.

Thủy tiên chăm sao cho khéo

Trong ký ức của Vũ Ngọc Phan nơi hồi ký Những năm tháng ấy, nhà phê bình văn học cho hay, chơi thủy tiên là thú chơi xa xỉ, vương giả. Người chơi phải rất kỳ công và cảm nhận được sự thanh tao, cao quý của thú chơi này.

Tết Hà thành cũng như mọi miền quê đất Việt, đâu thể thiếu sắc hoa, nào hoa đào, hoa cúc hay mẫu đơn… bán đầy nơi phố Hàng Ngang, chợ Đồng Xuân trong ký ức Vũ Ngọc Phan, hay cây mai, chậu cúc vàng, cây quất đỏ, cụm hồng nhung, hoa đỗ quyên và lan chân cua trong tâm tưởng xa xăm của Vũ Bằng. Và cả hoa thủy tiên nữa. Thủy tiên không chỉ đẹp với lá xanh, hoa trắng, nhị vàng, mà còn rất thơm.

Để mua thủy tiên mang về chơi, theo Vũ Ngọc Phan có hai loại, hoặc có thủy tiên gọt sẵn bán ở chợ Đồng Xuân và các phố gần đó, hoặc thủy tiên ở phố Hàng Buồm bán từng sọt, người mua về tự gọt lấy. 

Nguyễn Công Hoan cho hay, thủy tiên trồng trên trấu, tưới nước đều hằng ngày giúp lá và dò hoa lên thẳng. Nhớ về thú chơi này, Hoàng Đạo Thúy trong Hà Nội thanh lịch còn ghi lại việc ấy trong bài “Tết lớn”. Theo đó, thủy tiên được mua từ dạo đầu tháng Chạp. Sau khi mua thủy tiên về, chủ nhà ngắm nghía đoán xem dò hoa mọc chỗ nào rồi dùng dao cắt mỗi củ một nửa, bên ít có thể có dò hoa, giữ nguyên cả gốc và đem ngâm nước. Sáng hôm sau, đặt nó lên bát chiết yêu đổ nước vào và bày ra nắng. Vài hôm nữa, các dò hoa bắt đầu mọc thẳng lên. Đó chính là lúc tạo hình cho thủy tiên.

Kỳ công tạo hình cho đẹp

Để tự gọt thủy tiên, cần lắm kỹ thuật, sự khéo tay và tùy theo sở thích của người chơi. Dao gọt thủy tiên là loại rèn riêng. Nhà văn Vũ Bằng trong Thương nhớ mười hai còn nhớ dao ấy đặt trên phố Lò Rèn và theo miêu tả của Nguyễn Bá Đạm trong Hà Nội những câu chuyện kể từ cuối thế kỷ XIX-XX, đó là “con dao mềm hai đầu cùng nhọn, chỉ khác nhau là đầu to và đầu nhỏ”. Vốn chữ nghĩa nhanh nhạy nhưng tỉa tót vụng về, tác giả của Bốn mươi năm nói láo (Vũ Bằng) còn nhớ cảnh đêm từ mùng Mười tháng Chạp, vợ ông “ra sân vặn đèn thay nước của từng cốc, uốn lá và lấy những cái tăm tách những cái dò thủy tiên ra để cho đừng chạm nhau”.  Trong khi ấy, ông đã đánh được một giấc ngon.

Trái với Vũ Bằng, Nguyễn Công Hoan lại tỏ ra là một người sành chơi thủy tiên. Để tỉa thủy tiên, phải dùng con dao trổ mài thật sắc “khẽ lượn vẹt vào một bên lá thì lá uốn cong. Đến khi dò nụ đâm ra, thì cũng lấy những mảnh ở củ, lái cho nó mọc ngang, mọc chéo, tùy theo ý mình”.  Vẫn lời tác giả của Kép Tư Bền, chăm sóc thủy tiên cũng phải biết cách. Thủy tiên sau khi được uốn hình sẽ thả vào trong nước, đựng trong cái cốc loe miệng có chân dùng riêng cho thủy tiên, thường gọi là cốc thủy tiên. Mỗi ngày rửa củ và thay nước một lần.

Trường hợp tỉa thủy tiên muộn, nếu muốn thúc cho củ trổ hoa nhanh thì dùng nước ấm. Độ ấm của nước tùy vào ngày đó xa hay gần đến Tết.  Với người khéo chăm, thạo chơi thủy tiên, họ biết cách hãm từng dò hoa để cho chúng nở đều. Nguyễn Công Hoan cho biết: “Cũng có người lấy tý lòng trắng trứng gà chấm vào đầu nụ cho nụ chưa nở xòe thành hoa. Nhưng nhiều người không phải dùng trứng gà, mà đến Giao thừa các hoa mới cùng hàm tiếu đều”. Còn Hoàng Đạo Thúy thì chỉ cách chăm, hãm thủy tiên kiểu khác. Nếu thủy tiên chậm nở thì phơi nắng ban ngày, tối cất vào nhà để thúc. Còn muốn hãm thì đêm phơi sương, ngày để vào chỗ mát. Chăm thủy tiên vậy thật chẳng khác nào chăm con mọn.

Cũng vì cầu kỳ đến thế nên chơi hoa thủy tiên được nâng lên tầm nghệ thuật. Nguyễn Bá Đạm cho biết, đất Hà thành dạo ấy có những người chơi hoa nổi tiếng được biết tên tuổi như cụ Vĩnh ở Hàng Trống, cụ Trưởng Quang ở Hàng Mã, cụ Dục Hỷ ở Cửa Đông, cụ Tiếu ở Châu Long, cụ Mã Ký ở Hàng Bông hay cụ Ngẫu, cụ Lý Huệ, cụ Mè ở Hàng Khoai…

Loài hoa mang điềm lành 

Từ củ thủy tiên được trồng, những người khéo tay sẽ tỉa, tạo dáng dựa vào khả năng thẩm mỹ của mình như lời trong Nhớ gì ghi nấy (Nguyễn Công Hoan): “Có những củ được tỉa, rồi được uốn theo hình con phượng bay, con rùa,… Phượng vươn cổ lên, đầu là chùm hoa. Cánh xanh, hoa trắng, thành hình các con vật rất khéo”. Thủy tiên đẹp theo Vũ Ngọc Phan và Hoàng Đạo Thúy phải là thủy tiên hé miệng cười (hàm tiếu) vào ngày 30 Tết, đến sáng mùng Một Tết nở là đẹp nhất và “nhà nào có được củ thủy tiên như vậy là điềm lành cho cả năm”.

Không chỉ trưng trong gia đình dịp Tết, thú chơi thủy tiên còn được nâng tầm lên mức nữa, ấy là thi hoa thủy tiên. Theo lời Nguyễn Bá Đạm, địa điểm tổ chức thi hoa thủy tiên ở đình Huyền Thiên thuộc phố Hàng Khoai, hoặc ở đền Ngọc Sơn bên hồ Hoàn Kiếm. Sản phẩm dự thi sẽ được đem đến vào chiều 30 Tết và kết quả chấm, trao giải được thực hiện trong mùng Một Tết với giải thưởng là hộp chè Chính Thái bọc thiếc, ba vuông lụa đỏ và một bánh pháo. Giải thưởng cũng có thể quy ra tiền là ba hoặc năm đồng bạc trắng hoa xòe bọc giấy hồng điều.

Vẫn trong ghi chép Hà Nội những câu chuyện kể từ cuối thế kỷ XIX-XX, giây phút hồi hộp nhất của người dự thi và khán giả chính là lúc ban giám khảo lựa chọn và công bố giải. Tiêu chuẩn để chấm là “rễ hoa dài và thẳng, dò hoa vết gọt không bị thâm, lá không bị giập nát; hoa đơn không phải loại kép và nở hàm tiếu (chưa nở hết, trông như nụ cười); dò hoa nở đúng lúc Giao thừa (không sớm mà cũng không muộn)”.

Trong cuộc thi này, Những năm tháng ấy còn ghi lại không khí vui mừng, phấn khởi của chủ nhân đoạt giải: “Củ thủy tiên được giải nhất người ta đặt lên kiệu (long đình) rước về nhà, người gọt củ thủy tiên đẹp nhất khăn áo chỉnh tề đi theo kiệu, vẻ mặt hào hứng”. Có gia đình khi đoạt giải rước hoa về nhà và đốt pháo mừng trong ba ngày Tết, cho là năm đó gặp nhiều may mắn. Nhà đoạt giải còn làm cỗ mời những bạn chơi hoa đến ăn mừng như lời Nguyễn Bá Đạm ghi lại.

Thú chơi tao nhã ấy của Hà Nội xưa gần như không còn khi nhịp sống bận rộn, hối hả. Mọi người ít có thời gian cho việc chăm bẵm, tỉa tót loài hoa trắng muốt này. Nhưng đâu đó, thỉnh thoảng vào dịp Tết Nguyên đán khi đến chơi Tết nhà người quen, ta vẫn bắt gặp một dò thủy tiên đặt trang trọng nơi phòng khách, khiến lòng nhắc nhớ một thú chơi xưa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà thành dịp Tết qua ký ức văn nghệ sĩ