"Trầm tích" Thăng Long

Nguyễn Ngọc Tiến| 26/01/2020 07:35

(HNM) - Không có một vùng đất nào trên đất nước Việt Nam lại dày đặc di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như Thăng Long - Hà Nội. Vùng đất này là trung tâm của văn hóa Việt và không ít trong khối "trầm tích" di sản ấy trở thành biểu tượng.

Ảnh: Đan Toàn

Hà Nội là vùng đất cổ, nơi tụ cư đông đúc, lại luôn phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, giặc giã, nên ngay từ khi chưa trở thành kinh đô của Đại Việt, mảnh đất này là nơi ra đời của nhiều truyền thuyết, dã sử. Truyền thuyết, dã sử là yếu tố quan trọng làm nên tâm thức Hà Nội, chỗ dựa tinh thần cho con người. 

Khi Lý Công Uẩn rời Hoa Lư năm 1010 ra xây Kinh đô Thăng Long trên nền thành Đại La cũ thì sau đó, lần lượt các vua Lý đã cho xây chùa Một Cột, xây Văn Miếu năm 1070, xây Quốc Tử Giám năm 1076 làm nơi học cho con vua và các bậc đại thần trong triều đình. Tiếp đời Lý là Trần, Lê và ngay cả nhà Nguyễn khi chuyển kinh đô vào Huế vẫn duy trì và xây dựng các công trình văn hóa trên đất này.

Một nguyên nhân khác cũng làm cho di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội đa dạng và phong phú hơn là yếu tố ngoại sinh. Cuối thế kỷ XIX, Pháp xâm chiếm Hà Nội và chọn Hà Nội là Thủ đô của Liên bang Đông Dương năm 1902, Hà Nội cũng xuất hiện nhiều công trình kiến trúc theo kiểu phương Tây dung hòa với kiến trúc Việt, tạo ra các giá trị độc đáo. 

Kinh đô và Thủ đô là yếu tố quan trọng để sản sinh ra các giá trị văn hóa. Từ khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính vào năm 2008 đến nay, di sản văn hóa trên địa bàn thành phố lại càng dày thêm về số lượng, phong phú, đa dạng về chất lượng. Hiện tại, Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng di sản với 5.922 di tích lịch sử - văn hóa, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có hàng trăm lễ hội dân gian, nghề thủ công truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng... Hầu hết các di sản này ra đời từ lâu, gần nhất là một trăm năm và xa hơn là từ nhiều thế kỷ. Không chỉ nhiều về số lượng, không ít di sản có giá trị văn hóa, lịch sử vượt tầm quốc gia. Trong khối di sản đồ sộ ấy, thành phố đang sở hữu 1 di sản văn hóa thế giới; 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại; 1 di sản tư liệu thế giới... do UNESCO ghi danh. Cũng trong số này có 16 di tích, cụm di tích quốc gia đặc biệt, gần 2.000 di tích cấp quốc gia, 18 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia...

Văn hóa Thăng Long - Hà Nội trong không gian văn hóa Việt, có cái chung cùng những đặc điểm riêng. Nếu ngày Tết Nguyên đán, các vùng quê xưa đều trồng cây nêu thì ở Thăng Long - Hà Nội từ lâu đã bỏ tục này. Vì đất chật. Cỗ Tết ở Thăng Long - Hà Nội cũng khác với nhiều vùng miền ở sự cầu kỳ tới mức trở thành màn trình diễn ẩm thực của các gia đình. Vào thời Lý, Lễ hội đèn Quảng Chiếu cầu cho quốc thái dân an diễn ra bên bờ sông Hồng, sông Tô Lịch với trò đốt pháo hoa và biểu diễn rối nước, hát chèo. Cũng từ thời Lý sinh ra hội thề Trung Hiếu tại đền Đồng Cổ ở làng Hồ Khẩu (nay thuộc phường Bưởi) còn cho đến ngày nay. Vào ngày 25 tháng Ba (Âm lịch), bách quan văn võ đến trước đàn, quỳ trước thần, thề: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh tru diệt”. Để dân chúng chứng giám, vua cho dân Kinh thành Thăng Long tham dự. Đến thời Trần tiếp tục giữ lệ này. Đây là hai lễ hội cung đình độc đáo mà Kinh đô Huế sau này không có.

Không chỉ có lễ hội lớn mà các lễ hội dân gian vùng, làng cũng rất đặc sắc, ví như lễ hội vừa ăn mía, vừa nấu cơm ở vùng Nghĩa Đô, trai gái dự thi phải ăn mía và lấy chính bã mía làm củi nấu cơm. Lễ hội thi xôi cây ở làng Kiều Mai vùng Diễn, thử tài nấu xôi ngon và xếp chồng xôi khéo. Ở vùng Đăm còn có tục bơi chải không chỉ để so khỏe mà còn ở cả tính đồng đội cao, nhằm vinh danh các tướng lĩnh của Hai Bà Trưng luyện thủy quân xưa. Làng Kim Liên có tục thi nấu cỗ lạ. Tức là ngoài việc nấu ngon, cỗ còn được tạo hình như thế nào cho độc đáo mới giành được thứ hạng cao. Chính vì lẽ đó, từ con gà luộc, các giáp trong làng tạo ra nhiều hình tượng, như: Thánh Gióng, Trần Hưng Đạo…

Văn hóa Thăng Long - Hà Nội khác biệt, độc đáo với các vùng miền do Thăng Long - Hà Nội là Kinh đô, Thủ đô. Nơi có vua, quan ở cùng nhiều tầng lớp tinh hoa sinh sống cũng là nơi có điều kiện kinh tế và là nơi giao thương với nước ngoài, nên có nhiều sáng tạo.

Vật chất làm cho con người tồn tại, nhưng văn hóa lại gắn kết cá nhân với cộng đồng, làm nên nhân cách con người, là cơ sở cho xã hội phát triển. Là trung tâm của văn hóa Việt, là Kinh đô - Thủ đô nên tính cách, lối sống, ứng xử của người Thăng Long - Hà Nội cũng có phần khác. Trong một công trình nghiên cứu văn hóa Thăng Long - Hà Nội, cố Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng đã nhận định: “Hà Nội có phong độ văn hóa riêng, có tiếng nói riêng: Tiếng Hà Nội. Hà Nội có lối ứng xử thanh lịch, tế nhị, tế vi, tao nhã”. Trước những hiện tượng xuống cấp trong lối sống, giao tiếp ở Hà Nội, có những ý kiến tỏ ra lo lắng, tuy nhiên sự xuống cấp đó không phổ quát mà chỉ mang tính đơn lẻ.

Văn hóa được ví như một dòng sông mà đầu nguồn là văn hóa truyền thống. Mỗi giai đoạn lịch sử đều sản sinh ra các sản phẩm văn hóa cung cấp cho con sông ấy để nó chảy mãi đến tương lai. Mạch ngầm văn hóa truyền thống vẫn âm thầm chảy và ngấm vào Hà Nội. Hà Nội vẫn tiếp nhận tinh hoa nước ngoài và sáng tạo ra những giá trị văn hóa mới, vì Hà Nội là nơi hội tụ của bốn phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Trầm tích" Thăng Long